08/08/2016 08:23 GMT+7

Việt kiều ở Thái chọn sự ổn định

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Tối 7-8, Ủy ban Bầu cử Thái Lan thông báo kết quả trưng cầu ý dân sơ bộ sau khi kiểm đếm 94% số phiếu, theo đó có 61,4% cử tri Thái ủng dự thảo hiến pháp mới, 37,9% phản đối.

Cử tri Thái Lan ở tỉnh miền nam Pattani đi bỏ phiếu sáng 7-8 - Ảnh: Reuters
Cử tri Thái Lan ở tỉnh miền nam Pattani đi bỏ phiếu sáng 7-8 - Ảnh: Reuters

“Đất nước Thái Lan hiện tại yên bình, Việt kiều ai cũng mong đất nước Thái Lan yên bình và sẽ ủng hộ hiến pháp mới

Thầy Subin Chooworrached (giáo viên dạy tiếng Việt lâu năm cho cộng đồng gốc Việt ở Udon Thani)

Kết quả đầy đủ sẽ có vào ngày 10-8 và được dự báo sẽ không thay đổi do khoảng cách khá rộng giữa hai tỉ lệ. Với mỗi lá phiếu, người Thái trả lời “có” hoặc “không” cho hai câu hỏi: “Bạn có đồng ý với dự thảo hiến pháp mới không?” và “Có nên cho phép Thượng viện tham gia cùng Hạ viện bầu chọn ra thủ tướng?”.

Chỉ cần hơn 50% cử tri trả lời “có” cho câu hỏi đầu tiên, bản dự thảo sẽ chính thức trở thành hiến pháp mới của Thái Lan.

Như vậy, hai năm sau ngày nổ ra cuộc đảo chính, chính quyền quân sự Thái Lan hôm nay đã hoàn thành bước đầu tiên trong nhiệm vụ “khôi phục nền dân chủ” tại quốc gia này.

Tái cân bằng quyền lực

Theo báo New York Times, giới quan sát nhận định dự thảo hiến pháp mới của Thái Lan củng cố rất nhiều quyền lực của quân đội, đảm bảo họ sẽ kiểm soát chính trường Thái Lan trong ít nhất năm năm tới.

Do đó, cuộc bỏ phiếu ngày 7-8 không chỉ xác nhận tính chính danh mà cũng là phép thử quan trọng cho uy tín của chính quyền quân sự trong lòng dân chúng. Một khi được thông qua, đây sẽ là hiến pháp thứ... 20 của Thái Lan kể từ khi chế độ quân chủ chuyên chế chấm dứt năm 1932.

Giới quân đội cho rằng các chính trị gia biến chất là nguyên nhân dẫn đến sự mất ổn định và chia rẽ chính trị ở Thái Lan trong suốt một thập kỷ qua. Chính vì vậy dự thảo hiến pháp mới (công bố tháng 3-2016) chủ trương giảm thiểu sức ảnh hưởng của một chính trị gia hoặc một đảng phái duy nhất.

“Ý tưởng là xây dựng lại những quy tắc và cách tổ chức nhằm tái cân bằng cán cân quyền lực của thập kỷ trước. Mục tiêu (của quân đội) là giữ cho hệ thống chính trị luôn phân chia và xây dựng nên một liên minh cầm quyền không bị kiểm soát bởi đảng phái nào” - giáo sư chính trị học Thitinan Pongsudhirak thuộc đại học Chulalongkorn (Bangkok) giải thích.

Một trong những điều khoản gây tranh cãi trong dự thảo hiến pháp mới đề xuất cho phép Hội đồng Hòa bình và trật tự quốc gia (NCPO) của quân đội chỉ định toàn bộ 250 thành viên Thượng viện.

Trước cuộc đảo chính, hơn một nửa Thượng viện Thái Lan được bầu trực tiếp, số còn lại được chỉ định. Thay đổi này đồng nghĩa các nhà lập pháp quân đội sẽ chiếm thế đa số so với nhóm lãnh đạo được dân bầu chọn trong Quốc hội Thái Lan.

Các nhà phân tích cho rằng các biện pháp mới sẽ đạt được mục tiêu làm suy yếu các đảng phái, nhưng với cái giá phải trả là nền dân chủ.

Cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra bỏ phiếu ở Bangkok - Ảnh: Reuters
Cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra bỏ phiếu ở Bangkok - Ảnh: Reuters

Việt kiều Thái chọn sự ổn định

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại ngày 7-8, nhiều người Thái gốc Việt cho biết họ đã đi bỏ phiếu trưng cầu ý dân từ sáng sớm. Sau nhiều năm trải qua bất ổn chính trị, người Việt ở Thái Lan bày tỏ sự hài lòng được sống trong ổn định hai năm qua.

“Người Thái gốc Việt đa số ủng hộ Thủ tướng Prayuth vì chúng tôi mong sự ổn định và ông ấy mang lại được điều này” - anh Sudhep Silpa-ngam, doanh nhân Việt kiều sống ở thủ đô Bangkok, giải thích.

Từ thành phố Udon Thani, đông bắc Thái Lan, anh Dam - một tiểu thương Việt kiều - trầm ngâm khi nhớ lại thời dân Thái còn xuống đường đấu tranh. “Đó là một giai đoạn phức tạp. Cứ phe này xuống đường 2.000 người thì phe kia tìm mọi cách tập hợp cho được 4.000, và cứ thế tiếp tục. Ở thủ đô Bangkok thế nào tôi không rõ nhưng ở vùng đông bắc này từng xảy ra nhiều va chạm, có người chết, có người đi tù... Ngày xưa tôi ủng hộ phe áo vàng nhưng chuyện này bây giờ không còn quan trọng nữa”.

“Trong một đất nước mọi người trước hết phải đoàn kết, thương nhau. Phe áo đỏ hay phe áo vàng không ai đúng và cũng không ai sai, quan trọng làm sao giữa mọi người không có sự bất hòa. Thủ tướng Prayuth ít nhất đã mang lại sự yên ổn, tình trạng bạo lực trước kia đã giảm...

Nhìn chung, một nhà lãnh đạo hôm nay tốt nhưng ngày mai có thể ông ấy không còn tốt, và ngược lại. Khi nào cần sự thay đổi, chúng tôi sẽ đấu tranh cho thay đổi” - anh Dam đúc kết.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp