Các nhà khoa học nghiên cứu ở Viện Pasteur ở Lille (Pháp) - Ảnh: AFP
Băng video khẳng định 15 năm trước các nhà khoa học ở Viện Pasteur Pháp đã tạo ra virus corona chủng mới (SARS-CoV-2). Video này đã thu hút hàng triệu lượt xem, nhưng cuối cùng Facebook xác nhận đây là tin giả.
Viện Pasteur sẽ kiện
Trong đoạn video dài 22 phút, một người đàn ông tự xưng là Cat Antonio khẳng định người này và "nhóm năm người" đã có bằng chứng chứng minh Viện Pasteur được cấp bằng sáng chế về SARS-CoV-2 từ năm 2004 và đã có văcxin ngừa virus này.
Viện Pasteur cho biết sẽ gửi đơn khởi kiện nhân danh Viện Pasteur và hỗ trợ người của Viện Pasteur có liên quan gửi đơn kiện cá nhân về các hành vi đe dọa, lăng mạ hoặc quấy rối.
Tiến sĩ Jean-François Chambon - giám đốc truyền thông của Viện Pasteur - nhận định: "Viện Pasteur đang trải qua một vụ tấn công chưa từng có. Các nhà nghiên cứu, nhà quản trị, phòng thí nghiệm, mọi người bị các cuộc gọi và thư điện tử tấn công dồn dập. Có những tin nhắn lăng mạ và đe dọa. Tôi chưa từng thấy điều đó. Ngay cả có người đã tiếp xúc với chúng tôi trên hộp thư và điện thoại cá nhân".
Dẫn chứng tài liệu sai bét
Giải thích với kênh truyền hình LCI (Pháp), tiến sĩ Jean-François Chambon đã đưa ra nhiều chi tiết chứng minh băng video tung tin giả.
Video dựa trên một tài liệu dày 320 trang được cho là bằng sáng chế về virus SARS CoV-2. Song đây không là bằng sáng chế mà là đơn đăng ký sáng chế dành cho Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO).
Tài liệu mang số EP 1 694 829 B1 là tài liệu công khai, ai cũng có thể xem và kiểm tra nội dung.
Tiến sĩ Chambon cho biết: "Đơn đăng ký sáng chế này liên quan đến công trình khoa học về đặc tính của chủng virus SARS-CoV, về những phát hiện liên quan đến kháng nguyên bề mặt của virus và về các phương pháp phát triển ứng viên văcxin".
Người đàn ông tự xưng là Cat Antonio xuất hiện trong băng video - Ảnh: FACEBOOK
Chơi trò mập mờ giữa SARS-CoV với SARS-CoV-2
Đơn đăng ký sáng chế năm 2004 nêu trên có sử dụng các thuật ngữ SARS, SARS-CoV hoặc coronavirus để chỉ chủng virus SARS-CoV gây hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng được phân lập lần đầu tiên vào năm 2003.
Tiến sĩ Chambon giải thích: "Không nên nhầm lẫn SARS-CoV với SARS-CoV-2 hiện tại gây dịch COVID-19. Hơn nữa, thuật ngữ coronavirus bao gồm nguyên một họ virus có đến hàng trăm loại và không phải loại nào cũng gây bệnh cho người".
Tài liệu EP 1 694 829 B1 không nêu chi tiết về việc tạo ra virus nhưng đề cập đến một dự án phát triển văcxin.
Tiến sĩ Chambon cho biết: "Từ năm 2002-2004, Viện Pasteur đã xem xét khả năng điều chế văcxin ngừa chủng virus SARS-CoV. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng nền tảng văcxin của bệnh sởi, một loại virus đã được kiểm soát tốt và sử dụng rộng rãi trong phòng thí nghiệm và họ đã ghép kháng nguyên SARS-CoV. Đây là phương pháp truyền thống để nghiên cứu phát triển văcxin".
Băng video nói về một loại văcxin hoạt động trên chuột và thỏ. Đúng là Viện Pasteur có nghiên cứu văcxin SARS-CoV trên chuột với kết quả rất đáng khích lệ, nhưng chỉ trên chuột mà thôi.
Tiến sĩ Chambon nêu rõ: "Đây là quan sát phản ứng của văcxin trên chuột chứ không phải thử nghiệm văcxin. Viện Pasteur chưa phát triển văcxin hiệu quả và chỉ kết luận đạt được kết quả tốt cho các lần thử nghiệm đầu tiên. Kết quả không thể suy diễn cho con người".
Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve (thứ hai từ trái sang ở hàng đầu) dự lễ khánh thành phòng thí nghiệm nghiên cứu virus ở Vũ Hán vào tháng 2-2017 - Ảnh: cn.ambafrance.org
Viện Pasteur không liên quan đến phòng thí nghiệm Vũ Hán
Băng video nêu trên khăng khăng cho rằng SARS-CoV-2 lan nhiễm từ một con dơi là vật thí nghiệm bay khỏi phòng thí nghiệm nghiên cứu virus ở Vũ Hán (Trung Quốc).
Pháp bị nghi ngờ liên quan đến việc tạo ra virus này ở Trung Quốc vì nhiều lý do.
Tiến sĩ Yves Lévy lúc bấy giờ là giám đốc Viện Y tế và nghiên cứu y học quốc gia Pháp (INSERM) đã có mặt vào lúc Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve phát biểu trong lễ khánh thành phòng thí nghiệm ở Vũ Hán vào tháng 2-2017.
Ông Yves Lévy là chồng của nguyên bộ trưởng Bộ Đoàn kết và y tế Agnès Buzyn.
Ông có mặt vì lẽ INSERM đã hợp tác với Trung Quốc phát triển dự án phòng thí nghiệm ở Vũ Hán và bảo đảm thiết kế cho dự án. Các dự án khoa học Pháp - Trung cũng được thực hiện dưới sự bảo trợ của INSERM.
Phòng thí nghiệm ở Vũ Hán được thiết kế và xây dựng với sự giúp đỡ của Pháp theo hiệp định hợp tác năm 2004 về phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Song đến năm 2011 công trình mới bắt đầu xây dựng và năm 2017 mới khánh thành.
Tiến sĩ Chambon khẳng định Viện Pasteur không liên quan gì đến phòng thí nghiệm nghiên cứu virus ở Vũ Hán và Viện Pasteur đã nghiên cứu virus SARS-CoV từ năm 2002-2004.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận