05/04/2018 15:50 GMT+7

Viêm gan do thuốc

Nguồn: Hội Gan mật TP Hồ Chí Minh
Nguồn: Hội Gan mật TP Hồ Chí Minh

Viêm gan do thuốc là một vấn đề khá phổ biến hiện nay, với tỷ lệ lên đến 10% trong các phản ứng phụ do thuốc gây ra.

Viêm gan do thuốc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: tapchiyhoc.com.vn

Hầu hết các thuốc dù được dùng bằng đường uống, đường tiêm, xịt hít qua mũi hoặc dán trên da… đều được chuyển hoá tại gan; sau đó sẽ được bài tiết qua mật hoặc nước tiểu. Chính vì vậy, nếu gan bị suy, chức năng chuyển hoá, giải độc và bài tiết các thuốc cũng bị ảnh hưởng. Sự tích tụ thuốc do không được chuyển hoá và giải độc có thể gây ngộ độc thuốc và có khi tấn công vào gan gây viêm gan do thuốc. Việc sử dụng thuốc không đúng cách, lạm dụng thuốc hoặc tự ý uống thuốc là những nguyên nhân chính góp phần làm cho tổn thương gan do thuốc xảy ra ngày càng nhiều.

Thuốc gây tổn thương gan bằng cách nào?

Các thuốc gây tổn thương gan chủ yếu qua 2 cơ chế chính:

Tổn thương gan do phản ứng đặc dị (dị ứng đặc biệt ở từng bệnh nhân): Tổn thương gan là do cơ thể có phản ứng quá mức đối với thuốc, có thể xảy ra ở người này nhưng lại không gặp ở người khác. Cơ chế gây tổn thương gan không liên quan đến liều lượng hoặc thời gian sử dụng thuốc, có khi chỉ cần dùng một liều hoặc một viên thuốc vẫn có thể bị viêm gan. Loại viêm gan do thuốc này không thể biết trước.

Tổn thương gan do quá liều: Có một số thuốc mà người biết chắc là khi dùng liều cao, kéo dài hoặc khi sử dụng chung với một số thuốc khác sẽ gây tương tác thuốc do các thuốc này làm ảnh hưởng đến chức năng chuyển hoá, giải độc của gan, chẳng hạn như thuốc giảm đau hạ nhiệt thường dùng là paracetamol, thuốc kháng lao…

Làm sao biết bị viêm gan do thuốc?

Đa số tổn thương gan do thuốc là cấp tính (diễn tiến dưới 6 tháng), gây hoại tử tế bào gan hoặc ngăn chặn sự bài tiết mật. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị viêm gan mạn tính do không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng lúc ban đầu; đến khi phát hiện, gan đã bị xơ hoá hoặc tổn thương nặng. 

Biểu hiện thông thường của viêm gan do thuốc là mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, sau đó vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu, đôi khi kèm theo triệu chứng phát ban, nổi mẩn ngoài da. Cũng có nhiều bệnh nhân hoàn toàn bình thường, chỉ phát hiện tình cờ khi làm xét nghiệm máu thấy có tăng men gan. Chẩn đoán viêm gan do thuốc là dựa vào việc điều tra loại thuốc nào bệnh nhân đã sử dụng và cần loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây viêm gan.

Những thuốc nào thường gây tổn thương gan?

Thuốc giảm đau nhóm acetaminophen (paracetamol): Đây là loại thuốc thông dụng để giảm đau, hạ sốt. Với liều dưới 4g/ngày, ở người không có bệnh gan, không uống rượu, hiếm khi gây độc cho gan. Viêm gan cấp chỉ xảy ra khi sử dụng liều cao (trên 4g/ ngày) và kéo dài. Đối với người có bệnh gan hay uống rượu,  được khuyến cáo sử dụng không quá 2g/ngày.

Thuốc kháng viêm giảm đau không phải steroid (aspirin, diclofenac, profenic…): Tỷ lệ bệnh nhân bị tổn thương gan do nhóm thuốc này rất thấp nhưng do được sử dụng quá rộng rãi để trị đau nhức khớp cho nên được xếp vào một trong những thuốc chính gây tổn thương gan. Bệnh nhân có bệnh gan, bệnh thận cần phải thận trọng với nhóm thuốc này, không được tự ý uống thuốc mà phải hỏi ý kiến bác sĩ.

Thuốc kháng lao: Các thuốc chữa lao có hiệu lực hiện nay là rifamycin, isoniazide và pyrazinamide  đều là những thuốc thường gây tổn thương gan. 

Thuốc Nam, thuốc Bắc (Thuốc Đông y Trung Quốc): Quan niệm hiện nay của người dân về các loại thuốc Nam, thuốc Bắc hoặc các thực phẩm chức năng chưa thật đúng đắn. Chúng ta thường nghĩ các thuốc Nam, thuốc Bắc có nguồn gốc từ thảo dược, từ thiên nhiên là không phải hoá chất và hoàn toàn vô hại, chỉ có tác dụng trị bệnh và bồi bổ mà không có tác dụng phụ. Điều đó hoàn toàn sai. Thật ra bất kỳ loại thuốc nào, dù đông dược hay tân dược cũng đều có tác dụng phụ. Dùng quá liều, quá lâu, phối hợp các vị thuốc không theo tỷ lệ hợp lý đều có thể gây độc cho gan. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp ngộ độc thuốc Nam, thuốc Bắc gây tổn thương gan nặng thậm chí suy gan cấp có thể dẫn đến tử vong.

Thuốc tẩy giun: Hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều viêm gan do thuốc tẩy giun do sử dụng liều cao, kéo dài không có sự theo dõi của bác sĩ.

Các thuốc khác: Một số kháng sinh, thuốc trị nấm như ketoconazole; thuốc trị tăng mỡ máu; thuốc trị đái tháo đường ; thuốc gây mê và còn nhiều loại thuốc khác nữa…

Điều trị viêm gan do thuốc như thế nào?

Phải ngừng ngay các thuốc nghi ngờ gây độc hại cho gan, kết hợp với điều trị hỗ trợ và chế độ ǎn uống hợp lý mới có thể làm cho bệnh thuyên giảm dần. Tuy nhiên, có một số trường hợp tổn thương gan diễn tiến rất nặng dẫn đến suy gan cấp, gây ảnh hưởng đến tính mạng, cần phải điều trị phức tạp hơn thậm chí là ghép gan mới cứu sống được người bệnh.

Làm thế nào để hạn chế bị viêm gan do thuốc?

Chúng ta không nên tự ý uống thuốc khi không được sự hướng dẫn của các dược sĩ, bác sĩ. Nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng.

Những người đang mang thai hoặc đang cho con bú hoặc có bệnh gan, bệnh thận  luôn luôn phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ một loại thuốc nào kể cả thuốc Nam, thuốc Bắc và thực phẩm chức năng. Phải thận trọng đối với những loại thuốc Bắc, thảo dược đã tán nhuyễn hoặc thuốc tễ vì không biết rõ thành phần của thuốc.

Đối với những loại thuốc có khả năng gây tổn thương gan phải dùng lâu dài như thuốc hạ mỡ máu, thuốc trị đái tháo đường cần có sự theo dõi của các bác sĩ.

Nguồn: Hội Gan mật TP Hồ Chí Minh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp