Đây cũng là nguồn điện rẻ, ổn định, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn, đáp ứng lộ trình thực hiện Net Zero của Việt Nam. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến nhiều chiều về vấn đề này.
GS Trần Đình Long (phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam):
Các nước gặp khó về nhiên liệu đều chọn phát triển điện hạt nhân
Điện hạt nhân là một lựa chọn quan trọng, các nước gặp khó khăn về nhiên liệu đều hướng đến phát triển điện hạt nhân. Trong bối cảnh hiện nay Việt Nam muốn phát triển nhà máy điện hạt nhân phải nhập khẩu công nghệ.
Bất kỳ một lựa chọn nào cũng có một chút rủi ro nhưng nếu chúng ta lựa chọn công nghệ tốt và đặc biệt lưu ý đến vấn đề vận hành an toàn thì sẽ an toàn.
Hơn nữa, đây là một loại điện sạch, không phát thải như các nhà máy điện than, điện khí.
Nơi đặt nhà máy điện hạt nhân không phụ thuộc vào nhiên liệu tại chỗ, việc vận chuyển nhiên liệu cho điện hạt nhân không đáng kể.
Tuy nhiên khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần xem công nghệ phát triển của nước nào phù hợp nhất với điều kiện Việt Nam để nhập khẩu. Hơn nữa cần đánh giá kỹ cam kết phát triển nhà máy của các nhà đầu tư.
Vốn đầu tư nhà máy điện hạt nhân nếu tính theo cả vòng đời dự án thì điện hạt nhân có thể cạnh tranh được với các loại điện than, thủy điện, điện khí. Việc phát triển nhà máy điện hạt nhân thời gian tới có thể xem xét đặt nhà máy tại Ninh Thuận hoặc nơi khác.
Ông Trần Chí Thành (viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam):
Không an toàn thì không ai cho làm
Nếu làm điện hạt nhân không an toàn thì không ai cho mình làm cả. Việc đầu tư nhà máy điện hạt nhân phải chuẩn bị rất lâu, khi Việt Nam đủ điều kiện thì Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) mới đồng ý cho làm. Các nước khác khi phát triển điện hạt nhân cũng vậy.
Về công nghệ điện hạt nhân thì nhiều nước đang làm bình thường, không phát sinh vấn đề gì.
Tuy nhiên muốn làm điện hạt nhân thì phải chuẩn bị kỹ từ đào tạo người vận hành, xây dựng cơ sở hạ tầng và phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, không chuẩn bị không làm được.
Trung bình đầu tư một nhà máy điện nguyên tử cần thời gian chuẩn bị và đầu tư từ 10 - 15 năm mới đưa vào phát điện được.
TS Nguyễn Thành Sơn (chuyên gia tư vấn độc lập về phát triển năng lượng):
Nên đầu tư ở quy mô nhỏ trước
Hiện chỉ có các nước lớn mới có công nghệ làm nhà máy điện hạt nhân nên chúng ta xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một hình thức "nhập khẩu" điện từ công nghệ xây dựng nhà máy, nhiên liệu chạy nhà máy và xử lý thanh nhiên liệu.
Chi phí đầu tư ban đầu của nhà máy điện hạt nhân lớn hơn nhiều so với điện than, điện khí, điện mặt trời, điện gió nhưng khi vận hành thì chắc chắn sẽ rẻ hơn.
Về tính an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, phải khẳng định rằng công nghệ làm điện hạt nhân hiện nay rất an toàn. Các nhà máy điện hạt nhân đã tiến tới thế hệ III, III+, IV rất an toàn.
Việc còn lại là do con người vận hành. Các sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Liên Xô (trước đây), Mỹ, Nhật Bản những năm qua đều do con người vận hành, do thiên tai chứ không phải do công nghệ. Như vậy là vẫn có rủi ro.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta nên làm các nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ từ 50 - 150MW, tối đa là 300MW để thử nghiệm, đào tạo con người cũng như sẽ đầu tư nhanh hơn, an toàn hơn, qua đó giúp làm chủ công nghệ.
Chúng ta phải có một nền công nghiệp hạt nhân dù quy mô nhỏ nhưng phải từ A - Z. Nếu quyết định làm lại nhà máy điện hạt nhân thì Ninh Thuận sẽ là một địa điểm phù hợp vì trước đây chúng ta đã nghiên cứu rất kỹ càng địa điểm đầu tư.
Ông Nguyễn Anh Tuấn (phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam):
Nên làm càng sớm càng tốt
Điện hạt nhân là nguồn điện không phát thải, nếu thay thế dần các nguồn điện có phát thải như than, khí... sẽ là một trong những yếu tố giúp Việt Nam có thể đạt được lộ trình Net Zero mà chúng ta đã cam kết quốc tế.
Điện hạt nhân cũng là nguồn điện ổn định khi có nguồn nhiên liệu ổn định, nếu có kho dự trữ có thể nhập khẩu nhiên liệu nhiều hơn, giúp các nhà máy điện ổn định, lâu dài, không phụ thuộc vào các biến động chính trị, biến động giá dầu, giá khí, giá than..., bảo đảm an ninh năng lượng.
Công nghệ nhà máy điện hạt nhân hiện nay có xác suất xảy ra sự cố rất thấp, khoảng 1/10 triệu, còn lại phụ thuộc khâu vận hành.
Chúng ta đã có một thời gian dài để chuẩn bị đào tạo con người, hoàn thiện hành lang pháp lý, chọn địa điểm đầu tư. Nếu so sánh cả vòng đời dự án thì chi phí sản xuất điện hạt nhân tương đương với chi phí sản xuất điện từ than nhập khẩu.
Trường hợp giá than nhập khẩu ngày càng đắt thì có thể chi phí sản xuất điện hạt nhân rẻ hơn điện than, giá bán điện hạt nhân chắc chắn sẽ rẻ hơn điện gió, điện mặt trời. Điều quan trọng là thời gian đầu tư nhà máy điện hạt nhân phải đúng hạn, không được kéo dài, đẩy giá điện tăng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):
Điện hạt nhân là xu thế
Trước đây, chúng ta đã có dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận nhưng tạm dừng vì có nhiều lo ngại về an toàn, chi phí đầu tư cao, vấn đề công nghệ, diễn biến tình hình năng lượng toàn cầu vào thời điểm đó.
Tuy nhiên việc phát triển điện hạt nhân hiện nay là một trong những xu thế của thế giới. Một số quốc gia trên thế giới từng đóng cửa nhưng giờ đã tái khởi động lại do nhu cầu năng lượng sử dụng điện rất lớn. Do vậy với nước ta không thể loại bỏ quy hoạch đầu tư nhà máy điện hạt nhân được.
Tất nhiên trong quá trình thực hiện phải có sự nghiên cứu, đánh giá tác động rất kỹ để làm sao phải đảm bảo quốc phòng, an ninh, công nghệ sử dụng phải an toàn và nhất là cần bảo vệ môi trường.
Tôi cho rằng Bộ Công Thương cần sớm đề xuất, tham mưu cho Chính phủ báo cáo cấp thẩm quyền đề nghị sớm khởi động lại chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong thời gian sớm nhất.
Đây là một vấn đề rất hệ trọng vì chỉ có năng lượng về điện hạt nhân mới có thể phát triển và chúng ta đảm bảo được nhu cầu năng lượng của quốc gia trong tình hình mới.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương):
Nghiên cứu kỹ các mặt trái
Về bản chất điện hạt nhân có thể làm điện nền, bù đắp cho thiếu hụt điện trong tương lai của Việt Nam.
Đặc biệt khi phát triển công nghệ số, kỹ thuật số sẽ tiêu tốn rất nhiều điện và đòi hỏi tính an toàn của điện. Do vậy, giải pháp điện hạt nhân là rất tốt và chúng ta cũng có thể làm chủ công nghệ.
Tuy nhiên một số nhà khoa học đã gửi ý kiến cho tôi đề nghị xem xét, nghiên cứu, có ý kiến bởi điện hạt nhân có một số mặt trái.
Về công nghệ, nếu chúng ta không làm chủ được thì sẽ phải lệ thuộc rất nhiều. Thực tế một số nước làm được điện hạt nhân vì họ làm chủ được công nghệ.
Chi phí đầu tư điện hạt nhân rất lớn do mình cũng phải nhập khẩu. Chi phí vận hành cũng phụ thuộc vào việc có làm chủ công nghệ hay không.
Thêm nữa là các nhà khoa học cũng nêu ra khi đóng cửa không sử dụng nữa thì chi phí giá thành đắt gấp 1,5 - 2 lần giá thành lắp đặt.
Việc này Bộ Công Thương và các đơn vị cần có thẩm tra, đánh giá và thông tin cụ thể hơn. Việc lưu giữ rác thải hạt nhân cũng cần phải có nghiên cứu, đánh giá cụ thể xem có lưu giữ được không.
Còn nếu phải chôn lấp hay thả xuống đáy đại dương nếu không đủ công nghệ xử lý dẫn đến phát xạ trở lại thì rất dễ gây ô nhiễm. Cuối cùng là các vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng. Tất cả phải được nghiên cứu, đánh giá rất kỹ chứ không thể nói chung chung.
Đại biểu Hoàng Đức Chính (Hòa Bình):
Cần bổ sung các quy định cụ thể
Dự Luật Điện lực (sửa đổi) đã đưa nội dung về điện hạt nhân. Đây là một bước quan trọng trong định hướng năng lượng quốc gia.
Để đưa điện hạt nhân phát triển bền vững cần xây dựng các điều khoản rõ ràng về đầu tư, quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân, tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới.
Bên cạnh đó cần bổ sung những quy định về quản lý chất thải phóng xạ và các biện pháp đảm bảo an toàn cho cộng đồng và môi trường khi thực hiện các dự án nhà máy điện hạt nhân, tránh những lo ngại của người dân và tăng sự đồng thuận trong xã hội.
Cùng với đó là bổ sung các điều khoản về khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực.
Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ Quốc phòng, Công an, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Tư pháp, Xây dựng và UBND tỉnh Ninh Thuận về báo cáo kinh nghiệm quốc tế và vấn đề phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.
Đây là cơ sở để Bộ Công Thương hoàn thiện dự thảo báo cáo, trình Ban cán sự Đảng Chính phủ xem xét trước khi báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư các nhà máy điện hạt nhân trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ cũng đề xuất bổ sung quy định Nhà nước độc quyền phát triển điện hạt nhân, Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Trong tương lai Việt Nam phải có điện hạt nhân
Giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ lần sửa đổi này của dự Luật Điện lực đã bổ sung những chính sách mới để phát triển những nguồn năng lượng mới, bao gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời, kể cả gió ngoài khơi, gió trên bờ, kể cả mặt trời áp mái và mặt trời tập trung...
Ông nói theo tính toán đến năm 2030, Việt Nam cần phải gấp 2 lần công suất hiện nay nhưng đến năm 2050 sẽ phải gấp 5 lần công suất hiện nay. Các nguồn điện truyền thống không có dư địa để phát triển nữa, thủy điện đã hết, điện than không phát triển được, năng lượng mặt trời cũng có giờ...
"Cho nên điện hạt nhân và những nguồn năng lượng mới trong tương lai dứt khoát phải có nhưng để có trên thực tiễn thì ngay từ bây giờ trong luật phải được đề cập", ông Diên nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng điện bao giờ cũng phải đi trước một bước và điện sản xuất ra phải có địa chỉ tiêu dùng.
Ông Diên cũng nói rõ việc đã quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và vào bảy năm trước mới tạm dừng, chưa phải hủy bỏ. Đến nay cấp có thẩm quyền đã cho phép nghiên cứu để khởi động lại.
Nhiều nước đẩy mạnh đầu tư điện hạt nhân
Tính đến cuối tháng 8-2024 trên thế giới có 415 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành với tổng công suất lắp đặt khoảng 373.735MW và 62 lò đang xây dựng với tổng công suất khoảng 64.971MW.
Thông tin này được Bộ Công Thương đưa ra trong báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và vấn đề phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.
Cũng theo bộ này, các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới đang cung cấp khoảng 10% điện năng sản xuất trên toàn thế giới và giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn điện nhiều nước.
Hiện có 32 nước đang sở hữu và vận hành các nhà máy điện hạt nhân và khoảng 20 quốc gia khác đang xem xét phát triển điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng, hiện thực hóa các cam kết khí hậu.
Tại COP28 có 22 quốc gia, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Canada đã ký biên bản tuyên bố tăng gấp 3 lần công suất lắp đặt các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới vào năm 2050 so với thời điểm hiện tại.
Trung Quốc cũng đang triển khai chương trình điện hạt nhân với mục tiêu đến năm 2030 đứng đầu thế giới về công suất phát điện hạt nhân, đến 2035 tổng công suất vận hành điện hạt nhân của Trung Quốc khoảng 180GW. Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines cũng đang có kế hoạch và quan tâm tới xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.
Tại Thụy Điển, một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự hiệu quả trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân của nước này là tăng cường hệ thống giám sát và quy trình an toàn nghiêm ngặt, với mục tiêu kéo dài tuổi thọ cho các nhà máy, đồng thời phát hiện các lỗi hoặc sai lệch kịp thời. Giới chức Thụy Điển tin rằng đây là một trong những nguyên tắc hướng tới sự bền vững.
Hồi tháng 5-2024, Cơ quan Năng lượng Thụy Điển đã cấp 4,7 triệu USD cho dự án hạt nhân MUST do các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Chalmers (Gothenburg, Thụy Điển) dẫn đầu nhằm phát triển hệ thống điện hạt nhân thế hệ IV và tái xây dựng chuyên môn quốc gia trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân.
Dự án trên sẽ tập trung vào phát triển những công nghệ như phục hồi nhiên liệu, cải tiến sản xuất, nâng cao khả năng bảo vệ con người khỏi bức xạ và phát triển hệ thống giám sát các lò phản ứng, hướng tới việc tạo ra một hệ thống điện hạt nhân thế hệ IV hoàn chỉnh.
Công nghệ này được kỳ vọng sẽ đem lại một cuộc cách mạng trong ngành năng lượng bằng cách giảm thiểu nhu cầu khai thác uranium, cũng giảm đáng kể chất thải phóng xạ, từ đó mang lại một giải pháp năng lượng bền vững hơn, theo World Nuclear News.
Trong khi đó, Mỹ đã có những bước tiến trong việc phát triển công nghệ năng lượng hạt nhân hiện đại và các nhà máy hạt nhân thế hệ tiếp theo (thế hệ IV), đặc biệt là sự phát triển của các lò phản ứng hạt nhân mô đun nhỏ (SMR) và lò phản ứng nhanh.
SMR cung cấp các đơn vị năng lượng nhỏ và linh hoạt hơn, dễ dàng triển khai tại các địa điểm khác nhau, kể cả ở các khu vực hẻo lánh hoặc căn cứ quân sự - vốn là những nơi không có điện lưới.
Loại hình này có đặc điểm là an toàn, hiệu quả và chi phí rẻ hơn so với các lò phản ứng lớn truyền thống, theo MIT Climate Portal.
Công nghệ lò phản ứng nhanh sử dụng natri lỏng, chì hoặc các chất làm mát khác cũng đã thay thế cho nước để giải nhiệt. Công nghệ này còn có thể tái sử dụng nhiên liệu hạt nhân, đồng nghĩa các lò phản ứng nhanh có thể sản xuất nhiều hơn so với lượng nhiên liệu mà chúng tiêu thụ, giúp hạn chế chất thải và tối ưu hóa chi phí, theo thông tin từ Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne thuộc Bộ Năng lượng Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận