Chiều 18-8, Hội Đột quỵ TP.HCM tổ chức "Hội thảo chuyên đề quản lý chất lượng đột quỵ Việt Nam 2023".
Tại đây, GS.TS.BS Jeyaraj Durai Pandian - chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới - đã trao giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị của Hội Đột quỵ thế giới (WSO) cho 36 bệnh viện trên cả nước. Theo đó có 20 bệnh viện đạt chứng nhận vàng, 9 bệnh viện đạt chứng nhận bạch kim và 7 bệnh viện đạt chứng nhận kim cương.
Mở đầu hội thảo, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam - cho rằng nước ta có bước tiến lớn trong việc quản lý chất lượng đột quỵ như chuẩn hóa các chương trình đột quỵ, xây dựng thêm nhiều đơn vị đột quỵ...
Hiện cả nước có hơn 100 trung tâm đột quỵ, đem lại lợi ích rất lớn cho bệnh nhân đột quỵ khi có nhiều cơ hội cấp cứu kịp thời và phục hồi sau đột quỵ, từ đó góp phần giảm gánh nặng gia đình, xã hội và cải thiện chất lượng trong chăm sóc sức khỏe bệnh nhân đột quỵ.
Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam tin rằng thời gian tới nước ta có thêm nhiều trung tâm đột quỵ và quan trọng hơn là nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân đột quỵ.
Cũng theo PGS Thắng, cấp cứu ngoại viện (trong đó có bệnh nhân đột quỵ) còn nhiều khó khăn mà không thể thay đổi như giao thông. Bên cạnh đó nhân viên y tế thực hiện cấp cứu ngoại viện chịu sức ép rất lớn, trong khi thu nhập thấp.
Về tình hình đột quỵ thế giới, GS.TS.BS Jeyaraj Durai Pandian cho hay đột quỵ là gánh nặng toàn cầu, với khoảng 12 triệu ca đột quỵ mới mỗi năm. Cứ 4 người thì có 1 người có nguy cơ bị đột quỵ một lần trong đời.
Hiện châu Á đứng đầu số người bị đột quỵ trên thế giới, kế tiếp là châu Phi. Quốc gia có dân số càng già thì tỉ lệ người bị đột quỵ càng tăng. Do đó, cần nâng cao khả năng nhận diện người có nguy cơ đột quỵ và bị đột quỵ, sau đó là cấp cứu, điều trị bệnh nhân kịp thời trong thời gian vàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận