BS Nguyễn Trương Khương chẩn đoán viêm xoang mũi qua hình ảnh |
Anh Võ Tuấn M. (quận Tân Phú) kể: “Cầm toa thuốc trên tay bước ra khỏi phòng khám tai mũi họng trong lòng băn khoăn: sao có người bị nghẹt mũi, ngứa mũi, hắc xì sổ mũi thì bác sĩ chẩn đoán là viêm mũi dị ứng, còn mình cũng bị nghẹt mũi, ngứa mũi, hắc xì sổ mũi thì bác sĩ chẩn đoán là viêm mũi vận mạch, toa thuốc thì giống nhau.
Trước đây, mình cũng đi khám nhiều bác sĩ, họ cũng chẩn đoán mình bị viêm mũi dị ứng. Vậy đâu là chẩn đoán đúng ? Mình cần được điều trị như thế nào?”.
Bệnh viêm mũi dị ứng
Theo định nghĩa thì bệnh viêm mũi dị ứng là một tình trạng viêm niêm mạc mũi do phản ứng của globulin miễn dịch E gọi tắt là IgE với dị nguyên hay còn gọi là chất lạ ngoài cơ thể.
Có rất nhiều loại dị nguyên trong môi trường sống, tuy nhiên có thể nên ra có sáu loại dị nguyên thường gặp như: phân của con mạt, bụi nhà, nấm mốc, con gián, lông thú nuôi, phấn hoa và một số thức ăn.
Khi niêm mạc mũi tiếp xúc với các dị ứng nguyên này trực tiếp hoặc qua đường máu phản ứng giữa IgE và dị nguyên sẽ sinh ra chất histamine, chất này sẽ gây ra các triệu chứng điển hình như hắc xì, ngứa mũi, ngứa mắt, ngứa họng, ngứa tai, chảy mũi và nghẹt mũi.
Bệnh viêm mũi dị ứng chiếm khoảng 20% dân số. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi không nhất thiết phải khởi phát ngay từ nhỏ. Ở trẻ em thì bé trai có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn bé gái. Nếu bệnh xuất hiện từ nhỏ thì có xu hướng giảm dần khi lớn lên. Người già thì có tỉ lệ bệnh thấp hơn người trẻ.
Để chẩn đoán chính xác bệnh, người bệnh cần được làm xét nghiệm tiêm các dị nguyên vào dưới da, nếu dị ứng với dị nguyên nào chỗ tiêm dị nguyên đó sẽ nổi mẫn to hơn bình thường.
Sau khi xác định được chính xác dị nguyên gây dị ứng, cách điều trị lý tưởng là tránh tiếp xúc với dị nguyên đó. Nếu không thể tránh được, người ta sẽ điều trị bằng cách tiêm chính các dị ứng nguyên đó và trong cơ thể với một nồng độ rất thấp hằng tuần trong 2-3 năm cho tới khi cơ thể hoàn toàn quen với dị nguyên đó không có phản ứng khi tiếp xúc nữa, coi nhưng bệnh đã được chữa khỏi hoàn toàn.
Tuy nhiên trong thực tế của nước ta hiện nay, việc chẩn đoán và điều trị đúng theo chuẩn này còn gặp nhiều khó khăn. Thông thường, bệnh nhân được chẩn đoán dựa vào bệnh sử có các triệu chứng hắc xì, ngứa mũi, chảy mũi, nghẹt mũi khi tiếp xúc dị nguyên. Việc điều trị là làm giảm các triệu chứng bằng các thuốc kháng histamine, thuốc kháng viêm xịt mũi hoặc thuốc kháng viêm uống để nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh chứ không có thể chấm dứt bệnh hoàn toàn.
Bệnh viêm mũi vận mạch
Bệnh viêm mũi vận mạch hay còn gọi là viêm mũi vô căn vì không tìm được nguyên nhân rõ ràng như bệnh lý viêm mũi dị ứng, các xét nghiệm tiêm dị nguyên dưới da âm tính, xét nghiệm máu tìm IgE âm tính và ngay cả lấy mẫu mô ở niêm mạc mũi là xét nghiệm tế bào học cũng không thấy các tế bào viêm đặc hiệu.
Bệnh viêm mũi vận mạch có điểm chung với bệnh viêm mũi dị ứng là có các triệu chứng giống nhau như hắc xì, ngứa mũi, nghẹt mũi và chảy mũi. Tuy nhiên, trong trường hợp điển hình triệu chứng hắc xì và ngứa mũi ít hơn, triệu chứng nghẹt mũi và chảy mũi nổi trội hơn, đôi khi chỉ chảy mũi là chính, không có hoặc rất ít nghẹt mũi, đôi khi nghẹt mũi là chính không có chảy mũi hoặc chảy mũi rất ít. Nhưng trong thực tế nếu chỉ dựa vào các triệu chứng để chẩn đoán sẽ rất khó chính xác.
Các yếu tố làm khởi phát bệnh viêm mũi vận mạch bao gồm không khí lạnh, vận động, các mùi lạ, khói thuốc lá, rượu, và các tình trạng sinh lý đặc biệt như xúc cảm, khoái cảm tình dục. Có nghiên cứu cho thấy khoảng 20% vận động viên chạy hoặc bơi lội có triệu chứng viêm mũi vận mạch khi vận động tập luyện.
Nhìn chung, điều trị viêm mũi vận mạch cũng sử dụng các thuốc kháng histamine, các loại thuốc kháng viêm xịt mũi như trong điều trị viêm mũi dị ứng. Nhưng trong những trường hợp nghẹt nhiều có thể sử dụng thêm các loại thuốc co mạch chống nghẹt, hoặc trong trường hợp chảy mũi nhiều có thể sử dụng thêm các loại thuốc chống chảy mũi đặc hiệu.
Hoặc trong những trường hợp nghẹt nặng không đáp ứng với sử dụng thuốc có thể phẫu thuật làm giảm thể tích cuống mũi dưới. Hoặc trong trường hợp chảy mũi nặng không đáp ứng với thuốc có thể phẫu thuật cắt dây thần kinh Vidian.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận