Ông Nguyễn Văn Tiên - Ảnh: NVCC
Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia vừa được trình Quốc hội dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều, làm nóng cả nghị trường lẫn dư luận xã hội.
Nhiều năm tham gia bàn thảo dự luật này, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên chia sẻ ý kiến về những vấn đề gây tranh cãi trong dự luật.
"Kiểm soát quảng cáo là biện pháp quan trọng và có hiệu quả làm hạn chế tiếp cận bia rượu, nhất là lớp trẻ. Theo tôi, nên nghiên cứu để có thể áp dụng lại những quy định từ 15-20 năm trước ở Việt Nam, đó là mỗi loại bia, rượu chỉ được quảng cáo 1 lần/ngày trên 1 báo và cấm quảng cáo từ 19-21h hàng ngày, đó là giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả" - ông Tiên nói.
* Những ngày vừa qua, dư luận xã hội và nghị trường đều nóng về những ý kiến xung quanh dự luật, theo ông ý kiến tại các phiên thảo luận sẽ được tiếp thu theo hướng nào?
- Bản thân tôi nghĩ các vấn đề đại biểu đặt ra tại phiên thảo luận như cấm quảng cáo, cấm bán, hạn chế giờ cấm bán bia, rượu... đều là những vấn đề xã hội rất quan tâm.
Với những phân tích, bình luận rất sâu sắc cộng với những đòi hỏi của xã hội, tôi tin rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu.
Còn trong trường hợp không tiếp thu thì tôi nghĩ rằng Thường vụ Quốc hội sẽ giải trình lý do nhằm giữ cho nội dung dự luật này mang tính nhân văn, đảm bảo lợi ích chung đó là sức khỏe của toàn dân.
* Nhiều năm tham gia xây dựng và bàn thảo về dự án luật này, ông thấy dự thảo mới nhất có đảm bảo kiểm soát những vấn đề liên quan đến tác hại của rượu bia?
- Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhiều lần nhắc Bộ Y tế sớm trình Luật phòng chống tác hại rượu bia, tuy nhiên vì nhiều lý do nên phải sau 4-5 năm dự luật mới trình ra Quốc hội.
Dù chậm nhưng đó cũng là cố gắng và quyết tâm bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân trước tác hại của sử dụng bia rượu.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dự luật này không có bất kỳ điều khoản nào cấm hay thu hẹp phạm vi sản xuất của ngành rượu, bia hay như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, luật này chỉ cấm uống rượu bia ở một số địa điểm và hoàn cảnh nhất định.
Mục đích chính của luật ra đời nhằm bảo vệ thế hệ trẻ và những người chưa sử dụng khỏi những tác hại do sử dụng rượu bia.
Vì vậy, sau khi luật này được ban hành, ngành sản xuất rượu bia sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, đó là chưa kể thông qua biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia thì cả Nhà nước và ngành rượu bia đều tăng nguồn thu.
Đây là những nội dung cần nói rõ và nhiều lần để đại biểu Quốc hội và người dân hiểu và ủng hộ, bởi vì không ít ý kiến quy chụp cho luật này là hạn chế sản xuất của ngành rượu bia.
Dự thảo luật hiện nay không còn nhiều bóng dáng của các biện pháp mạnh trong kiểm soát sử dụng bia rượu như: hạn chế điểm bán, giờ bán, quảng cáo. Tuy có quy định về hạn chế quảng cáo song còn quá yếu, theo tôi nên mạnh dạn quy định cấm quảng cáo rượu bia từ 19-21h hàng ngày.
Nhân đây cũng đề nghị Quốc hội khi sửa luật thuế tiêu thụ đặc biệt cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia vì giá rượu bia ở Việt Nam quá rẻ.
Ở các nước trong khu vực và châu Âu, giá 1 chai bia bằng giá 2 lít sữa tươi (ở Singapore 7 đôla Singapore cho 1 chai bia, và 3,3 đôla cho 1 lít sữa). Còn ở Việt Nam, giá 1 lít sữa tươi mua được 2 chai bia.
Giá rượu bia quá rẻ, những thứ độc hại này không những giết dần giết mòn tất cả những người sử dụng mà còn gián tiếp gây bao tác hại khôn lường cho những người xung quanh. Chúng tạo áp lực nặng nề lên an toàn giao thông, toàn bộ hệ thống y tế, nền tảng văn hóa và giáo dục con người.
Vì vậy, giá như có thể quy định 1 điều về giá bán tối thiểu của bia rượu (như đối với Luật phòng chống tác hại của thuốc lá) sẽ nâng cao hiệu quả của luật...
Mong các đại biểu Quốc hội khóa XIV suy xét và quyết định vì lợi ích quốc gia và lợi ích chung của toàn dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận