Luật sư Nguyễn Ngọc Châu (bìa phải) tranh luận tại tòa sáng nay 17-2 và đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung - Ảnh: BỬU ĐẤU
Cùng bị xét xử có 4 bị cáo khác gồm: Phạm Thanh Sang (40 tuổi), Hồ Tuấn Linh (41 tuổi), Nguyễn Văn Lê (38 tuổi), Nguyễn Văn Minh (31 tuổi). Các bị cáo đều ngụ tại huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Luật sư đề nghị trả hồ sơ
Trong phần tranh luận với đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang, luật sư Phạm Thanh Bình (Đoàn luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Hạnh) cho rằng, vụ việc xảy ra ngày 24-6-2019 nhưng vì sao hơn 2 năm sau Công an tỉnh An Giang mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Quá trình kiểm tra chứng cứ tại tòa chưa được điều tra chặt chẽ. Tại phiên tòa, bị cáo Sang khai nhận đã gọi cho 3 người khác gồm: Lê, Linh và Minh chứ bị cáo Hạnh không phải người gọi. Các bị cáo đều suy đoán đi vận chuyển tiền cho Hạnh nhưng không có chứng cứ hay tài liệu nào chứng minh Hạnh đã chỉ đạo.
"Cơ quan điều tra không lấy được lời khai của Cốp (người giao USD cho các bị cáo ở Campuchia - PV) mà chỉ dựa vào lời khai của bị cáo Sang. Còn vật chứng quan trọng trong vụ án này là bọc tiền 470.000 USD đã không trùng khớp với hình ảnh, kích thước giữa lời khai các bị cáo và báo cáo của biên phòng. Đặc biệt hết sức vô lý là biên phòng nhận thông tin từ 4h sáng nhưng tại sao hơn 8h20 thì Hạnh mới gọi cho Sang? Phải chăng đây là 2 vụ khác nhau", luật sư Bình nói.
Luật sư Phạm Thanh Bình đề nghị hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung - Ảnh: BỬU ĐẤU
Các luật sư cho rằng lời khai của Sang và các lời suy đoán của 3 bị cáo khác thì không có chứng cứ, mâu thuẫn về địa điểm tập trung đi nhận USD ở Campuchia. Các bị cáo đều khai nhận bọc nilông màu đen nhưng báo cáo của lực lượng biên phòng An Giang thể hiện bọc nilông màu hồng. Khi phát hiện vụ việc thì biên phòng phát hiện đã xử lý trước nhưng không chụp hình tang vật là bọc tiền và chiếc vỏ lãi.
"Có rất nhiều vật chứng vụ án không được xem xét điều tra xác minh. Cụ thể là bọc nilông biên phòng thu giữ màu hồng nhưng nhóm bị cáo khai màu đen. Như vây, bọc hàng mà biên phòng bắt giữ được có thể là vụ án khác, cái này lại chưa được điều tra làm rõ. Với những thiếu sót trong quá trình điều tra, chúng tôi đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung thêm, làm rõ ràng các tình tiết đó", luật sư Đỗ Đức Biên (Đoàn luật sư Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Hạnh) đề nghị.
Đề nghị trùm buôn lậu từ 7-9 năm tù
Còn luật sư Nguyễn Ngọc Châu (Đoàn luật sư An Giang, bào chữa cho bị cáo Linh) cho biết có 3 vấn đề cần được cơ quan điều tra làm rõ để xử lý đúng người, đứng tội, đó là: diễn biến sự việc, lời khai của các cán bộ biên phòng trong quá trình thực hiện vụ án; giám định USD và kết luận giám định tiền này. Đặc biệt là lực lượng biên phòng đã thu giữ bọc tiền này nhưng quá trình thu giữ không đảm bảo theo quy định pháp luật. Lực lượng biên phòng đã không làm đúng quy định, thay vì chụp hình tang vật ban đầu rồi mới lập biên bản vụ việc thì lực lượng biên phòng đã xách bọc tiền về tới đồn biên phòng mới lập biên bản tạm giữ tang vật và kiểm đếm toàn bộ số tiền.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo và cho rằng sai sót tên nhân chứng không làm thay đổi bản chất vụ án - Ảnh: BỬU ĐẤU
"Việc thu thập vật chứng không đảm bảo theo quy định pháp luật. Vụ án này quan trọng là bọc tiền nhưng không được nhận dạng kích thước ra sao, đối chất với các bị cáo. Còn biên bản khám nghiệm hiện trường lại không có lực lượng biên phòng mà chỉ có bị cáo Sang và các ngành công an, viện kiểm sát. Tôi đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ thêm các luật sư đã nói", luật sư Châu nói.
Đại diện Viện KSND tỉnh An Giang giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường) mức án từ 7-9 năm tù và hình phạt tiền bổ sung từ 30-50 triệu đồng. Đối với 4 bị cáo Sang, Lê, Minh và Linh bị đề nghị mức án từ 5 - 6 năm tù. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo này.
Bọc nilông chứa 470.000 USD màu hồng hay màu đen?
Đối đáp với các luật sư, đại diện Viện KSND tỉnh khẳng định nhóm 4 bị cáo đi nhận 470.000 USD ở Campuchia nhưng không được kiểm tra bên trong là tiền gì, số lượng bao nhiêu. Lực lượng biên phòng khẳng định hôm xảy ra vụ án, bị cáo Linh ôm bọc tiền bỏ chạy đã bị rách rồi bỏ lại hiện trường. Sau đó, lực lượng thấy bọc tiền được bao bọc bởi băng keo màu vàng, biên phòng lập biên bản bọc tiền màu hồng.
Trùm buôn lậu Mười Tường tại tòa sáng nay 17-2 luôn kêu oan - Ảnh: BỬU ĐẤU
"Việc xác định bọc đen phải đồng bộ lời khai như luật sư là không thỏa đáng. Dù vụ việc xảy ra cách 2 năm nhưng các bị cáo khai phù hợp với thời gian, địa điểm. Các bị cáo tự khai, không ai ép buộc các bị cáo khai cả. Còn tin báo lúc 4h sáng mà biên phòng nhận được từ người dân là họ chỉ được báo có nhóm người lên Campuchia. Sau đó, lực lượng biên phòng đã mật phục bắt được vụ việc này. Việc thực nghiệm điều tra là theo quy định pháp luật, không phải xảy ra bao nhiêu người thì phải thực nghiệm bấy nhiêu người. Dù tài liệu điều tra có sai sót tên người làm chứng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án", đại diện viện kiểm sát nói.
Tuy nhiên, luật sư Phạm Thanh Bình khẳng định: "Biên bản của đồn biên phòng lập có vi phạm, sai sót tên người làm chứng nhưng tại sao viện kiểm sát nói không thay đổi bản chất vụ án. Tại sao ban đầu là Lê Văn Cảnh, lúc sau Hồ Văn Cảnh.
Bản chất vụ án là phải căn cứ vào chứng cứ mới đúng. Phương tiện phạm tội và tang vật là cực kỳ quan trọng nhưng chúng tôi không thấy điều tra, làm rõ, còn nhiều khúc mắc".
Hội đồng xét xử đã tạm nghị án đến ngày 23-2 sẽ tuyên án "trùm buôn lậu" Mười Tường và các đồng phạm trong vụ vận chuyển trái phép 470.000 USD từ Campuchia về Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận