07/06/2015 14:36 GMT+7

Việt - Mỹ và sứ mạng của tôi: Câu chuyện của một người vợ

SORAYA RUNCKEL
SORAYA RUNCKEL

TT - Năm tôi 34 tuổi thì Chris nhận tin anh được phái đi Việt Nam. Lúc đó chúng tôi đang ở London. Con trai chúng tôi Charlie được 6 tuổi và sẽ vào lớp 1 năm học tiếp theo.

Soraya Runckel và con trai Charlie ở Hà Nội - Ảnh tư liệu C.R.

Trước tiên chúng tôi phải chuyển đến Washington DC trước khi đi Việt Nam, vì Chris phải học tiếng Việt tại Học viện Ngoại giao trong chín tháng.

“Nó đã làm gì sai à?”

Thường Học viện Ngoại giao không đào tạo cho “các bà vợ” học ngoại ngữ theo các phu quân của họ. Tuy nhiên, Chris đã đề nghị họ đào tạo cho cả tôi. Lý do là để có thêm nhiều người trong lớp và tốt cho việc luyện đàm thoại.

Mae Marciel, vợ Scot, cũng được đưa vào lớp học giống như tôi. Có Chris, tôi, Scot, Mae và Heather, một nhân viên ODP trong lớp học của chúng tôi. Tất cả chúng tôi đã thật sự học tốt dưới sự giảng dạy của hai giáo viên tiếng Việt là ông Đỗ và bà Hiền.

Chúng tôi học cả hai phương ngữ miền Bắc và miền Nam. Ông Đỗ là người hàn lâm kinh viện. Ông giải thích rất sâu xa về văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị - ông không chỉ là một giáo viên ngôn ngữ, mà là giáo viên ngôn ngữ tốt nhất mà tôi từng biết.

Bà Hiền dạy chúng tôi nói giọng miền Nam, đại diện cho những người bình thường mà chúng tôi sẽ gặp trong cuộc sống hằng ngày tại Việt Nam. Thậm chí bà còn dạy chúng tôi tiếng lóng, những thói quen xấu của người Việt cùng lưu ý những cách mà họ có thể hiểu nhầm chúng tôi...

Vì vậy, từ cả hai giáo viên, cộng với các phòng thực hành ngôn ngữ và bài tập về nhà, tổng cộng tám giờ / ngày, chúng tôi được chuẩn bị khá tốt tiếng Việt sau chín tháng học.

Hiểu biết của Chris rất tuyệt vời, trong khi tôi khá chuẩn trong phát âm và sử dụng từ vựng nhưng lại kém hiểu biết tổng quát. Sau khi lớp học tiếng Việt kết thúc, Chris đã đến Việt Nam để bắt đầu công việc thiết lập văn phòng liên lạc tại Hà Nội, đàm phán với Chính phủ Việt Nam về đất đai...

Còn tôi và mẹ tôi ở lại Mỹ để chăm sóc Charlie. Bà ở với chúng tôi kể từ khi Chris kết thúc nhiệm sở ở Anh. Khi lần đầu tiên tôi nói với mẹ tôi rằng Chris được phân công đến Việt Nam, câu đầu tiên bà nói là: “Nó đã làm gì sai à?”.

Đối với người Thái, nhận nhiệm sở ở một quốc gia có điều kiện sống khó khăn, đặc biệt là các nước láng giềng nghèo hơn Thái Lan vào thời điểm đó, không được coi là tốt đẹp như tại các nước châu Âu. Tôi nói với bà rằng, ngược lại, đây là một công việc nhạy cảm và quan trọng đối với người Mỹ.

Để là người đầu tiên được phân công đến Việt Nam sau cuộc chiến là một vấn đề lớn cho người Mỹ và các nhà ngoại giao Mỹ - nhiều nhà ngoại giao muốn công việc này (đặc biệt là những người có vợ Việt Nam).

Việc này cũng quan trọng đối với cá nhân Chris, tôi giải thích với bà, để anh có thể hoàn thành vòng tròn cuộc đời mình với Việt Nam khi quay trở lại đó một lần nữa. Làm việc cho Nhà Trắng tại Việt Nam trong sứ mạng thúc đẩy tiến trình bình thường hóa mối quan hệ hai nước là một “vòng tròn” thiêng liêng đối với anh ấy.

Vẫn không hoàn toàn tin rằng đi Việt Nam là một quyết định đúng đắn, song mẹ tôi cũng phần nào hiểu được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, đối với gia đình chúng tôi và đối với sự nghiệp của Chris. Riêng tôi, tôi mất ngủ nhiều đêm liền vì lo lắng rằng con trai của chúng tôi sẽ bị bắt cóc, hoặc người Việt Nam không thể thân thiện với người Mỹ vì quá khứ chiến tranh.

Nhưng sau này tôi hiểu đó là điều không đúng sự thật. Họ dường như không có sự thù địch đối với người Mỹ ở Việt Nam, ít nhất là từ những người mà chúng tôi đã gặp và quen biết trong những năm qua (đặc biệt là, trong thời gian đó chúng tôi được coi là gia đình ngoại giao Mỹ đầu tiên ở đó). 

Soraya mặc áo dài Việt Nam rất đẹp - Ảnh tư liệu C.R.

Khám phá Hà Nội

Hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài, tôi nhớ trời không nóng như ở Bangkok. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn (so với London, nơi chúng tôi vừa xong nhiệm vụ). Liệu tại đây có siêu thị không? Trường học cho Charlie trông thế nào đây?...

Khi xe qua trung tâm thành phố, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy những ngôi nhà thời Pháp thuộc, người ngồi ăn sáng trên vỉa hè, xe xích lô trên đường phố, những bảng hiệu tuyên truyền to lớn đầy màu sắc... Tôi nghĩ, “nếu tôi có thể vẽ được những cảnh này thì đó sẽ là những bức tranh đẹp”. Ý nghĩ đó phần nào làm tôi khuây khỏa, nhưng tôi rất lo lắng về cuộc sống con trai của chúng tôi.     

Chúng tôi về thẳng văn phòng liên lạc từ sân bay. Tôi thấy phòng làm việc của Chris thật sự nhỏ, nhỏ nhất trong các phòng làm việc của anh từ trước tới nay. Trong đó có bàn của Chris, rồi bàn làm việc của hai cô gái Oanh và Hà, bàn của Scot, bàn của Eric và Elise. Chỉ có hai cô gái ở đó khi chúng tôi bước vào phòng và     họ rất háo hức được gặp Charlie và tôi.        

Sau đó chúng tôi đến khách sạn Metropole Hà Nội, nơi chúng tôi sẽ ở trong ba tháng tiếp theo. Chúng tôi ở trong một căn phòng nhỏ. Mặc dù đó là khách sạn tốt nhất Hà Nội vào thời điểm đó nhưng chúng tôi không cảm thấy thoải mái vì không phải là “nhà” của chúng tôi.

Chúng tôi không thể nấu ăn và Charlie thật sự không có không gian để chơi đùa chạy nhảy. Tiền khách sạn có lẽ rất đắt, tôi nghĩ là thế. 

Mấy ông xích lô trước khách sạn chúng tôi nhanh chóng biết tên của Charlie và thường gọi cháu là “Cha-ly, Cha-ly” khi mời chúng tôi đi xe của họ. Họ thích thú trước trẻ em phương Tây vì họ không nhìn thấy chúng quá thường xuyên, đặc biệt là trẻ em Mỹ.

Sau đó, chúng tôi thuê một người đạp xích lô lớn tuổi để đưa đón chúng tôi mỗi ngày hơn là gọi mỗi lần một xích lô khác nhau. Ông ấy lịch sự và mặc dù lớn tuổi hơn những người khác, ông ấy vẫn đủ khỏe để đưa hai mẹ con chúng tôi đi khắp mọi nơi.

Việc quen biết bác xích lô già trong hoàn cảnh đó đã tạo nên mối quan hệ lâu dài của chúng tôi với gia đình ông ấy đến mãi về sau.         

Khi Chris đi làm, Charlie và tôi khám phá Hà Nội. Trường học chưa khai giảng nên chúng tôi có nhiều thời gian. Chúng tôi đến nhiều khu vực xung quanh khách sạn ở tất cả các hướng. Có rất nhiều phòng triển lãm nghệ thuật với chất lượng tốt trên phố Tràng Tiền mà tôi rất thích.

Charlie đặc biệt thích bưu điện cũ gần hồ Hoàn Kiếm vì họ bán rất nhiều tem mới và cũ mà cháu có thể mua để sưu tầm. Chúng tôi cũng rất thích “36 phố phường” của Hà Nội - đó là một loạt các con hẻm và đường phố đại diện cho 36 phường hội bán hàng thủ công hình thành cách đây hàng thế kỷ nằm trong khu phố cổ hiện nay của Hà Nội.

Chúng tôi thích phố Hàng Giấy với những chiếc mặt nạ Mache bằng giấy đầy sắc màu và các loại giấy màu mà chúng tôi có thể mua về khách sạn làm đồ thủ công...     

Chris, Charlie và tôi thường đến một quán cóc có bàn ghế thấp sát mặt đất, khá sạch sẽ - một loại hình kinh doanh rất phổ biến lúc đó. Ngay như ngôi sao điện ảnh Catherine Deneuve cũng thích đến những quán cóc như thế này, hồi cô đóng phim Indochine vào năm 1992.

Ở đó họ bán cà phê đen rất thơm ngon, bánh mì cũng ngon và bánh flan tuyệt vời. Chris từng bảo: “Bất cứ nơi nào có cà phê ngon, bánh mì ngon, bia ngon thì nơi đó không quá khó sống”.

_________      

Kỳ 4: Đàm phán và thu hồi tài sản

SORAYA RUNCKEL
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp