Đại diện VKS tranh luận với các luận cứ của luật sư bào chữa cho Trịnh Sướng và các đồng phạm - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Phiên tòa ngày 16-4 tiếp tục với phần tranh tụng sau khi Viện kiểm sát nhân dân công bố bản luận tội đề nghị mức án với Trịnh Sướng từ 12 - 13 năm tù về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Thế nào là hàng giả?
Trong phiên tòa ngày 14-4, luật sư của Trịnh Sướng nêu quan điểm tại điểm b khoản 8 điều 3 Nghị định 185 năm 2013, quy định về việc hàng hóa có chất lượng dưới 70% được coi là hàng giả. Vì vậy yêu cầu Viện kiểm sát định danh lại số xăng Trịnh Sướng pha trộn có phải xăng giả hay không?
Tuy nhiên, theo vị đại diện Viện kiểm sát, các luật sư đã hiểu sai ý của điều 3 nghị định này. Thực tế tại khoản 8 điều 3 nghị định 185 có 8 điểm quy định khái niệm hàng giả. Nếu mặt hàng nào chỉ cần vi phạm 1 điểm trong 8 điểm trên thì đều được quy định là hàng giả. Trong khi đó, vị luật sư của Trịnh Sướng chỉ nêu điểm b còn các điểm khác thì không xem xét đến.
Theo vị đại diện Viện kiểm sát, xăng do Trịnh Sướng pha trộn đã vi phạm điểm a, khoản 8, điều 3 quy định về: "Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký" nên Viện kiểm sát khẳng định xăng do Trịnh Sướng pha trộn là hàng giả.
Trịnh Sướng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ở tỉnh Đắk Nông - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Trịnh Sướng sản xuất bao nhiêu xăng giả?
Liên quan đến số lượng xăng giả Trịnh Sướng sản xuất là 137 triệu lít, tương đương với giá trị hàng thật là gần 2.500 tỉ đồng, luật sư đã yêu cầu Viện kiểm sát lý giải nguồn gốc, căn cứ xác định và thời điểm áp dụng đơn giá để có thể giải đáp các thắc mắc.
Theo vị luật sư này, số lượng dung môi lẽ ra phải bằng số xăng giả quy kết cho Sướng. Tuy nhiên đã có sự chênh lệch giữa con số dung môi mua vào và số xăng giả quy kết cho Trịnh Sướng. Cụ thể số dung môi mua vào chỉ là 134 triệu lít nhưng quy đổi thành xăng giả lại là 137 triệu lít.
Vị đại diện Viện kiểm sát lý giải số lượng xăng giả 137 triệu lít không chỉ tính bằng tổng số dung môi Hậu, Cường, Thủy mua vào mà còn phải tính thêm cả nguồn xăng thật Sướng dùng để pha vào số dung môi trên.
Ngoài ra, do trong xăng giả của Trịnh Sướng có nhiều loại dung môi, hóa chất có trọng lượng riêng khác so với xăng nên khi quy đổi có sự chênh lệch. "Một số hóa chất các bị cáo mua tính bằng kg sau đó chúng tôi phải đổi thành lít nên số lượng có sự khác nhau", vị đại diện Viện kiểm sát trả lời.
"Có sai sót trong đánh máy"
Cũng tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho Trịnh Sướng đề cập đến sự bất hợp lý trong số tiền thu lợi bất chính. Ban đầu tại cáo trạng, Viện kiểm sát đưa ra số là 102 tỉ, tuy nhiên trong phần luận tội lại nâng con số này lên 106 tỉ. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến bị cáo Trịnh Sướng.
Việc này đại diện Viện kiểm sát cho biết con số thu lợi bất chính là 106 tỉ, tuy nhiên do có sự nhầm lẫn trong đánh máy nên có sự chênh lệch kể trên. Dù có sự thay đổi về số liệu nhưng bản chất không thay đổi.
Cũng liên quan đến số tiền này, vị đại diện Viện kiểm sát cho biết đã áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo để tính toán. Thay vì lấy số tiền xăng tính bằng giá thị trường trừ đi số tiền mua dung môi để tính số tiền thu lợi bất chính thì Viện kiểm sát chỉ tính số tiền này bằng giá các bị cáo lãi trên mỗi lít xăng là 800 đồng.
Nếu lấy giá thị trường trừ đi số tiền mua dung môi thì có số tiền lớn hơn 106 tỉ, tuy nhiên thực tế các bị cáo cũng không được hưởng lợi số này nên Viện kiểm sát đã áp dụng theo số tiền các bị cáo lãi trên mỗi lít xăng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận