Chế độ thai sản mới 2025: Tăng ngày nghỉ, thêm trợ cấp và hàng loạt quyền lợi mẹ bầu nên biết
Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2025. Đáng chú ý là chế độ thai sản mới dành cho người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Cụ thể như sau:
1. Mở rộng đối tượng hưởng chế độ thai sản mới
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 bổ sung nhiều nhóm đối tượng được hưởng chế độ thai sản, bao gồm:
- Viên chức quốc phòng.
- Các chức danh quản lý tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, hợp tác xã.
- Người làm việc theo hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên nhưng làm việc không trọn thời gian.
- Chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh.
- Vợ/chồng của cán bộ ngoại giao đi công tác nhiệm kỳ.
- Lao động nước ngoài có hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên, trừ một số trường hợp đặc biệt.
2. Điều kiện hưởng chế độ thai sản mới
Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung 2 trường hợp được hưởng chế độ thai sản gồm:
- Lao động nữ mang thai hộ đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải đóng BHXH bắt buộc từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con mới được hưởng chế độ thai sản.
- Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh.
3. Tăng số ngày nghỉ việc để đi khám thai
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (hiện hành) quy định lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
Từ 1-7-2025 khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực, lao động nữ mang thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để đi khám thai tối đa 05 lần, mỗi lần không quá 02 ngày trong mọi trường hợp (Theo điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội 2024).
4. Lao động nữ phá thai sẽ được hưởng chế độ thai sản trong mọi trường hợp
Từ 1-7-2025 sẽ áp dụng chế độ thai sản cho mọi trường hợp phá thai, bao gồm phá thai bệnh lý và phá thai ngoài ý muốn. Hiện nay, chỉ có trường hợp phá thai bệnh lý mới được hưởng chế độ thai sản theo quy định (Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2024).
5. Điều chỉnh thời gian nghỉ thai sản khi thai gặp vấn đề
Luật mới thay đổi số tuần tuổi của thai để tính thời gian nghỉ hưởng chế độ (Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2024):
- Nghỉ 40 ngày nếu thai từ 13 đến dưới 22 tuần tuổi (trước đây là dưới 25 tuần tuổi).
- Nghỉ 50 ngày nếu thai từ 22 tuần tuổi trở lên (trước đây là từ 25 tuần tuổi).
6. Điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thai sản
Trước 1-7-2025, mức trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con nuôi được tính theo mức lương cơ sở.
Từ ngày 1-7-2025, mức này sẽ tính theo mức tham chiếu mới:
- Mức trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con nuôi = 2 x Mức tham chiếu (Căn cứ theo Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội 2024).
- Mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản = 30% x Mức tham chiếu (Căn cứ theo Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024).
Xem thêm: Nghị định 168: Dừng xe nghe điện thoại, kiểm tra tin nhắn có bị phạt?
Xem thêm: Kỳ thi đánh giá năng lực 2025: Cập nhật lịch thi, địa điểm thi, đề minh họa,...
Xem thêm: Cố ý giấu bằng lái xe khi vi phạm giao thông có thể bị phạt thêm đến 30 triệu?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận