01/04/2024 15:38 GMT+7

Viện kiểm sát: Bà Đỗ Thị Nhàn nhận tiền và chỉ cho bà Trương Mỹ Lan cách đối phó sai phạm ở SCB

Viện kiểm sát khẳng định truy tố bà Trương Mỹ Lan (chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về tội đưa hối lộ và bà Đỗ Thị Nhàn (cựu trưởng đoàn thanh tra) về tội nhận hối lộ là đúng người, đúng tội.

Các kiểm sát viên tranh luận tại tòa - Ảnh: HỮU HẠNH

Các kiểm sát viên tranh luận tại tòa - Ảnh: HỮU HẠNH

Viện kiểm sát: Không tranh luận, mà giải thích cho luật sư rõ

Đối với ý kiến tranh luận của luật sư đề nghị xem xét số liệu trong cáo trạng, cụ thể cáo trạng có 1.166 tài sản để đảm bảo cho 1.284 khoản vay, trong khi luật sư xác định trong cáo trạng thể hiện: có 204 tài sản bảo đảm cho các khoản vay giai đoạn từ 1-1-2012 đến 31-12-2017 và 982 tài sản bảo đảm cho các khoản vay giai đoạn từ 1-1-2018 đến 7-10-2022. 

Do đó, luật sư cho rằng tổng số tài sản bảo đảm là 1.186.

Về việc này, viện kiểm sát nói không tranh luận, mà chỉ giải thích cho luật sư được rõ.

Viện kiểm sát khẳng định có 1.166 mã tài sản đảm bảo và lý giải do thực tế có một số mã tài sản được đảm bảo cho nhiều khoản vay.

Cụ thể, trong 1.166 mã tài sản này có 20 mã tài sản vừa đảm bảo cho khoản vay phát sinh giai đoạn trước ngày 1-1-2018 và vừa đảm bảo cho các khoản vay sau đó. 

Do đó, khi tổng hợp số liệu, cơ quan tố tụng phải trừ đi 20 mã tài sản này.

"Nếu chỉ dùng phép tính cộng trừ đơn thuần, mà không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và cho rằng cơ quan tố tụng tính sai là không chính xác", kiểm sát viên nói.

Đối với ý kiến luật sư cho rằng loại trừ trách nhiệm đối với các khoản vay có giá trị tài sản đảm bảo lớn hơn dư nợ gốc, dư nợ lãi/phí, theo viện kiểm sát thì các cơ quan tố tụng xem xét tất cả thiệt hại, bao gồm cả những khoản vay có dư nợ thấp hơn hoặc cao hơn tài sản đảm bảo để quy kết là đảm bảo có lợi cho bị cáo.

Viện kiểm sát cho rằng nếu theo ý kiến của luật sư thì thiệt hại xác định hậu quả gây ra của các bị cáo sẽ tăng lên nhiều lần.

Đại diện viện kiểm sát khẳng định đã rà soát rất kỹ đối với các số liệu liên quan trách nhiệm của từng bị cáo và khẳng định không có bị cáo nào bị sai lệch, trên nguyên tắc có lợi cho bị cáo.

Bà Trương Mỹ Lan, Đỗ Thị Nhàn, Nguyễn Văn Hưng (hàng đầu, từ trái sang) tại tòa - Ảnh: HỮU HẠNH

Bà Trương Mỹ Lan, Đỗ Thị Nhàn, Nguyễn Văn Hưng (hàng đầu, từ trái sang) tại tòa - Ảnh: HỮU HẠNH

"Việc nhận tiền của đoàn thanh tra khác với bà Đỗ Thị Nhàn"

Về việc luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hưng không đồng ý với nhận định của viện kiểm sát về việc xác định bị cáo Hưng là người cầm đầu, vì bị cáo không chỉ đạo, không hưởng lợi.

Theo viện kiểm sát, bị cáo Hưng là phó chánh thanh tra, là người ra quyết định thanh tra, người trực tiếp chỉ đạo bị cáo Đỗ Thị Nhàn và có trách nhiệm báo cáo kết quả thanh tra lên Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.

Việc chỉ đạo của bị cáo được thực hiện thông qua bị cáo Nhàn. Ngoài ra bị cáo Hưng còn chỉ đạo trực tiếp đối với thành viên đoàn thanh tra trong các cuộc họp đánh giá nhóm khách hàng ở số 4 Nguyễn Thị Minh Khai.

Lời khai của bị cáo Hưng và các bị cáo khác trong đoàn thanh tra tại phiên tòa cũng đã xác định bị cáo Hưng là người đứng đầu và chỉ đạo hoạt động của đoàn thanh tra.

Mặc dù kết luận thanh tra đã làm rõ tình hình tài chính của SCB rất xấu, không đủ điều kiện tái cơ cấu, SCB đủ điều kiện đưa vào diện kiểm soát đặc biệt... nhưng bị cáo Hưng lại chỉ đạo bị cáo Nhàn, tổ tổng hợp báo cáo không đầy đủ, bỏ ngoài dự thảo kết luận thanh tra những kiến nghị phân loại nợ xấu.

Bị cáo Hưng còn chỉ đạo đoàn thanh tra chỉnh sửa, hoàn thiện và đưa vào nội dung không trung thực, không đúng với kết quả thanh tra, dẫn đến kết luận thanh tra bị sai lệch.

Từ tháng 4-2016 đến tháng 10-2018, bị cáo Hưng đã nhiều lần nhận tiền, lợi ích vật chất từ SCB với tổng giá trị lên đến 390.000 USD để chỉ đạo làm trái công vụ, là có tính vụ lợi.

Việc nhận tiền, lợi ích vật chất của bị cáo Hưng và những bị cáo khác trong đoàn thanh tra là khác với việc nhận tiền của bị cáo Đỗ Thị Nhàn.

Do đó, viện kiểm sát căn cứ vai trò, vị trí, nhiệm vụ để truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ đối với bị cáo Hưng và các bị cáo trong đoàn thanh tra là đúng người, đúng tội và có căn cứ.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn nhận tiền và hướng dẫn bị cáo Trương Mỹ Lan cách đối phó

Về quan điểm luật sư cho rằng xác định tội danh nhận hối lộ của bị cáo Đỗ Thị Nhàn là chưa phù hợp, vì bị cáo Nhàn thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Hưng nhưng lại bị truy tố tội danh khác.

Viện kiểm sát cho rằng bị cáo Nhàn là trưởng đoàn thanh tra, kết quả thanh tra đã xác định tình hình tài chính của SCB là rất xấu, đủ điều kiện đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và chuyển sai phạm sang cơ quan điều tra.

Bị cáo Nhàn đã nhận thức đầy đủ sai phạm tại SCB nhưng lại lợi dụng sai phạm này để gặp bà Trương Mỹ Lan là người đã thao túng toàn bộ hoạt động tại SCB để thông báo cho Trương Mỹ Lan biết tình hình. 

Sau đó, bị cáo Nhàn đã hướng dẫn bị cáo Lan cách thức đối phó và đồng ý không xử lý đối với SCB.

Sau mỗi cuộc gặp, bị cáo Nhàn và Trương Mỹ Lan đều thông báo lại cho Võ Tấn Hoàng Văn được biết. 

Sau đó, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo bị cáo Văn 4 lần đưa tiền cho bị cáo Nhàn với số tiền tổng cộng 5,2 triệu USD. 

Hành vi của bị cáo Nhàn đã cấu thành tội nhận hối lộ.

Mặc dù không thừa nhận đưa tiền cho Võ Tấn Hoàng Văn để hối lộ cho bà Nhàn, nhưng bị cáo Trương Mỹ Lan đã gặp bị cáo Nhàn 2 lần để bàn bạc, tìm cách đối phó. 

Những hành vi bưng bít sai phạm của SCB do bị cáo Nhàn thực hiện là có lợi cho bà Trương Mỹ Lan.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Ai đã nộp 300 tỉ đồng khắc phục hậu quả cho bà Trương Mỹ Lan?Vụ Vạn Thịnh Phát: Ai đã nộp 300 tỉ đồng khắc phục hậu quả cho bà Trương Mỹ Lan?

Đến nay, bà Trương Mỹ Lan và 26 bị cáo khác đã được luật sư bào chữa. Còn lại 59 bị cáo sẽ được bào chữa trong những phiên xử tiếp theo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp