Bị nhìn đểu, khiêu khích và những quy định của pháp luật?
Trong cuộc sống không ít lần chúng ta gặp phải những tình huống không kiềm chế được cảm xúc bản thân. Vậy với những trường hợp bị kích động như cho rằng người khác nhìn đểu, khiêu khích dẫn đến đánh nhau có được coi là tự vệ?
Cụ thể, luật sư Đinh Bá Trung cho rằng, dù sẽ có những lúc bản thân nóng tính, cho rằng mình bị khiêu khích trước tuy nhiên những hành động đó mang tính chất cảm quan và không chính đáng nên bất kì một tác động vật lý nào cũng sẽ có thể gây nguy hiểm và khả năng dẫn đến vi phạm pháp luật là rất cao. Mỗi người có quyền tự do ý chí, hành động và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành động của mình.
Về việc bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của của con người, pháp luật Việt Nam quy định như sau:
Khoản 1, Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: "1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm."
Khoản 1, Điều 33 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "1. Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật."
Về mặt trật tự công cộng, mỗi cá nhân, tổ chức có quyền sinh sống, làm việc, hoạt động trong khuôn khổ do pháp luật quy định, không được xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của các chủ thể khác, trong đó có việc gây rối trật tự công cộng.
Do đó, nếu xảy ra việc đánh nhau thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm của từng trường hợp cụ thể, việc đánh nhau có khả năng được xử lý như sau:
- Quy định về xử phạt hành chính: lỗi vi phạm quy định về trật tự công cộng (Khoản 5, Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về việc quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình)
- Quy định về xử lý hình sự: có khả năng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có thể bị xét xử ở các tội sau
+ Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017);
+ Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 135 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017);
+ Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ngoài ra, người vi phạm có thể phải chịu trách nhiềm bồi thường thiệt hại về dân sự (chi phí khám chữa bệnh, khắc phục hậu quả,…) theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.
Vì thế, chúng ta phải tự ý thức bảo vệ bản thân mình và xây dựng lối sống lành mạnh, kỹ năng ứng xử văn minh, chuẩn mực để tránh những trường hợp gây gỗ, cãi cọ dẫn đến xô xát không đáng có.
*Lưu ý: Câu trả lời trên chỉ mang tính chất tham khảo theo dữ kiện được cung cấp, trường hợp cụ thể bạn đọc nên gặp trực tiếp và tham khảo thêm từ luật sư, các chuyên gia luật.
Xem thêm: Gọi điện chọc phá tổng đài 113,114 có bị xử lý hình sự?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận