Hai cô Lê (giữa) và Nghê may mắn thoát khỏi “địa ngục” lừa đảo ở Campuchia - Ảnh: TRẦN MAI
Xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi, nơi Hồ Thị Lê (21 tuổi) sinh sống là "nóc nhà" của Quảng Ngãi với đỉnh Cà Đam hùng vĩ.
Cuộc sống yên bình của Lê chỉ mất đi khi sập bẫy rồi trở thành "món hàng" bán sang Campuchia. "Đó là những ngày tháng kinh hoàng nhất của đời tôi", cô nói nghẹn.
Cú lừa sơn nữ
Chúng tôi theo Công an huyện Trà Bồng lên "nóc nhà" Quảng Ngãi, con đường vốn đã nhỏ bé lại càng khó đi hơn khi những trận mưa rừng xối xuống phá lối đi. Miền sơn cước lạnh căm, Hồ Thị Lê ngồi co ro trong nhà. Từ khi thoát khỏi "địa ngục" ở Campuchia, cô sợ hãi, chưa bước ra khỏi làng.
Cũng giống như bao gia đình đồng bào Cor, cuộc sống nhà Lê rất khó khăn. Bỏ học từ sớm, cô rời núi đi làm công nhân tại Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi.
Kiếm được tiền nơi phố thị, Lê đã nghĩ đến những điều tốt đẹp. Tháng 3, một người bạn quen trên Facebook hỏi thăm rồi rủ cô vào công ty gỗ ở Bình Dương làm việc với mức lương cao.
Chưa va chạm nhiều với thế giới bên ngoài, cô chỉ so sánh mức lương đang có và lập tức nhận lời.
Cô trở về làng rủ thêm cô gái Hồ Thị Nghê mới 16 tuổi cùng đi. Cả hai không biết đó cái bẫy, cuộc sống như nô lệ đang chờ ở Campuchia.
"Hôm đi, người bạn kia báo bị bệnh, bảo tôi và Nghê vào Bình Dương trước. Và cung cấp địa chỉ, đến nơi sẽ có người đón đưa đi làm việc", cô kể.
Hai cô gái chốn núi rừng khó khăn lắm mới đến điểm hẹn. Ở đó một chiếc xe chờ sẵn, đưa cả hai lên TP.HCM đón thêm bốn người nữa. Cứ nghĩ "gom người" đưa đến công ty gỗ, nào ngờ tất cả được chở lên Tây Ninh.
Lúc này, Lê lo lắng, tính gọi điện cho bạn nhưng một nhóm đàn ông bặm trợn đã giam lỏng họ tại một nhà nghỉ. Rồi sáu người bị đưa lên biên giới sang Campuchia. "Ba người được cơ quan chức năng phát hiện cứu kịp. Còn tôi, Nghê và một bạn khác không thoát được", cô kể.
App lừa đảo người đánh bài qua mạng ở Campuchia
Nguyên nhân lớn nhất của các vụ việc này là do lớp trẻ tiếp cận mạng xã hội nhưng lại thiếu hiểu biết về các nguy cơ, hành vi lừa đảo.
ông Hồ Xuân Đạt
Những ngày "địa ngục"
Qua khỏi biên giới, Lê và Nghê bị đưa vào một khu nhà được bảo vệ nghiêm ngặt, bờ rào là bức tường cao với thép gai được cài điện.
Sau đó, người "huấn luyện" đến hướng dẫn cách lừa đảo. Cô và Nghê tính "nghỉ việc" nhưng khi thấy một người đang ngồi trước máy tính bị đánh đập dã man, cả hai câm lặng.
Nỗi sợ là hành trang Lê bước vào công việc. Sim điện thoại, giấy tờ tùy thân đều bị tịch thu. "Mỗi nhóm ba người sẽ thay nhau dụ dỗ các nạn nhân là người Việt kiếm tiền bằng xem TikTok.
Sau đó dụ dỗ chuyển tiền vào tài khoản. Tôi làm việc từ 9h sáng đến tận 21h tối và phải lừa được 30 triệu đồng/ngày. Nếu không lừa đủ sẽ tăng ca đến nửa đêm.
Vẫn không đủ sẽ bị nhốt, đánh đập, cho ăn đồ sống trộn lẫn với nhau", cô kể.
Mỗi người ngồi trước máy tính để sát nhau và... lừa. Nhóm bảo kê quan sát 24/24, ai trò chuyện, nhắn tin bị phát hiện nhẹ thì phạt tiền, nặng bị đánh đập.
Làm việc một thời gian, Lê xin được sim điện thoại từ một người Campuchia và liên lạc với người thân để cầu cứu. Một lần sơ hở, cô bị nhóm bảo kê phát hiện.
"Họ nhốt tôi vào phòng kín, còng tay, đánh đập, bỏ đói bốn ngày để tra khảo tôi liên lạc với ai, nói gì. Tôi van xin nhưng họ vẫn đánh đập, và nói sẽ bán tôi đi "làm gái"" - cô bật khóc, tay ôm lấy mặt, kể lại.
Phải một lúc lâu Lê mới trấn tĩnh, cô kể mỗi tháng làm đủ chỉ tiêu sẽ được trả 10 triệu đồng. Nhưng số tiền ấy phải trả cho "ông chủ".
"Ông ta nói đã mua tôi từ giang hồ với giá 1.800 USD. Nếu muốn chuộc thân, gia đình phải chuyển 50 triệu đồng. Mấy ngày sau, tiền chuộc thân là 150 triệu đồng. Hai người làm cùng cũng như vậy", cô nhớ lại.
Mấy tháng sau, Lê bị bán cho ổ lừa đảo khác với giá 3.000 USD, công việc vẫn vậy nhưng chỉ tiêu lên đến 1,5 tỉ đồng/tháng/nhóm. Lừa đủ thì được nhận 24 triệu đồng/người, không đủ họ sẽ bị đánh đập.
"Chúng tôi không dám chống đối. Thật sự đó là một địa ngục", cô ôm mặt khóc.
Đường vào làng Lê và Nghê sinh sống rất khó khăn, bà con dễ bị dụ “việc nhẹ lương cao”. Các chiến sĩ công an phải liên tục đi tuyên truyền cảnh giác - Ảnh: TRẦN MAI
Tháo chạy
Không chịu nổi cảnh trở thành món hàng, bị ép làm chuyện phi pháp và liên tục bị đánh đập, mấy chục người Việt bị lừa bán sang Campuchia bàn tính "vượt ngục". Khuya 28-10, canh lúc bảo vệ mở cửa cho xe vào, tất cả lao ra cổng. Họ dùng vỏ chai bia để chống trả đội bảo kê truy đuổi.
"Chúng tôi chia đôi, một nhóm chạy về hướng cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Nhóm có tôi chạy về hướng cửa khẩu Tho Mo (Long An). Khi nhìn thấy cờ Việt Nam, ai cũng mừng.
Nhưng chúng tôi vẫn sợ bị bắt lại nên tiếp tục chạy. Đến 3h sáng cả nhóm bắt xe về Sài Gòn. Tôi không biết nhóm chạy hướng ngược lại có may mắn như tôi không", Lê chùng giọng kể.
Về đến TP.HCM, Lê vẫn đi chân đất, quần áo rách tả tơi vì vướng cây dại lúc chạy trốn. Một người trong nhóm đã cho cô ít tiền mua quần áo. 16h ngày 29-10, cô đón xe về Quảng Ngãi.
"Trưa 30-10, tôi đến bến xe Quảng Ngãi rồi đón xe buýt về nhà. Về làng, tôi mới thôi sợ. Ở làng mọi người sẽ bảo vệ tôi", Lê tâm tình.
Riêng cô gái trẻ Hồ Thị Nghê may mắn hơn một chút, cô không bị mua đi bán lại mà làm ở một nơi. Nhờ sự truy quét mạnh tay của chính quyền Campuchia, cô và nhiều người Việt Nam được thả về nước. Cả buổi trò chuyện, cô gái mới 16 tuổi chỉ im lặng sau cú sốc đầu đời. "Em sợ lắm", Nghê nói.
Ông Hồ Xuân Đạt, trưởng Công an xã Trà Bùi, cho biết trong thời gian qua đơn vị thường xuyên tuyên truyền cho người dân, nhất là lớp trẻ, để nâng cao nhận thức, không nên tin những lời dụ dỗ "việc nhẹ lương cao".
Muốn tìm kiếm công việc hãy đến những cơ quan nhà nước có nhiệm vụ tuyển dụng lao động ở các công ty, xí nghiệp.
"Nguyên nhân lớn nhất của các vụ việc này là do lớp trẻ tiếp cận mạng xã hội nhưng lại thiếu hiểu biết về các nguy cơ, hành vi lừa đảo. Đối với hai nạn nhân bị lừa bán qua Campuchia vừa trở về, chúng tôi đã kiểm tra giấy tờ tùy thân và sẽ tạo điều kiện để các em tìm kiếm việc làm phù hợp, gần với gia đình", ông Đạt nói.
Hai cô gái trẻ may mắn trở về, cả làng ai cũng mừng. "Việc nhẹ lương cao" ở xứ người trở thành nỗi sợ hãi giữa chốn núi rừng. Mong rằng không còn ai sa chân.
Qua tận Campuchia cứu con
Tại Quảng Ngãi, Lê và Nghê không phải là nạn nhân duy nhất. Hồi tháng 3, N.V.L. (24 tuổi, huyện Minh Long), đọc tin qua Campuchia làm việc với mức lương 20 triệu đồng/tháng trên mạng xã hội đã chủ động liên lạc với người đăng tin và bị lừa bán.
Gia đình phải chạy vạy mượn 99 triệu đồng chuyển cho bọn buôn người để chuộc L.. Nhưng sau đó, L. không được thả về mà tiếp tục bị bán cho ổ lừa đảo khác. Được người quen hướng dẫn, cha L. qua tận Campuchia trình báo với cơ quan chức năng nước bạn mới cứu được con.
Theo Công an tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua nhiều thanh thiếu niên sập bẫy "việc nhẹ lương cao" bị lừa bán sang Campuchia.
Ngày 15-11, Phòng an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố bị can Huỳnh Thanh Tú (30 tuổi, ngụ phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) để điều tra về tội "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài".
Tú dùng bẫy "việc nhẹ lương cao" dụ dỗ nhiều người sang Campuchia làm việc cho các tổ chức lừa đảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận