13/08/2020 14:19 GMT+7

Viết bằng tiếng Anh để 'xuất khẩu' văn chương

ĐỨC TRIẾT thực hiện
ĐỨC TRIẾT thực hiện

TTO - Mới đây, Kiều Bích Hậu đã khiến giới văn chương nước nhà ngạc nhiên khi 'bỗng đâu' gặp một thi sĩ Kiều Bích Hậu 'vượt biên giới' bằng một tập thơ song ngữ Anh - Ý Ẩn số (The Unknown) xuất bản tại Ý.

Viết bằng tiếng Anh để xuất khẩu văn chương - Ảnh 1.

Kiều Bích Hậu

Dịp này, Thế giới sách có cuộc trò chuyện ngắn với tác giả của nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết và tập thơ đầu tay này.

* Chị có thể chia sẻ về cuộc "dan díu" với thơ của mình?

- Đầu năm 2019, tôi tình cờ gặp một bạn thơ châu Âu, nhà thơ Sandor Halmosi (Hungary). Sandor Halmosi có hỏi tôi rằng đã làm thơ bao giờ chưa. 

Tôi lắc đầu bảo tôi chỉ viết truyện ngắn và tiểu thuyết, tôi không có năng khiếu làm thơ. Anh nhìn tôi rồi nói người như tôi nhất định viết thơ được. Tôi đùa hỏi lại anh, anh có bí quyết gì giúp tôi làm thơ không. Anh đáp gọn lỏn "chỉ cần có một tâm hồn".

"Ái chà", tôi nghĩ "chẳng lẽ hồn tôi đã thất lạc?". Nhưng câu nói của anh đã ghim vào não tôi. Cho đến một ngày, khi tôi đang trong chuyến đi châu Âu nhiều ngày, vừa đi vừa viết, tôi bừng tỉnh giữa đêm trong ngôi nhà giữa rừng Rotselaar (vương quốc Bỉ) và những ý thơ đầu tiên, thật mãnh liệt đã tuôn trào. 

Cứ thế thời gian sau đó, tôi đi qua các nước Bỉ, Pháp, Bồ Đào Nha, Hà Lan..., vừa đi vừa viết thơ, và thấy ngạc nhiên với chính mình. Thơ đã chảy qua tôi một cách thật tự nhiên.

* Khi phát hành trên Amazon, Ẩn số có thu hút sự chú ý của độc giả?

- Việc bán sách trên Amazon khá thuận lợi do nhà xuất bản bên Ý đã rất chú trọng vấn đề quảng bá tác phẩm. 

Do đặc thù năm nay có đại dịch nên các bạn Ý không tổ chức tọa đàm về sách, không thể đưa sách tới các sự kiện văn học, nghệ thuật quảng bá trực tiếp, nên họ tổ chức đưa thông tin về sách rộng rãi trên các mạng xã hội, các blog, các trang web về văn học, tổ chức các nhà phê bình viết bài nhận xét và đăng trên các báo in, báo điện tử hàng đầu tại Ý. Quả thực đó là một chiến dịch tổng lực để thu hút độc giả Ý. 

Bởi, với độc giả Ý, thì thơ Việt Nam, văn học Việt Nam nói chung còn quá lạ lẫm. Qua việc xuất bản sách ở Ý, tôi học được nhiều từ bạn nước ngoài, các phương pháp, kỹ năng làm sách, quảng bá sách.

Viết bằng tiếng Anh để xuất khẩu văn chương - Ảnh 2.

Bìa tập thơ Ẩn số xuất bản tại Ý

* Đến khi nào Ẩn số ra mắt độc giả Việt Nam? Chị có thấy con đường đến với độc giả Việt của tập thơ đầu tay này của mình khá... ngược dòng?

- Thú thực tôi chưa có ý định nhắm vào thị trường đông đảo độc giả Việt Nam với tập thơ Ẩn số. Đó là tập thơ hướng tới thị trường quốc tế, bởi ngay từ khi sáng tác, tôi đã hòa mình vào không khí thơ châu Âu rồi. 

Cũng đã có bạn đọc Việt Nam đặt mua tập thơ Ẩn số trên Amazon nên tôi nghĩ dù không in thơ bằng ngôn ngữ Việt, thì đó cũng không phải là rào cản không thể vượt qua với độc giả Việt Nam.

* Phải chăng, Ẩn số được viết bằng tiếng Anh cũng là một cách "xuất khẩu" văn chương nhanh mà hiệu quả? Có lẽ các nhà văn Việt Nam cần lưu tâm hơn đến cách làm này?

- Đúng vậy, khi bạn viết bằng tiếng Anh, bạn không mất thời gian dịch tác phẩm, hơn nữa việc tìm được người dịch chuẩn, tìm người biên tập chuẩn lại là câu chuyện cũng rất khó. Trong quá trình dịch, biên tập, sự thất thoát cảm xúc, ý tưởng là điều ta phải chấp nhận.

Tiếng Anh là điều kiện tiên quyết để tác phẩm của bạn ra biển lớn, hội nhập thị trường văn học toàn cầu. Từ gốc tác phẩm tiếng Anh, việc dịch sang các ngôn ngữ khác vô cùng thuận lợi. 

Thực tế, các dịch giả trên thế giới đều giỏi tiếng Anh, nhưng rất hiếm dịch giả quốc tế giỏi tiếng Việt. Với việc viết tác phẩm của mình bằng tiếng Anh, tôi đã nhảy qua rào cản cao nhất. Nếu muốn tác phẩm xuất bản ở bất cứ nước nào, tôi chỉ việc gửi bản thảo tiếng Anh cho họ và theo quy trình xuất bản của họ.

Cùng với Kiều Bích Hậu, Nguyễn Phan Quế Mai cũng có cuốn tiểu thuyết Những ngọn núi ngân vang viết trực tiếp bằng tiếng Anh được xuất bản ở Mỹ và Đức.

Nhà thơ Mai Văn Phấn cho biết hiện nay có một số tác giả trẻ tầm tuổi 14-16 như Đặng Chân Nhân, Minh Anh, Nguyễn Bình... cũng sáng tác thơ trực tiếp bằng tiếng Anh. Để có thể viết thơ bằng tiếng Anh, người viết phải rất tự tin và giỏi tiếng Anh tương đương như tiếng mẹ đẻ.

Riêng về tập Ẩn số, ông Stefano Donno - giám đốc NXB I Quaderni del Bardo Edizioni by Stefano Donno ở Ý - nhận xét: "The Unknown (Ẩn số) là bài hát thiết tha của một người phụ nữ Á Đông, khao khát một tương lai do chính mình định đoạt, và vì tương lai đó mà dám tranh đấu mãnh liệt, không khoan nhượng, không "giảm giá" cho bất cứ ai, bất cứ điều gì".

Ra sách mừng tuổi 70, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Khó nhất không phải chỉ là tiền bạc Ra sách mừng tuổi 70, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Khó nhất không phải chỉ là tiền bạc

TTO - Trong cuốn sách ‘hiếm có’ mừng 70 tuổi của mình, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tâm sự: ‘Khó nhất không phải chỉ là tiền bạc, cũng khó nhất không phải chỉ là tri thức, mà khó nhất lại là đạo đức’; nhà văn chỉ là người đi tìm đạo cho chúng dân.

ĐỨC TRIẾT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp