Hướng dẫn viên người Trung Quốc (đeo balô) hướng dẫn du lịch “chui” tại chùa Long Sơn, TP Nha Trang (Khánh Hòa) - Ảnh: TIẾN THÀNH |
Là người trong ngành du lịch, tôi xin góp đôi ý về vấn nạn này.
Thật ra không chỉ có du khách Trung Quốc, du khách đến từ các nước phương Tây thỉnh thoảng cũng có những hành vi không chấp nhận được, chẳng hạn như nhậu say và quậy phá, mặc quần ngắn cũn cỡn khi vào chùa, miếu ở Việt Nam. Mỗi đất nước có nền văn hóa khác nhau.
Đầu tiên, tôi nghĩ những du khách nói trên không biết cách cư xử phù hợp khi đến Việt Nam. Để những du khách này biết được những điều nên làm và không nên làm khi đến một đất nước khác, chính đất nước của họ phải giáo dục cho họ về nền văn hóa và phong tục tập quán của những quốc gia mà họ muốn đến du lịch.
Ngoài ra, nhân viên hải quan ở Việt Nam cần cung cấp cho du khách quốc tế các tờ rơi giới thiệu về phong tục tập quán cũng như những quy định khi đi du lịch ở Việt Nam.
Ngoại trừ những du khách balô đi tự túc, các công ty tổ chức tour du lịch phải có trách nhiệm phổ biến cho khách hàng hiểu về phong tục tập quán của đất nước họ đến du lịch.
Tại công ty chúng tôi, khi giới thiệu các du khách quốc tế đến Việt Nam, Myanmar, Lào, Thái Lan, chúng tôi đều hướng dẫn họ nếu đi vào các chùa chiền, đền đài thì không được mặc quần ngắn, trang phục khêu gợi và phải cởi nón, giày dép ra.
Nói tóm lại, nghĩa vụ của các công ty du lịch, hướng dẫn viên cũng như nhân viên ở những địa điểm du lịch là giải thích cho du khách hiểu về các quy định.
Khi còn ở Đức, tôi có chứng kiến một số du khách Trung Quốc nói chuyện rất lớn tiếng trong các bảo tàng hoặc xả rác trên đường phố hay chụp ảnh ở những nơi không được phép.
Đây có thể là những điều họ thường làm ở đất nước họ, nhưng khi đến du lịch châu Âu, hướng dẫn viên phải có trách nhiệm giải thích cho các du khách này về những quy định của nước sở tại. Ngoài ra, chúng tôi đặt những bảng hướng dẫn quy định bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau cho du khách.
Tại một số địa điểm du lịch ở Việt Nam, tôi có thấy ban quản lý đặt những bảng hướng dẫn cho du khách nhưng chỉ bằng tiếng Việt thì làm sao du khách đến từ Trung Quốc, Đức và các quốc gia sử dụng tiếng Anh có thể hiểu được?
Tôi cũng được biết Việt Nam đang phải đối phó với tình trạng người Trung Quốc tự tổ chức tour du lịch ở Việt Nam, khách Trung Quốc đi theo hệ thống khép kín, hướng dẫn viên du lịch cũng là người Trung Quốc làm “chui”.
Theo tôi, để ngăn chặn các hướng dẫn viên du lịch bất hợp pháp, Việt Nam nên kiểm tra những người này từ ngay các cửa khẩu hoặc sân bay. Ví dụ như khi nhân viên hải quan thấy một nhóm du khách Trung Quốc, họ có nhiệm vụ kiểm tra xem ai là hướng dẫn viên du lịch, và hướng dẫn viên này có phải là người Việt hay không. Nếu hướng dẫn viên là người nước ngoài thì không cho phép họ nhập cảnh.
Anh Ole Dross - Ảnh: QUỲNH TRUNG |
Trường hợp các công ty lữ hành tìm cách lách luật bằng cách thuê hướng dẫn viên nước ngoài ngay ở khách sạn, các cơ quan chức năng Việt Nam cần kết hợp với các chủ khách sạn kiểm tra xem hướng dẫn viên du lịch có phải là người Trung Quốc hay không.
Theo tôi, những người chịu trách nhiệm chính trong việc hướng dẫn viên du lịch nước ngoài làm “chui” ở Việt Nam chính là công ty lữ hành.
Nếu các cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện những công ty lữ hành thuê hướng dẫn viên nước ngoài trái phép, cần phải có những hình phạt nghiêm khắc đối với các công ty này, chẳng hạn như phạt tiền hoặc ngừng cấp phép.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận