17/03/2017 13:00 GMT+7

​Viêm Amiđan – những điều cần biết

Nguồn: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Đồng Nai
Nguồn: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Đồng Nai

Viêm Amiđan là một trong những bệnh thường gặp do nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.

 

Do Amiđan nằm ở ngã ba đường ăn và đường thở, là nơi tiếp xúc đầu tiên với các loại vi khuẩn, virus có mặt trong thức ăn và không khí khi hít vào, vì vậy rất dễ bị viêm nhiễm. Bất kỳ ai cũng có thể bị viêm Amiđan nhưng phổ biến nhất vẫn là trẻ em. Do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện như người lớn nên trẻ dễ bị nhiễm khuẩn hơn.

Amiđan là gì?

Amiđan là khối mô, có hình bầu dục, to bằng khoảng đầu ngón tay cái, có vị trí ở thành bên của họng và phía sau lưỡi. Khi sinh ra ai cũng có Amiđan và V.A, nhưng nếu không bị viêm thì lớn lên Amiđan sẽ nhỏ dần. Người ta thường ví Amiđan như 2 người lính gác ở ngã ba đường ăn và đường thở.

Khi Amiđan không bị viêm, có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể bằng cách sản xuất ra các "kháng thể" chống vi khuẩn. Nhưng khi bản thân Amiđan bị viêm thì không làm được nhiệm vụ đó mà trở thành một "ổ nhiễm" ảnh hưởng tới khắp cơ thể để gây bệnh.

Nguyên nhân gây viêm Amidan?

Viêm Amiđan là tình trạng viêm, xung huyết của Amiđan. Nguyên nhân thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Vi khuẩn gây bệnh thường gặp là liên cầu, tụ cầu, đặc biệt là liên cầu tan huyết beta nhóm A rất nguy hiểm có thể gây ra nhiều biến chứng như áp-xe quanh Amiđan, thận, khớp, tim, nhiễm trùng huyết... Virus thì do một số virus gây bệnh cúm, bệnh sởi, virus gây bệnh viêm mũi họng thông thường.

Vi khuẩn, virus thường có sẵn trong đường mũi họng của cơ thể con người. Khi cơ thể bị nhiễm lạnh hoặc suy yếu thì vi khuẩn đó có thể trở thành vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, còn một số yếu tố thuận lợi dễ gây bệnh như là do lạnh, do thời tiết thay đổi đột ngột; do cơ địa; do đặc điểm cấu trúc giải phẫu của Amiđan: có nhiều khe, kẻ, hốc, ngách là nơi ẩn náu và phát triển của vi khuẩn.

Các dấu hiệu của viêm Amiđan?

Nhiều dấu hiệu của viêm Amiđan khá giống với các bệnh tai mũi họng khác nên dễ bị nhầm lẫn, vì vậy các bà mẹ khi thấy trẻ có những biểu hiện đau tai, sốt, đau đầu, khi há miệng thì có thể nhìn thấy hai bên họng của trẻ bị sưng đỏ, hơi thở thường có mùi hôi, ho về đêm, ho khan kéo dài, khó ăn, nuốt vướng, trẻ luôn có cảm giác vướng mắc như có dị vật ở họng hoặc nhói đau khi nuốt.

Khi đó cần đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa để khám và làm các xét nghiệm cần thiết nhằm xác định đúng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

Có nên cắt Amidan hay không?

Không nên cắt Amiđan bừa bãi vì Amiđan là cơ quan bảo vệ của cơ thể, là một phần của hệ thống đề kháng của cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi trùng, do đó chỉ nên cắt Amiđan khi: viêm Amiđan tái đi tái lại trên 6 lần/năm; Amiđan quá to ảnh hưởng đến nuốt, nói…; Amiđan gây ra biến chứng; Amiđan to gây ảnh hưởng xấu đến đường thở.

Tuổi nào và thời điểm nào trong năm cắt Amiđan là tốt nhất?

Về nguyên tắc có thể cắt Amiđan ở bất kỳ tuổi nào và bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, qua những nghiên cứu gần đây của các chuyên gia Châu Âu và Bắc Mỹ khuyến cáo, hạn chế tối đa chỉ định cắt Amiđan cho trẻ từ 4 tuổi trở xuống và người lớn trên 60 tuổi, đối với các tuổi này phải hết sức cân nhắc về chỉ định mổ. Vì qua thống kê, biến chứng và rủi ro khi phẫu thuật Amiđan cho trẻ và người có tuổi cao hơn nhiều so với các lứa tuổi khác.

Về thời điểm cắt, trong điều kiện khí hậu nước ta thì miền Bắc nên hạn chế cắt Amiđan vào lúc thời tiết chuyển từ nắng ấm sang gió lạnh, vì ở lúc giao thời này cơ thể chưa kịp thích nghi, dễ bị viêm hô hấp cấp. Còn ở miền Nam, cần cẩn trọng ở thời điểm bùng phát dịch sốt xuất huyết, thường là lúc chuyển sang mùa mưa.

Làm thế nào để ngừa viêm Amiđan?

Cách phòng ngừa viêm Amiđan và tránh tái phát cần:

- Nâng cao thể trạng bằng cách tăng cường rèn luyện thân thể.

- Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, nhiều hoa quả, vitamin C để nâng cao sức khoẻ, tăng cường sức đề kháng.

- Vào thời tiết chuyển mùa, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh. Không nên để trẻ ở trong phòng có máy điều hòa nhiệt độ với nhiệt độ quá thấp, nhiệt độ máy điều hòa phù hợp đối với trẻ là 25 độ C – 28 độ C. Hạn chế để trẻ ra vào phòng lạnh đột ngột, nhất là khi nhiệt độ ngoài môi trường cao.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là cách tốt nhất để phòng các lọai bệnh truyền nhiễm, kể cả viêm Amidan.

- Xử trí kịp thời và đúng cách nếu đã bị viêm Amiđan để tránh các biến chứng.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Đồng Nai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp