28/07/2015 12:02 GMT+7

Viêm gan B và C: Bệnh “sát vách” mà không hay!

BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG
BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG

TT - Hằng ngày tại khoa tiêu hóa gan mật, chúng tôi thường xuyên gặp những bệnh nhân bị xơ gan và ung thư gan với nhiều biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, hôn mê gan.

Nguyên nhân chủ yếu do bệnh nhân mắc bệnh viêm gan B hoặc viêm gan C mãn tính nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời.

1 - Viêm gan B và viêm gan C là gì?

Bệnh viêm gan B và viêm gan C là bệnh do hai loại siêu vi trùng (nhỏ bé hơn cả vi trùng thông thường) có tên là virút viêm gan B và virút viêm gan C gây ra. Hai loại virút này chủ yếu lây lan qua đường máu và tấn công lá gan của chúng ta. Viêm gan C không nặng hơn viêm gan B vì "B" và "C" chỉ là tên riêng do các bác sĩ đặt cho hai loại virút này thôi chứ không mang ý nghĩa viêm gan C là giai đoạn sau của viêm gan B.

2 - Tại sao gọi là "sát thủ thầm lặng"?

Tỉ lệ nhiễm bệnh và diễn tiến sang thể mãn tính ở nước ta khá cao, cụ thể:

- Tỉ lệ nhiễm viêm gan B mãn khoảng 10 - 15% dân số.

- Tỉ lệ nhiễm viêm gan C mãn khoảng 3% dân số.

Viêm gan B mãn và viêm gan C mãn là hai nguyên nhân thường gặp dẫn đến xơ gan và ung thư gan ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, và châu Phi.

Bệnh diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu dù là ở thể hoạt động nên bệnh nhân không chú ý đi khám bệnh để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Vì hai loại siêu vi viêm gan này chỉ âm thầm tấn công lá gan chúng ta từ ngày này qua ngày khác để cuối cùng gây xơ gan và ung thư gan nên thường bệnh nhân không bị vàng da vàng mắt. Khi có các triệu chứng như vàng mắt vàng da, bụng to, phù chân, nổi mẩn ở da thì đã ở giai đoạn trễ và việc điều trị thường kém hiệu quả.

3 - Diễn tiến của bệnh:

* Viêm gan B mãn có 3 thể bệnh:

- Thể người lành mang mầm: bệnh nhân thường là trẻ em hoặc người trẻ dưới 30 tuổi, không có triệu chứng, tình cờ phát hiện khi đi kiểm tra sức khỏe tổng quát, khi đi hiến máu, kiểm tra khi mang thai.

- Thể ngủ yên: virút viêm gan B nằm yên, sinh sản kém gần như không tấn công lá gan chúng ta nên chức năng gan cũng còn khá tốt.

- Thể hoạt động: bệnh nhân thường trên 30 tuổi, có thể có triệu chứng mệt mỏi đau tức vùng gan, ăn kém, ngứa, da sậm màu hơn. Tuy nhiên đa số bệnh nhân không có triệu chứng, chỉ tình cờ phát hiện. Virút có thể sinh sản nhiều hay ít nhưng quan trọng là virút tấn công gan chúng ta liên tục nên gây ra những hư hại trong gan.

* Viêm gan C mãn có 2 thể bệnh:

- Thể yên lặng: thường không có triệu chứng. Ở thể này, virút viêm gan C vẫn sinh sản và tấn công gan chúng ta ở mức độ rất thấp nên gan vẫn còn bình thường.

- Thể hoạt động: đa số bệnh nhân không có triệu chứng, tuy nhiên cũng có một số bệnh nhân có những triệu chứng như mệt mỏi, ăn chậm tiêu, tiểu sậm màu. Ở thể này, virút vẫn sinh sản với các mức độ khác nhau và tấn công gan của chúng ta khá nhiều gây hư hại gan đáng kể.

4 - Làm gì với "sát thủ thầm lặng" này?

Dù không có triệu chứng gì chúng ta vẫn nên đi khám sức khỏe định kỳ để được xét nghiệm kiểm tra có bị viêm gan B, viêm gan C nhằm phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm.

Nếu chưa nhiễm bệnh, chúng ta sẽ có biện pháp phòng ngừa thích hợp, trong đó quan trọng là chủng ngừa viêm gan B.

Còn nếu chẳng may phát hiện bệnh, bệnh nhân nên tư vấn với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa gan mật để được xác định chính xác thể bệnh nhằm có chế độ theo dõi và điều trị thuốc phù hợp, đúng thời điểm, tránh diễn tiến thành xơ gan và ung thư gan về sau.

BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp