Bị lừa đầu tư Bitcoin có được pháp luật bảo vệ không?
Cụm từ tiền ảo, tiền điện tử không còn quá xa lạ những năm gần đây. Dù mang nhiều rủi ro nhưng đầu tư Bitcoin, tiền ảo là một trong những xu hướng được nhiều người lựa chọn. Vậy hoạt động này được pháp luật quy định như thế nào?
Theo luật sư Phùng Anh Chuyên, giám đốc công ty luật ACLaw thì hiện tại, việc đầu tư vào Bitcoin, Litecoin và các tiền điện tử nói chung vẫn chưa có quy định điều chỉnh tại Việt Nam và cũng chính vì thế việc này mang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Cụ thể, để một cá nhân, tổ chức được bảo vệ về mặt tài sản theo quy định của pháp luật thì thì phải xác định được thế nào là tài sản. Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
"Điều 105. Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai".
Đồng thời căn cứ tại Khoản 6 và 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP thanh toán không dùng tiền mặt sửa đổi bởi Nghị định 80/2016/NĐ-CP quy định:
"6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này".
Bên cạnh đó, Công văn 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 21/7/2017 gửi Văn phòng Chính phủ cũng khẳng định:
"Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung)".
Theo các quy định trên, thì tiền ảo nói chung, Bitcoin nói riêng không có trong danh mục được xem là tài sản, tiền tệ và không có trong danh mục phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, khi có các tranh chấp liên quan đến tiền ảo thì sẽ rất khó để giải quyết, trừ khi có những bằng chứng cụ thể, ví dụ như có chứng cứ chứng minh việc bị lôi kéo, dụ dỗ,... cấu thành nên hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể trình báo với cơ quan công an để từ đó cơ quan công an sẽ căn cứ thông tin, tài liệu được trình báo, rồi sẽ xác minh, truy vết và giải quyết.
Gần đây, theo Nghị quyết 128/NQ-CP năm 2024 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất quy định về tiền kỹ thuật số phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và khu vực.
*Lưu ý: Câu trả lời trên chỉ mang tính chất tham khảo, trường hợp cụ thể quý độc giả nên gặp các luật sư, chuyên gia luật để cung cấp thêm thông tin để nhận được câu trả lời chính xác.
Xem thêm:Làm thẻ căn cước mới phải đóng bao nhiêu tiền?
Xem thêm: Cách đổi giấy phép lái xe online qua Cổng Dịch vụ công
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận