Bị nghỉ việc cuối năm thì có được hưởng lương tháng 13 không?
Cuối năm, bất chấp sức ép của công việc, sổ sách, doanh nghiệp vẫn cắt giảm nhân sự cận kề ngày Tết, lúc người lao động mong chờ được thưởng lương tháng 13. Điều này đúng hay sai và lao động có được thưởng lương tháng 13 không?
Trả lời thắc mắc của bạn đọc, trước hết, phải làm rõ việc doanh nghiệp cho thôi việc là đúng hay sai. Theo luật sư Nguyễn Thế Vinh, việc cho người lao động thôi việc hay chấm dứt hợp đồng lao động thì vẫn phải cần thêm hồ sơ, trình bày cụ thể hơn để có thể tiếp cận việc giải quyết. Tuy nhiên, giả sử ở đây, người sử dụng lao động, tức doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động sai với quy định thì có thể giải quyết theo hướng sau:
- Căn cứu theo Bộ luật lao động 2019:
Điều 41. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.
Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này để chấm dứt hợp đồng lao động.
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
- Còn về lương tháng 13, khái niệm lương tháng thứ 13 không có trong quy định của pháp luật lao động và thực chất là một khái niệm được du nhập vào Việt Nam. Trước đây, lương tháng thứ 13 không được cơ quan thuế tính là một phần chi phí được trừ của doanh nghiệp. Tuy nhiên xét thấy điều này có lợi cho người lao động và nhân văn nên được ghi nhận là chi phí của doanh nghiệp. Tuy nhiên đã là chi phí thì cần phải được trả đúng theo quy định của pháp luật, theo quy chế được công ty công bố. Cách tính lương tháng 13 có thể khác nhau tùy theo từng doanh nghiệp, thậm chí tùy vào kết quả kinh doanh, năng suất lao động của nhân viên, hợp đồng lao động cam kết giữa doanh nghiệp và nhân viên mà có hoặc không có lương tháng 13.
Tuy nhiên, nếu trong cùng một điều kiện mà người lao động khác được trả lương tháng thứ 13 còn bạn thì không thì bạn có thể thực hiện khiếu nại lên người sử dụng lao động.
*Lưu ý: Câu trả lời trên chỉ mang tính chất tham khảo theo dữ kiện được cung cấp, trường hợp cụ thể bạn đọc nên gặp trực tiếp và tham khảo thêm từ luật sư, các chuyên gia luật.
Xem thêm: Đề xuất doanh nghiệp đưa thưởng Tết lương tháng 13 vào nội quy
Xem thêm: Thưởng Tết dương lịch, người cao nhất 600 triệu; Tết âm lịch cao nhất hơn một tỉ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận