Chứng khoán mang lại nhiều tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế Mỹ. Trong ảnh: một phụ nữ bước qua Phố Wall ở New York ngày 2-9 - Ảnh: AFP
Cụ thể hơn, số liệu của Cục Thống kê lao động Mỹ công bố ngày 4-9 (giờ Mỹ) cho biết trong tháng 8, Mỹ có thêm 1,4 triệu việc làm, đưa tỉ lệ thất nghiệp xuống chỉ còn một chữ số (8,4%).
Trước đó, trong tháng 7 vẫn còn 10,2% người Mỹ thất nghiệp, tương đương 13,6 triệu lao động không có việc làm. Theo Hãng tin Reuters, mức giảm này gây đôi chút bất ngờ với các nhà kinh tế học vì thấp hơn so với mức dự đoán 9,8% của họ.
Chưa ổn định
Bất kể tỉ lệ thống kê tích cực, nhìn vào số liệu tăng trưởng việc làm thực tế đã chậm dần kể từ tháng 6 năm nay, giới quan sát cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy nước Mỹ có thể sẽ phải trải qua giai đoạn phục hồi sau suy thoái kéo dài và rất gian nan.
Bởi theo Đài NPR, bất chấp 4 tháng liên tiếp giảm tỉ lệ thất nghiệp, cho tới nay tổng số việc làm được khôi phục vẫn chưa bằng một nửa trong số 22 triệu việc làm đã bị mất vì đại dịch COVID-19.
Tính tới giữa tháng 8, hơn 29 triệu người Mỹ vẫn phải nhận trợ cấp thất nghiệp, trong đó có cả những người lao động thời vụ và những người tự kinh doanh vì không được tính vào số lao động hưởng lương hằng tháng.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thuộc trang tin Quartz chuyên về kinh tế - tài chính, đại dịch đã và đang đẩy các số liệu tài chính của Mỹ theo chiều hướng cực đoan.
Trước hết và đáng kể nhất là việc lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến 2 (sau 1946), nợ công của Chính phủ Mỹ sẽ vọt lên mức cao kỷ lục và vượt quá 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ trong tài khóa bắt đầu từ ngày 1-10.
Điều này cũng có nghĩa Mỹ sẽ gia nhập nhóm các nước có mức nợ công vượt quá quy mô nền kinh tế như Nhật, Ý và Hi Lạp, theo báo Wall Street Journal.
Văn phòng ngân sách Quốc hội (CBO) Mỹ cũng vừa công bố hôm 2-9: tới cuối năm 2020, số nợ công của Mỹ lên tới 98% GDP nước này.
Không khó để nhận ra các nguyên nhân. Đó là các khoản chi ngân sách rất lớn giải cứu nền kinh tế trong đại dịch COVID-19, cùng với GDP và nguồn thu từ thuế giảm mạnh vì dịch bệnh.
Quốc hội Mỹ tới nay đã duyệt chi gần 3.000 tỉ USD để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động nhưng vẫn cần chi tiêu thêm để hỗ trợ người dân và cứu doanh nghiệp. Trong tháng 5, chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Jerome Powell từng nói việc chi tiêu ngân sách dẫu tốn kém nhưng là cần thiết để tránh các tổn thất kinh tế kéo dài và giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn.
Dù đã giảm liên tục trong 4 tháng qua song số người thất nghiệp ở Mỹ vẫn ở mức đáng lo ngại. Đó là lý do vì sao hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn đang đàm phán về kế hoạch chi tiêu thêm từ 1.300 - 2.200 tỉ USD để hỗ trợ người lao động, các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Tín hiệu khởi sắc từ thị trường việc làm cho tới nay vẫn chậm và chưa ổn định. Bất kể số người xin hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm, số người tìm được việc làm mới trồi sụt cho thấy nền kinh tế còn phải khá lâu nữa mới đi vào giai đoạn phục hồi ổn định.
"Mặt trận nóng" của bầu cử
Báo cáo thống kê mới nhất của Cục Thống kê lao động Mỹ trở thành luận điểm tranh cử được nhìn từ hai phía rất khác nhau của hai ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ.
Trong khi Tổng thống Donald Trump coi tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm xuống một chữ số là "điểm cộng" khiến ông là lựa chọn tốt hơn với cử tri Mỹ, thì ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden lại xoáy vào chuyện số việc làm tăng lên ít hơn và khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm sắc tộc nêu trong báo cáo (người da trắng tìm được việc nhiều hơn người da màu) để chỉ trích năng lực điều hành kinh tế của đương kim tổng thống.
Trong khi ông Trump tweet ngay để ca ngợi "những số liệu việc làm tuyệt vời!" thì ông Biden cho rằng "nỗi đau kinh tế vẫn chưa nguôi với hàng triệu lao động thuộc mọi sắc tộc và tầng lớp, những người vẫn chưa nhận được sự cứu trợ họ cần".
Về mặt lịch sử, theo Hãng tin Reuters, các ứng cử viên là đương kim tổng thống sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi tái tranh cử nếu nền kinh tế suy yếu. Đại dịch COVID-19 đã khiến kinh tế Mỹ trải qua một quý tồi tệ nhất trong lịch sử kinh tế nước này, nhưng một sự phục hồi mạnh mẽ có thể bù đắp lại. Cho tới trước ngày bầu cử Mỹ 3-11 năm nay vẫn sẽ còn có thêm một báo cáo thống kê việc làm định kỳ nữa được công bố.
Nhà kinh tế học Ann Elizabeth Konkel thuộc trang web việc làm Indeed.com của Mỹ cho rằng chỉ khi nào dịch bệnh được kiểm soát mới mong kinh tế Mỹ phục hồi hoàn toàn.
Mỹ là nước bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nề nhất thế giới với hơn 6,38 triệu ca bệnh tính tới ngày 5-9 (giờ Việt Nam), trong đó có hơn 192.000 người đã chết, theo số liệu của trang thống kê Worldometers.
Lạc quan hơn với chứng khoán
Bất kể nước Mỹ còn nhiều lo lắng về kinh tế trong bối cảnh đại dịch chưa thể kiểm soát, thị trường chứng khoán vẫn phản ánh những tín hiệu lạc quan nhất định. Theo Hãng tin Quartz, chỉ số S&P 500 Index gồm 500 doanh nghiệp lớn ở Mỹ đã có 22 lần chốt phiên ở mức điểm kỷ lục trong năm nay.
Giới quan sát chứng khoán cho rằng nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào khả năng dịch bệnh sẽ qua và các công ty sẽ sớm mang lại lợi nhuận như từng xảy ra trong các biến cố đại dịch trước đây. Tuy nhiên, họ cũng trông đợi sự hỗ trợ khổng lồ của chính phủ sẽ giúp nền kinh tế mau chóng vượt qua khủng hoảng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận