Luật sư giải đáp: Có được thuê xe cấp cứu để đi lại, quảng bá sự kiện không?
Xe cứu thương được ưu tiên trên đường để phục vụ cấp cứu, nhưng vừa qua đã có trường hợp thuê xe cấp cứu để quảng bá cho một sự kiện. Luật sư Phùng Anh Chuyên đã có những phân tích về vấn đề này dưới góc độ pháp lý.
1. Có được thuê xe cứu thương cho mục đích khác ngoài chở bệnh nhân?
Khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Thông tư 27/2017/TT-BYT của Bộ Y Tế quy định về Sử dụng xe ô tô cứu thương có quy định như sau:
"Điều 3. Sử dụng xe ô tô cứu thương
1. Xe ô tô cứu thương chỉ được sử dụng cho các mục đích sau đây:
a) Chở người bệnh cấp cứu hoặc đi đón người bệnh cấp cứu;
b) Chở thầy thuốc, nhân viên y tế, thuốc, thiết bị y tế phục vụ cấp cứu thảm họa, cấp cứu tai nạn giao thông và các nhu cầu cấp thiết khác của hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh.
2. Không được sử dụng xe ô tô cứu thương ngoài mục đích quy định tại Khoản 1 Điều này…".
Theo quy định trên thì xe ô tô cứu thương chỉ được sử dụng cho các mục đích sau:
- Chở người bệnh cấp cứu hoặc đi đón người bệnh cấp cứu;
- Chở thầy thuốc, nhân viên y tế, thuốc, thiết bị y tế phục vụ cấp cứu thảm họa, cấp cứu tai nạn giao thông và các nhu cầu cấp thiết khác của hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh.
Do đó xe ô tô cứu thương không được sử dụng cho mục đích khác ngoài các trường hợp đã nêu tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 27/2017/TT-BYT.
2. Việc bật tín hiệu ưu tiên khi không chở bệnh nhân hoặc không trong tình huống khẩn cấp có vi phạm pháp luật?
Khoản 3 Điều 3 Thông tư 27/2017/TT-BYT của Bộ Y Tế quy định về Sử dụng xe ô tô cứu thương có quy định như sau:
"Điều 3. Sử dụng xe ô tô cứu thương
…
3. Xe ô tô cứu thương chỉ được sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên khi có giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên do cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và khi đang thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ…".
Theo đó, xe ô tô cứu thương chỉ được sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Có giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên do cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực;
- Khi đang thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.
Khoản 1 Điều 27 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có quy định về Xe ưu tiên như sau:
"Điều 27. Xe ưu tiên
1. Xe ưu tiên gồm xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy; xe của lực lượng quân sự, công an và kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; đoàn xe có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường; xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê đi làm nhiệm vụ; xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đoàn xe tang…".
Khoản 24 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có quy định về Các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
"Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm
…
24. Sử dụng quyền của xe ưu tiên khi không thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định của pháp luật…".
Như vậy, xe ô tô cứu thương chỉ được sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên khi đang thực hiện nhiệm vụ theo quy định. Do đó, khi xe ô tô cứu thương sử dụng tín hiệu ưu tiên trong trường hợp không làm nhiệm vụ cấp cứu là hành vi vi phạm pháp luật.
3. Quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm sử dụng xe cứu thương không đúng mục đích
Việc xe ô tô cứu thương sử dụng tín hiệu ưu tiên trong trường hợp không làm nhiệm vụ cấp cứu sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật. Cụ thể, điểm h khoản 4 Điều 6 Nghị định 168/2024 có quy định như sau:
"Điều 6. Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
…
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
…
h) Xe được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định hoặc sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không còn giá trị sử dụng theo quy định;…".
Như vậy, hành vi nêu trên có thể bị xử lý theo Nghị định 168/2024 về việc xe được quyền ưu tiên sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định. Căn cứ điểm h khoản 4 Điều 6 Nghị định 168/2024, người điều khiển xe ô tô cứu thương có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Xem thêm: Dự kiến có 11 tỉnh thành được giữ nguyên, 52 tỉnh thành còn lại sẽ sáp nhập
Xem thêm: 8 điểm mới trong quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 mà phụ huynh và học sinh cần biết sớm
Xem thêm: Đã có hướng dẫn nhận trợ cấp hàng tháng cho người không có lương hưu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận