Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: Việt Dũng |
Đó là một trong những diễn biến đáng chú ý trong phiên thảo luận ngày 5-6 của Quốc hội về tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan.
Giải pháp lần đầu tiên áp dụng trên thế giới
Người đứng đầu ngành kiểm sát nói trước Quốc hội rằng làm hàng chục nghìn vụ án chưa chắc có thành tích, nhưng làm oan sai một vụ chắc chắn sẽ bị kỷ luật.
“Chúng tôi đã có nhiều chỉ thị, giải pháp để hạn chế oan sai và loại trừ bức cung, nhục hình. Có những giải pháp lần đầu tiên áp dụng trên thế giới, ví dụ giải pháp nối mạng phòng xét xử với phòng làm việc của viện trưởng viện KSND cấp tỉnh để trực tiếp quan sát diễn biến phiên tòa, đánh giá chất lượng tranh tụng, nhờ đó trách nhiệm của công tố viên tại phiên tòa được nâng lên đáng kể” - ông Bình nói.
Khẳng định còn một vụ oan thì “chúng tôi đau” như người trong cuộc, ông Bình cam kết tiếp tục có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để hạn chế đến mức thấp nhất tình hình oan sai.
Trong đó sẽ có các quy định và quy trình để tiếp tục đề cao nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc suy đoán vô tội, tăng cường sự giám sát của các cơ quan dân cử, của nhân dân, tăng trách nhiệm của các chức danh tư pháp, đảm bảo luật sư tiếp cận sớm hơn, rộng hơn và thuận lợi hơn...
Đề nghị sớm xem xét lại vụ án Nguyễn Văn Chưởng
Tại phiên làm việc, nhiều đại biểu cho rằng nội dung thảo luận về tình hình oan sai là nhạy cảm, có đại biểu bày tỏ sự đồng tình không truyền hình trực tiếp phiên họp này.
Về phần mình, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng thẳng thắn nói các cơ quan tố tụng đã có rất nhiều thành tích, nhưng đây là giám sát về oan sai, nên nói nhiều về oan sai là cần thiết, không vì thế mà làm giảm đi đóng góp và sự hi sinh của cán bộ, chiến sĩ ngành công an cũng như các ngành liên quan.
Ông Đỗ Mạnh Hùng nêu vấn đề: vụ án Lê Bá Mai bị công an Bình Phước khởi tố năm 2004 về hai tội hiếp dâm trẻ em và giết người.
Các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều kết án tử hình, sau khi Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quyết định hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại, dù Viện KSND tỉnh Bình Phước vẫn truy tố Lê Bá Mai hai tội nêu trên, nhưng TAND tỉnh Bình Phước lại tuyên Lê Bá Mai vô tội.
Quá trình tố tụng tiếp theo, các phiên tòa sau đó lại tuyên Lê Bá Mai có tội.
“Rõ ràng cùng một vụ án, cùng một bị can, cùng một khuôn khổ pháp lý nhưng lại tuyên các bản án khác nhau. Điều này đã tác động tiêu cực đến niềm tin công lý, làm liên hệ đến một câu nói của một đồng chí lãnh đạo TAND cách đây nhiều năm là pháp luật VN xử thế nào cũng được. Chúng ta cần làm rõ vấn đề này” - ông Hùng nói.
Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) đề nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng sớm xem xét lại vụ án của Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) bị kết án tử hình về tội giết người.
Ông Khanh cho biết báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vụ án này đã nêu kháng nghị giám đốc thẩm của viện trưởng Viện KSND tối cao yêu cầu xác định lại vai trò của Chưởng và các bị cáo khác trong tội giết người là có căn cứ.
Tuy nhiên, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án phúc thẩm là không đúng với tính chất, hành vi của các bị cáo trong tội giết người.
Theo ông Khanh, nhiều năm nay bản thân Chưởng và gia đình liên tục có đơn kêu oan, không chịu làm đơn xin tha tội chết. Qua xem xét, nhiều đại biểu Quốc hội ở tỉnh Hải Dương thấy việc kết án Chưởng chủ mưu tổ chức vụ giết người và kết án tử hình là chưa có căn cứ thỏa đáng.
Trong báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu về vụ việc này. Do vậy, cần làm rõ để quyết định hình phạt tương xứng với tính chất hành vi vai trò của Chưởng trong tội giết người, bảo đảm không oan, sai.
“Vấn đề là nay án đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan nào có thẩm quyền xem xét lại vụ án? Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xác định rõ” - ông Khanh nói.
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết một số vụ án như vụ Hồ Duy Hải (Long An), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), các cơ quan liên ngành đã xem xét và tiếp tục tích cực xem xét, nếu như có căn cứ thì sẽ có những kiến nghị thích hợp, còn nếu đã đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì phải tuân thủ.
Mới phát hiện phần nổi tảng băng?
Dẫn số liệu báo cáo giám sát cho hay trong quản lý trại tạm giam, tạm giữ còn để xảy ra 78 vụ tự sát, 6 trường hợp chết do bị can đánh nhau, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi: “Có ai dám bảo đảm rằng trong các trường hợp tự sát nêu trên không có vụ nào oan sai?”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu vấn đề hệ thống tố tụng không tự phát hiện oan sai. Từ cách tiếp cận này, ông Nghĩa cũng nêu câu hỏi: Phải chăng những vụ việc phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng, chưa kể tình trạng người bị bức cung, nhục hình khi được tha thì rất e sợ tiết lộ, thậm chí buộc phải cam kết không khiếu nại?
“Tôi không có ý cho rằng bức tranh trên đây là chủ đạo, là chiếm đa số, nhưng cũng không quá ít hay không nghiêm trọng để chúng ta có thể xem nhẹ hay bỏ qua, vì tác hại của oan sai là rất lớn và nhiều mặt” - ông Nghĩa nói.
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nghiêm túc nhìn nhận dù số vụ oan sai giảm hằng năm, nhưng hoạt động điều tra xử lý tội phạm cũng còn một số hạn chế, thiếu sót.
Cá biệt, ở nơi này nơi khác còn xảy ra một số vụ oan sai, thậm chí vẫn còn hiện tượng bức cung, nhục hình, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, gây bức xúc trong dư luận.
“Đối với những trường hợp cán bộ, chiến sĩ công an có hành vi vi phạm trong quá trình điều tra xử lý tội phạm, quan điểm nhất quán của Đảng ủy công an trung ương và Bộ Công an là xử lý nghiêm theo pháp luật” - Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định.
Đồng thời ông Quang cho biết từ 1-1-2011 đến nay đã có 40 cán bộ, chiến sĩ công an bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận