Trong mùa Tết, vở Cầu dừa đủ xài liên tục cháy vé, suất tối mùng 3 phải kê thêm ghế xúp khiến Minh Nhí, Việt Hương cảm thấy rất hạnh phúc.
Minh Nhí, Việt Hương đón cậu bé... xuyên không về cái Tết Giáp Tý năm 1984
Cầu dừa đủ xài (tác giả: Danh Thanh Luân, đạo diễn: Lê Quốc Nam) là một trong hai vở mới cho mùa kịch Tết Ất Tỵ của sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh.
Vở mở đầu với câu chuyện về chàng trai trẻ Johnny. Ngày Tết cha mẹ muốn Johnny về thăm quê hương, chúc Tết ông bà nhưng anh từ chối vì muốn tự do, muốn du lịch cùng bạn bè.
Hai thế hệ hết sức căng thẳng dẫn đến mâu thuẫn dữ dội. Vì một tai nạn Johnny bất ngờ... xuyên không đúng vào thời điểm cận Tết Giáp Tý năm 1984 ngay chợ Phụng Hiệp.
Cú xuyên không này "ép" Johnny phải vào sống trong không khí dịp Tết của một gia đình tứ đại đồng đường ở xứ chợ quê của miền Tây cách đây hơn 40 năm.
Cú twist của vở diễn là cái cớ hợp lý để sân khấu đưa khán giả trở về thời kỳ bao cấp, thời kỳ tem phiếu với lối ăn mặc, những phong tục tập quán của miền quê xưa mà có những thứ giờ dường như đã trôi vào quên lãng.
Có lẽ đây là vở diễn chinh phục được nhiều khán giả Việt kiều về thăm quê dịp này. Nhiều khán giả vừa xem kịch vừa giải thích cho con cháu của họ biết xe lôi là như thế nào, rồi mâm ngũ quả mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài có ý nghĩa ra sao.
Chưa hết, bà con còn nghe nhắc lại những vở tuồng, bài ca cổ đã đi vào tâm khảm biết bao người con miền Tây như Tình anh bán chiếu, Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà...
Đó là hình ảnh băng cassette, tivi chỉnh ăng ten, rồi những phép tắc con cháu trong nhà với ông bà, cha mẹ, những tục lệ truyền thống của ngày giao thừa, mùng 1 Tết...
Cứ thế, có những điều nho nhỏ xưa cũ mà khiến người ta rưng rưng.
Minh Nhí, Việt Hương bật khóc vì nhớ cha mẹ
Có thể nói câu chuyện vở Cầu dừa đủ xài mang màu sắc rất riêng trong mùa kịch Tết Ất Tỵ năm nay. Ê kíp cũng tỏ ra tâm lý khi hiểu rằng trong những ngày Tết người ta thường hoài niệm, nhớ về những nét đẹp xưa trong quá khứ.
Không chỉ nhắc nhớ, mà Cầu dừa đủ xài còn mong khán giả ôn lại, gìn giữ những nét đẹp của văn hóa Tết Việt xưa.
Sau suất diễn tối mùng 3, cả nghệ sĩ Việt Hương và Minh Nhí đều bật khóc.
Việt Hương tâm sự với khán giả: "Diễn vở này tôi nhớ ba má quá trời bởi ba má tôi mất sớm. Ba má thầy Minh cũng mất sớm nên thầy trò chúng tôi rất đồng cảm với vở diễn này.
Tổng cộng có khoảng trên 60 người cùng tập ráo riết vở để kịp phục vụ khán giả dịp Tết. Chúng tôi rất vui vì Cầu dừa đủ xài được khán giả yêu thích và các suất đều hết vé rất nhanh".
Việt Hương cho biết để thực hiện vở diễn này ê kíp tranh luận rất nhiều để đưa vào các chi tiết, từ ngữ ngày xưa cho đúng, phù hợp.
Chị cảm ơn đạo diễn Lê Quốc Nam đã cho chị trở về không khí ấm áp, hạnh phúc của gia đình chị thuở xưa.
"Người cha, người mẹ nào cũng yêu thương con cháu, mong muốn gia đình hòa thuận. Tết đến với họ hạnh phúc là không khí đoàn viên, sum vầy. Đó là nét đẹp truyền thống đáng quý mà chúng tôi muốn lan tỏa đến nhiều thế hệ sau, đặc biệt là các bạn trẻ", nghệ sĩ Việt Hương xúc động nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận