Phóng to |
Nhóm cán bộ của Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM) tiến hành thu thập dữ liệu tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn để lập trang web - Ảnh: Quách Đồng Thắng |
Buổi sáng ngày cuối tuần, ông Vũ Mạnh Tuấn, một giáo viên ở Yên Khánh (Ninh Bình), mở máy tính với nét mặt trang nghiêm. Sau khi gõ địa chỉ và vài thao tác nhấp chuột, trên màn hình hiện dần lên phần mộ của bác ông - liệt sĩ Vũ Xuân Lan - với hình ảnh mô phỏng đúng với phần mộ đang yên nghỉ ở lô mộ số 2, hàng C, phân khu II, khu vực Ninh Bình tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Dâng hương từ ngàn dặm
Phần mộ ấy có cả hương khói nghi ngút, một bó hoa do ông Tuấn vừa dâng lên và những lời tưởng nhớ: “Thưa bác! Các anh em của cháu đã vào viếng và thắp hương cho bác. Cháu chưa vào đó được vì điều kiện. Hôm nay qua trang web nghiatrangtruongson.quangtri.gov.vn, chúng cháu đã tìm được nơi bác yên nghỉ. Chúng cháu xin dâng lên bác hương nhang, hoa qua trang web này. Cầu mong bác phù hộ cho gia đình mình...”.
Những lời tưởng nhớ được ông Tuấn gửi lại ấy sẽ còn được lưu và đồng đội, bè bạn của liệt sĩ Vũ Xuân Lan mỗi lần vào thăm đều đọc, biết được người thân của liệt sĩ đã nhiều lần vào thăm và kể thêm nhiều câu chuyện về liệt sĩ đang an nghỉ.
Không chỉ thắp hương, dâng hoa và ghi lại những dòng tưởng niệm mỗi lần ghé thăm phần mộ của bác mình, từ trang web Nghĩa trang Trường Sơn, ông Tuấn và con cháu còn có thể tham quan toàn bộ nghĩa trang từ cổng vào. Với hình ảnh panorama 360 độ, chỉ cần kéo chuột, những hình ảnh thực của nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn từ tượng đài, các phần mộ, thậm chí đến từng gốc cây xanh sẽ nối nhau hiện lên không khác gì không gian thực tế tại nghĩa trang.
Từ đài tưởng niệm, ông Tuấn và những người thân có thể lần lượt đi qua từng phân khu mộ theo hướng chỉ dẫn và dừng lại thắp hương trước phần mộ của bác mình. Ông Tuấn xúc động nói: “Bao năm qua, lòng tôi vẫn cứ áy náy vì chưa vào Quảng
Trị thắp hương cho bác tôi. Nhưng giờ có trang web này, tôi như đang đứng trước mộ bác, được tận tay thắp cho bác nén nhang, dâng lên cho bác bó hoa, điều mà từ trước tới giờ tôi chưa làm được”.
Tương tự, anh Ngô Xuân Trường - một nhân viên công nghệ thông tin đang làm việc tại Q.3 (TP.HCM) - dù chưa một lần về nghĩa trang Trường Sơn để viếng ông ngoại Mai Đình Luyện hi sinh năm 1971 nhưng bây giờ từ trang web, anh đã có thể lần đầu tiên thắp hương, dâng hoa và gửi tới ông ngoại những dòng tưởng niệm.
Anh Trường nói dù chỉ trên mạng, nhưng qua lời người thân trong gia đình của anh từng đi viếng mộ ông ngoại, anh được biết tất cả chi tiết hình ảnh về phần mộ trên trang web đều giống với phần mộ thật ở nghĩa trang.
Không chỉ anh Trường, ông Tuấn và những thân nhân liệt sĩ ở những vùng xa xôi của đất nước, rất nhiều thân nhân liệt sĩ đang ở nước ngoài tưởng chừng việc thăm viếng người thân đang yên nghỉ ở nghĩa trang Trường Sơn là điều khó thực hiện, nhưng qua trang web đã thực hiện được phần nào mong muốn của mình.
Hệ thống đếm thông tin truy cập của trang web ghi nhận thân nhân liệt sĩ từ hơn 30 nước đã ghé thắp hương, dâng hoa và để lại những dòng tưởng niệm cho người thân của mình.
Những câu chuyện được kể tiếp
Bác ruột của ông Tuấn - liệt sĩ Vũ Xuân Lan, không may bị trúng bom Mỹ hi sinh năm 1966 khi đang trên đường vận tải vũ khí vào miền Nam. Câu chuyện ngắn ngủi ấy từ chiến trường ông Tuấn đã được nghe kể lại và cả con cháu ông cũng thế. Nhưng nay từ trang web Nghĩa trang Trường Sơn, câu chuyện ấy đã có thể nối dài thêm khi không chỉ có thông tin về đơn vị, năm tháng hi sinh, quê quán mà còn dành sẵn những phần trống để đồng đội, người thân bổ sung thông tin về trường hợp hi sinh và những ký ức còn giữ lại ở đồng đội, bè bạn nào đó.
Ông Tuấn tin rằng từ trang web này, những câu chuyện về bác Lan của ông sẽ còn được kể thêm.
Và không chỉ có người thân liệt sĩ Vũ Xuân Lan mà thân nhân của 10.257 liệt sĩ đang yên nghỉ ở nghĩa trang Trường Sơn đều có những câu chuyện về những người lính đã hi sinh, những nỗi mong nhớ, khắc khoải của người thân nơi quê nhà đang chờ được kể và lưu lại trên từng phần mộ.
Những câu chuyện ấy có thể rất quen thuộc như lời kể của chị Phạm Thanh Hằng ở Diễn Châu (Nghệ An), cháu gọi liệt sĩ Nguyễn Văn Nam bằng cậu, khi cho biết cậu đã khai tăng thêm 3 tuổi để được ra chiến trường. Ngày cậu của chị Hằng hi sinh chỉ mới 20 tuổi, chứ không phải 23 như trên bia mộ.
Cũng có thể là một lời báo tin như chị Nguyễn Thị Ngọc Lan ở Hải Dương, con dâu của liệt sĩ Nguyễn Hữu Thư, khi gặp phần mộ một người bạn vong niên của bố chồng tại nghĩa trang Trường Sơn đã kể lại những câu chuyện gắn bó giữa hai người... Hoặc chỉ là một thông tin đính chính của ông Hồ Ngọc Luật ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) ghi lại trên phần mộ của anh ruột - liệt sĩ Hồ Văn Thi, khi anh ông tên thật là Hồ Ngọc Thi, vào đơn vị thì được đổi lại “nhưng cả nhà vẫn gọi anh bằng cái tên quen thuộc”...
Và cũng có cả những câu chuyện còn chưa trọn vẹn như của anh Đinh Hữu Việt khi hai người cậu chỉ mới có một người đang an nghỉ ở nghĩa trang Trường Sơn và gửi lại lời viếng: “Cậu ơi! Hôm nay qua website này, cháu dâng lên cậu ba nén nhang. Cháu mong rằng cậu sẽ chỉ đường cho cháu biết lối đi tìm mộ cậu Thành là anh trai của cậu...”.
Đó là những câu chuyện mà có lẽ không có hàng bia mộ ở một nghĩa trang nào trong thực tế có thể ghi lại.
Nói như anh Nguyễn Trung Hiếu, một thân nhân liệt sĩ ở Sóc Sơn (Hà Nội), ghi lại cảm tưởng trên trang web Nghĩa trang Trường Sơn rằng đây không chỉ là nơi giúp người thân các liệt sĩ thăm viếng mỗi ngày mà còn như một chốn hội ngộ. Một nơi để ghi lại tất cả câu chuyện đã kể, chưa kể và được nhắc nhớ cho tất cả mọi người.
Món quà ý nghĩa Trang web nghiatrangtruongson.quangtri.gov.vn được thực hiện với kinh phí hơn 1,3 tỉ đồng, đây là món quà của TP.HCM tặng tỉnh Quảng Trị. Công trình này được Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) thuộc Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM thực hiện trong suốt một năm, từ tháng 6-2010.
Anh Phạm Quốc Phương, phó giám đốc trung tâm, cho biết đây là lần đầu tiên tại Việt Nam áp dụng hệ thống GIS vào việc lập một trang web với hình ảnh 3D trên một diện tích rộng hơn 40ha như tại nghĩa trang Trường Sơn. Để thực hiện, sáu thành viên của trung tâm phải mất hơn hai tháng để đo vẽ bản đồ địa chính, tỉ lệ 1/500 toàn bộ khuôn viên của nghĩa trang. Từng ngôi mộ, từng phân khu, từng tượng đài, đền tưởng niệm đều được các anh em đo vẽ chi tiết để khớp với tỉ lệ thật. Công đoạn tốn nhiều công sức và đòi hỏi sự kỹ lưỡng nhất là chụp 14.400 tấm ảnh tại nghĩa trang để dựng lại đoạn phim 3D tái hiện toàn bộ khung cảnh nghĩa trang. Anh Quách Đồng Thắng, trưởng phòng kỹ thuật, cho biết toàn bộ hình ảnh này sẽ chi tiết đến từng ngôi mộ, khóm hoa trong phạm vi 40ha của nghĩa trang, giúp những người thân liệt sĩ ở xa vẫn có thể mường tượng được không gian tận khu mộ các liệt sĩ đang yên nghỉ. Ngoài ra, còn có hơn 1.000 tấm ảnh được chụp để ghép lại tạo ra những tấm ảnh panorama, giúp người xem có thể xem khung cảnh nghĩa trang theo một góc 360 độ. Sau phần “hậu kỳ”, công đoạn quan trọng nhất là nạp dữ liệu của 10.257 liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang Trường Sơn. Đây có thể nói là điểm ưu việt nhất của trang web khi chỉ cần nhập tên liệt sĩ thì tất cả thông tin cá nhân như: năm sinh, năm hi sinh, quê quán, đơn vị, vị trí phần mộ... kèm theo một sơ đồ hướng dẫn lối vào từ cổng sẽ hiện ra, giúp người thân dễ dàng tìm đến tận nơi và giúp thể hiện tên liệt sĩ theo từng nhóm quê quán, đơn vị. Ngoài ra, trang web còn làm cầu nối để thân nhân và đồng đội nhắn tìm và cung cấp các thông tin về những liệt sĩ chưa tìm được mộ. Chỉ mới bắt đầu hoạt động chính thức từ ngày 18-7 nhưng đến 18g ngày 24-7 đã có trên 7.300 lượt truy cập, dâng hương hoa và ghi tưởng niệm của thân nhân từ khắp các tỉnh thành trong cả nước, trong đó nhiều nhất là Hà Nội, Nghệ An, Thái Bình..., những nơi có nhiều liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang Trường Sơn. Vì thế, nói như ông Hồ Tất Ái - trưởng ban quản lý nghĩa trang Trường Sơn - món quà này của TP.HCM dù tặng riêng cho Quảng Trị nhưng có ý nghĩa với cả nước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận