Ngã tư Charner (nay là Nguyễn Huệ) - Bonnard (Lê Lợi) năm 1934 nhìn về UBND TP.HCM hiện nay. Chính quyền Sài Gòn thời Pháp có dự tính xây dựng đường Bonnard như một phiên bản của một Champs-Élysées với nhiều nhà hàng, khách sạn nhưng không thành công vì thiếu tiền - Ảnh tư liệu |
...Đánh giá Sài Gòn xưa có phải là “ngọc toàn bích” không lại cần một cái nhìn khác toàn cảnh hơn.
Trau chuốt một Sài Gòn 3km2
Cần lưu ý rằng địa bàn được coi là Sài Gòn vốn co dãn rất linh hoạt và phức tạp theo thời gian, trước lẫn sau khi Pháp chiếm Gia Định. Vì vậy, chúng ta tạm chấp nhận một Sài Gòn thực tế như hiện nay đa số vẫn hình dung.
Đó là một Sài Gòn theo nghị định do Quyền thống đốc Nam kỳ, Chuẩn đô đốc Pierre Rose ban hành ngày 3-10-1865, cụ thể chỉ rộng khoảng 3km2; gần bằng một nửa quận 1 hiện nay (rộng khoảng 8km2), bao bọc bởi sông Sài Gòn - Nguyễn Thái Học - Nguyễn Thị Minh Khai - rạch Bến Nghé.
Quy hoạch Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1865 trên bản đồ hiện nay. Riêng khu vực Sài Gòn (màu vàng) rộng khoảng 3km2. Hầu hết những dinh thự, tòa nhà công sở xưa thời thuộc Pháp nằm trong khu vực này - Đồ họa: TRỊ THIÊN |
Đây là khu vực mà người Pháp tập trung xây dựng hầu hết các công sở, dinh thự… xưa nhất của họ khi chiếm được Gia Định (Dinh Toàn quyền, Ngân hàng Đông Dương, Dinh Thống đốc Nam kỳ, Dinh Thượng thơ, nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành… mà đến giờ người ta (kể cả dân các quận 2, 3, 4… xung quanh) khi đến đây vẫn nói là “lên Sài Gòn”.
Và đây cũng là khu vực Sài Gòn mà chính quyền Pháp ở Nam kỳ (Cochinchine) trưng bày ra trước quốc tế và chính quốc Pháp về một “Hòn ngọc Viễn Đông”.
Trong đó, chỉ một vài con đường chủ lực được tập trung như Catinat (hiện là đường Đồng Khởi), Bonnard (Lê Lợi), Charner (Nguyễn Huệ), De la Somme (Hàm Nghi), Norodom (Lê Duẩn)… với tất cả những gì sang trọng nhất, giàu có nhất mà chính quyền Pháp ở Sài Gòn lúc ấy có được.
Đường Catinat (hiện là Đồng Khởi) năm 1920. Đây là con đường sang trọng nhất Sài Gòn thời thuộc Pháp dành cho giới thượng lưu - Ảnh tư liệu |
Dù vậy, chắc chắn Sài Gòn đến thập niên 1910-1920 chưa là “hòn ngọc” khi theo Sơn Nam trong “Bến Nghé xưa”: Chợ Bến Thành hoàn thành 1914, “trước mặt còn ao vũng sình lầy. Giữa Sài Gòn và Chợ Lớn phía đất thấp (…), còn ruộng lúa với người cày, ao nuôi vịt, ngọn rạch cạn”.
Ao Bồ Rệt (marais Boresse) dù nằm trong khu vực 3km2 quy hoạch của Pháp trước 1914 (năm khánh thành chợ Bến Thành) vẫn lầy lội, toàn nhà tranh. Hiện nay là Quảng trường Quách Thị Trang, trước chợ Bến Thành - Ảnh tư liệu |
“Giữa Sài Gòn và ở phần đất cao còn nhiều chòm tre, cây da, mồ mả to xen vào những đám rẫy trồng rau cải và bông hoa, những xóm nhà ổ chuột; bầy bò dê đi lang thang ăn cỏ”.
Khu vực Cầu Ông Lãnh và con rạch nhỏ chảy ra rạch Bến Nghé (nay là đường Nguyễn Thái Học. Q.1, TP.HCM) thời kỳ đầu thuộc Pháp (trước 1975 thuộc Q.2), nằm giáp khu vực 3km2 đã khác xa "hòn ngọc" cạnh bên - Ảnh tư liệu |
Và người Pháp từ lúc đánh chiếm 1859 cho đến khi rời Sài Gòn 1954 có lẽ chỉ đủ sức “trau chuốt” khu vực 3km2 đầu tiên của Q.1 dù nhiều lần điều chỉnh địa giới mở rộng.
Thực tế đến 1954, những phần Sài Gòn mở rộng này (rộng khoảng 50km2 – gấp đôi Quy hoạch “Thành phố Sài Gòn 500 ngàn dân” năm 1862 của Trung tá công binh Coffyn) vẫn hoang sơ, thậm chí đầm lầy ngổn ngang.
Khu Hòa Hưng (Q.10 hiện nay) cho đến ngã tư Bảy Hiền hiện nay chìm trong vô số nghĩa trang, mồ mả (sau này chính quyền Sài Gòn gom lại làm nghĩa địa Đô thành – nay là công viên Lê Thị Riêng).
Khu Nguyễn Thiện Thuật, Lý Thái Tổ, Nguyễn Đình Chiểu (Q.3)… toàn nhà lá nền đất xây dựng không theo quy hoạch nào với vô số hẻm hóc.
Khu quận 4, quận 7 hầu như đường đất, nhà lá. Ngay khu Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho… sát cạnh chợ Bến Thành đa số là nhà tranh vách lá tạm bợ…
Trong khi quận 1 (phía gần trong ảnh) thì quận 4, 7 (phía xa trong ảnh) và Thủ Thiêm (nay là quận 2) đến năm 1954, khi Pháp rút vẫn ngập trong đầm lầy - Ảnh tư liệu |
Nhiều người sinh ra cuối thời Sài Gòn thuộc Pháp (đến giữa thập niên 1950) thời đó nay vẫn còn sống dễ dàng khẳng định khó có thể gọi những khu vực mà người Pháp gộp vô Sài Gòn làm quận 2, 3, 4, 5, 6, 7 (đến 1954, Sài Gòn có 7 quận) lúc đó là “Hòn ngọc Viễn Đông” được.
Kinh tế Sài Gòn thời thuộc Pháp cỡ nào?
Các con số thống kê của người Pháp còn để lại cho thấy trước thời thuộc Pháp, kinh tế Sài Gòn đã khá dồi dào nên ngay vừa hạ thành Gia Định 1859, năm 1860, người Pháp đã xuất hơn 53.000 tấn gạo và hàng hóa trị giá 7,5 triệu franc, trong đó gạo chiếm 6 triệu franc (tạm so sánh, Dinh Toàn quyền xây hết 4 triệu franc).
Những năm sau cũng vậy, con số gạo, bông, tơ lụa xuất đi từ Sài Gòn ngày càng tăng và năm 1867, Sài Gòn đã xuất khẩu 193.000 tấn gạo (tính theo giá hiện nay khoảng 80-100 triệu USD) trong khi số dân Sài Gòn (kể cả Hoa kiều, Pháp kiều, Ấn kiều…) đến năm 1898 chỉ khoảng 33.599 người và cả Nam kỳ trên dưới 2 triệu (Đất Gia Định xưa – Sơn Nam).
Mặc dù vậy, nền kinh tế Sài Gòn đầu thế kỷ 20 thời thuộc Pháp vẫn khá vất vả khi Dinh Xã Tây (UBND TP.HCM hiện nay) khởi công năm 1873 nhưng thiếu tiền nên 15 năm sau, 1898 mới chính thức xây dựng và xây khá ì ạch, 9 năm mới xong (1909 – chú ý nhà thờ Đức Bà chỉ xây trong 3 năm; Dinh Toàn quyền 5 năm, Bưu điện Sài Gòn 5 năm…).
Vậy mới hiểu tại sao từ năm 1881, chính quyền Pháp lúc ấy đã mở xưởng chế biến thuốc phiện rộng 1 ha đầu đường Hai Bà Trưng hiện nay, giữa trung tâm Sài Gòn.
Xưởng thuốc phiện (trên chiếc xe ngựa của xưởng ghi rõ: Manufacture d'Opium: xưởng thuốc phiện) giữa khu vực hòn ngọc Q.1 thời thuộc Pháp. Khu xưởng này cung ứng từ 1/3 đến 1/2 ngân sách toàn Đông Dương - Ảnh tư liệu |
Di tích khu xưởng thuốc phiện hiện nay vẫn còn cổng ra vô trên đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM - Ảnh: C.M.C |
Số thuốc phiện từ đây bán ra ở Đông Dương và có năm (1914), chiếm tới 36,9% ngân sách Đông Dương.
Thậm chí theo Golden Triangle Opium Trade, an Overview, 2003: năm 1900, “lợi nhuận chính phủ thu được từ thuốc phiện đạt hơn 50% thu nhập toàn Đông Dương”.
Sài Gòn chỉ là một phần của Đông Dương nên tỉ lệ đóng góp ngân sách cho Sài Gòn của xưởng thuốc phiện này chắc chắn cao hơn nhiều.
Có thể khẳng định nền kinh tế Sài Gòn không thể là “ngọc”, đạt đỉnh trong giai đoạn Pháp tham gia thế chiến thứ 1 (1914-1918) khi họ cũng phải moi tiền dân thuộc địa cho chiến tranh (với tuyên truyền “Rồng Nam phun bạc, đánh đổ Đức tặc”).
Cũng không thể là đỉnh khi Pháp tham gia Thế chiến thứ 2 (1939-1945), sau đó vật vã với chi phí chiến tranh 1945-1954 với lực lượng kháng chiến VN (cuối thời kỳ này Pháp phải nhờ Mỹ viện trợ quân sự rất lớn).
Kinh tế Sài Gòn chỉ có thể vươn lên trong khoảng thời gian sau Thế chiến thứ 1 và trước Thế chiến thứ 2, tức từ 1919-1938.
Khu vực chợ Bến Thành thời kỳ kinh tế Sài Gòn thời thuộc Pháp đạt đỉnh, năm 1938 - Ảnh tư liệu |
Theo GS Trần Văn Thọ (ĐH Waseda, Nhật), “kinh tế VN thời Pháp thuộc thịnh vượng nhất là năm 1938, cao hơn năm 1960 là 60%” (Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005).
Thống kê chưa đầy đủ của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF công bố năm 2012 cho thấy năm 1938 cũng là năm thịnh vượng nhất của Nam Kỳ (Cochinchine - thuộc địa Pháp), GDP đầu người tính theo sức mua của Nam Kỳ gấp 69% năm 1960, năm thịnh vượng nhất của VNCH; thứ nhì châu Á (sau Nhật), đứng đầu Đông Nam Á (Viễn Đông).
Nếu lấy con số cũng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF công bố năm 2012: năm 1960, VNCH đạt 223 USD/đầu người thì năm 1938, GDP đầu người (tính theo sức mua thực tế) của Nam kỳ năm 1938 khoảng hơn 330 USD/người.
Giá vàng những năm 1937-1938 khoảng 30-35 USD/ounce. Nếu tính theo giá vàng thế giới hiện nay thì với GDP đầu người 330USD mua được khoảng 10 ounce, tính theo thời giá hiện nay (kicco ngày 10-5-2016) khoảng 12.650USD.
GDP đầu người của Sài Gòn lúc ấy chưa có thống kê cụ thể nhưng có lẽ cũng như hiện nay thường gấp rưỡi gấp đôi Nam kỳ.
Tuy nhiên, cần phải khẳng định: điều này không có nghĩa là tất cả đều thu nhập như nhau, nhất là khi dân Nam kỳ là dân thuộc địa. Và càng không thể xem mọi khu vực của Sài Gòn đều là “ngọc” như “khu đất ngọc” 3km2 quận 1 thời Pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận