Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng chủ trì đối thoại cấp cao về ứng phó thách thức của biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: TTXVN |
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh triển khai thành công Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc đòi hỏi các quốc gia phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ và hợp tác chặt chẽ trong thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Thỏa thuận khí hậu toàn cầu sau năm 2020.
Phát biểu trước 150 lãnh đạo các nước và lãnh đạo các tổ chức quốc tế đại diện cho 196 thành viên tham gia COP21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ:
“Chúng ta có mặt tại Hội nghị COP21 để bày tỏ cam kết ủng hộ, thúc đẩy tiến trình đàm phán và thông qua Thỏa thuận khí hậu toàn cầu sau năm 2020. Nội dung thỏa thuận cần bảo đảm sự đóng góp công bằng giữa các quốc gia và có sự cân bằng trong các nội dung về giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ...
Các nước phát triển cần đi đầu trong việc thực hiện cam kết của mình, đồng thời hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công thỏa thuận”.
Thủ tướng cũng khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết từ nay đến năm 2020, trong điều kiện khó khăn về nguồn lực nhưng Việt Nam tiếp tục tích cực triển khai chiến lược, chương trình, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực; thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto.
Thể hiện rõ cam kết bằng những hành động cụ thể, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ khí hậu xanh giai đoạn 2016 - 2020.
Đối với giai đoạn sau năm 2020, Thủ tướng nêu rõ mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ xem xét định kỳ, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của mình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Việc triển khai thành công Chương trình nghị sự 2030 đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ và hợp tác chặt chẽ trong thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Thỏa thuận khí hậu toàn cầu sau năm 2020”.
Chủ trì phiên đối thoại cấp cao “Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn ưu tiên đầu tư phát triển cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo định hướng tổng hợp và bền vững.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo của 24 nước.
Yêu cầu đặt mục tiêu khả thi Các lãnh đạo thế giới đã thống nhất cần phải hành động để cứu vãn tương lai của Trái đất. Tuy nhiên theo giới quan sát, hội nghị lần này thành công hay không phụ thuộc nhiều vào việc các nước có thể đạt được những thỏa thuận gì vào phút cuối. Trong ngày 30-11, các quốc gia đang phát triển nhấn mạnh về khoảng cách giữa các nước trong việc hành động bảo vệ môi trường. Theo AFP, nhà đàm phán đại diện cho những nước ven biển và đảo quốc Thái Bình Dương yêu cầu cộng đồng quốc tế đặt mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái đất tăng ở mức 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp, thay vì mức 2oC như các nước giàu mong muốn. “Chúng tôi không chấp nhận trở thành vật hi sinh của cộng đồng quốc tế tại Paris” - Bộ trưởng Môi trường Bangladesh Anwar Hossain Manju tuyên bố. Ngoài ra, nhiều nước cũng cho rằng cần phải đặt ra các mục tiêu khả thi hơn và hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho các nước đang phát triển. “Các nước phải được theo đuổi giải pháp của riêng mình phù hợp nhất với các điều kiện của quốc gia” - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói. Theo Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, các nước giàu gánh vác trách nhiệm bảo vệ môi trường, bằng cách tài trợ và chuyển giao công nghệ sạch cho các nền kinh tế nghèo và mới nổi. “Các nước phát triển phải có trách nhiệm giúp tất cả mọi người ở các nước đang phát triển có thể tiếp cận được năng lượng sạch với chi phí có thể chấp nhận được” - ông Modi nói. Việc chuyển đổi từ nền kinh tế đốt nhiên liệu hóa thạch sang nền kinh tế dựa trên năng lượng sạch vẫn là vấn đề khó khăn nhất, được thảo luận nhiều nhất tại Paris. Đây là một vấn đề nan giải cho các nước như Ấn Độ, Trung Quốc. Tại hội nghị, Ấn Độ công bố Liên minh năng lượng mặt trời với sự tham gia của khoảng 120 quốc gia bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển nhằm thúc đẩy hợp tác và khai thác năng lượng mặt trời hiệu quả hơn. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mô tả liên minh là “ánh dương hi vọng cho nguồn năng lượng sạch”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận