Theo kết quả phân tích độc tố từ Viện Hải dương học, cả hai mẫu vật chứa độc tố tetrodotoxins với độc tính vượt ngưỡng an toàn.
Do mẫu không còn nguyên vẹn nên việc định danh sam hay so dựa vào hình hài gặp khó khăn. Tuy nhiên, kết quả ban đầu gợi ý mẫu thuộc loài so (Carcinoscorpius rotundicauda). Hiện đang thực hiện phân tích DNA để xác định.
Viện Hải dương học cũng đưa ra khuyến nghị sam/so là loài sinh vật cổ có tốc độ sinh trưởng chậm. Máu của sam biển có thể trích xuất chất phát hiện nội độc tố, so biển chứa độc tố chủ yếu là tetrodotoxins và có thể có một lượng nhỏ saxitoxins.
Đây là các chất độc thần kinh, rất độc, tỉ lệ tử vong cao, hiện chưa có thuốc giải độc đặc biệt. Bệnh nhân khi bị ngộ độc cần được hỗ trợ hô hấp và đưa ngay đến trung tâm y tế để chăm sóc kịp thời đến khi độc tố được đào thải.
Đồng thời, Viện Hải dương học cũng khuyến nghị nên cấm sử dụng sam/so làm thực phẩm.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết tính đến ngày 11-2, hai trong ba bệnh nhân trong vụ ngộ độc trên đã xuất viện. Còn bệnh nhân N.V.S. - bệnh nhân nặng nhất - hiện đã tỉnh táo và đang tiếp tục điều trị tại khoa hồi sức tích cực - chống độc.
Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, lúc 21h ngày 4-2, nhân viên cùng chủ một quán ăn khoảng 10 người trên địa bàn thị xã Ninh Hòa hấp hai con sam biển để ăn. Sau khi ăn khoảng 30 phút, ba người có biểu hiện tê đầu lưỡi, tê các ngón tay và nôn. Những người còn lại có biểu hiện nôn ói, choáng nhưng diễn tiến triệu chứng không nặng.
Ba người bị nặng được đưa đến Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa cấp cứu nhưng tiên lượng nặng nên trung tâm chuyển ba bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Trên đường chuyển viện thì ông N.V.S. có biểu hiện ngưng tim, ngưng hô hấp. Ông may mắn được các y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu kịp thời.
Theo nhân viên và chủ quán trên, vì hết khách nên mang sam ra chế biến, thêm vào đó vì trời tối nên không nhận biết được đây là con sam hay con so.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận