Cơ chế quản lý giá và xây dựng hệ thống bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam
Hiện nay, hệ thống bán buôn và bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam đang ngày càng phát triển, với sự gia tăng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội phát triển, hệ thống này vẫn đối mặt với nhiều thách thức.
Thực tế cho thấy, hệ thống bán buôn dược phẩm chủ yếu do các công ty phân phối lớn điều hành. Những công ty này có nhiệm vụ nhập khẩu, phân phối các sản phẩm dược phẩm từ các nhà sản xuất trong và ngoài nước. Các công ty dược phẩm lớn chiếm lĩnh thị trường nhờ mạng lưới phân phối rộng rãi. Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự cạnh tranh gay gắt với các nhà phân phối nhỏ lẻ.
Đối với hệ thống bán lẻ dược phẩm gồm các nhà thuốc tư nhân, chuỗi nhà thuốc … đang mở rộng nhanh chóng với mô hình bán lẻ hiện đại, tiện ích, dịch vụ khuyến mãi chăm sóc khách hàng tốt. Trong khi các chuỗi nhà thuốc lớn có xu hướng tăng về số lượng, thì các nhà thuốc nhỏ lẻ vẫn đóng vai trò quan trọng ở các khu vực nông thôn và ngoại thành, nơi các chuỗi chưa phủ sóng rộng rãi.
Theo thông kê, hiện thị trường có trên 60.000 cơ sở bán lẻ thuốc đang cạnh tranh về giá. Quy định quản lý giá thuốc cần cơ chế đặc thù so với các ngành khác do số lượng mặt hàng rất lớn, cơ cấu giá phức tạp và nhiều yếu tố biến động, hệ thống phân phối.
Vấn đề đặt ra là: cần định hướng thuốc nào cần ưu tiên, thuốc nào cần hạn chế cấp số đăng ký, đồng thời sử dụng hàng rào kỹ thuật, thẩm định điều kiện sản xuất thực tế bằng các tổ chức chuyên nghiệp … Ưu tiên sản xuất trong nước nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp dược tên tuổi trong nước đã bị vốn ngoại thôn tính, dẫn đến hệ lụy về mất an ninh dược phẩm.
Để phát triển công nghiệp dược, thiết nghĩ cần cải thiện quy trình thủ tục cấp số đăng ký thuốc, xem xét gốc rễ là tình trạng cấp số đăng ký không định hướng, chỉ xét trên hồ sơ, dẫn đến quá tải, chậm cập nhật thuốc mới. Song đó phải giải quyết tình trạng mua bán lòng vòng qua nhiều tầng nấc trung gian dẫn đến tăng giá thuốc.
Tình trạng thiếu thuốc cục bộ, đi khám BHYT nhưng phải ra ngoài mua thuốc, thiếu thuốc hiếm cũng là bài toán cần lời giải. Tại TP.HCM, hiện nay vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm. Trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc tại các bệnh viện, đối với thuốc hóa dược, với một hoạt chất có thể mua sắm tối đa được 6 nhóm thuốc. Tuy vậy, trong thực tế đấu thầu thường lựa chọn được từ 2-3 nhóm thuốc nên trong trường hợp này dễ có nguy cơ thiếu thuốc nếu bị gián đoạn cung ứng. Việc thiếu thuốc cục bộ còn rơi vào những trường hợp có sự gia tăng lớn số lượng bệnh nhân, nhất là giai đoạn sau dịch bệnh vì công tác dự báo, dự trữ thuốc chưa kịp thời.
Như vậy, có thể nhận thấy rằng hệ thống bán buôn và bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam đang trong quá trình phát triển và hiện đại hóa. Tuy nhiên, cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn trong quản lý chất lượng và tuân thủ quy định để đảm bảo an toàn và lợi ích cho người tiêu dùng. Nhiều vấn đề mang tính cơ chế, công tác quản lý, thực tiễn thị trường cần được nhìn nhận từ nhiều chiều, phân tích từ nhiều khía cạnh, gợi lên những vấn đề cần thảo luận để hành thành và áp dụng những giải pháp căn cơ nhằm xây dựng hiện đại, hiệu quả hệ thống bán buôn, bán lẻ dược phẩm hiện nay tại Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận