07/02/2020 22:11 GMT+7

Video hướng dẫn pha chế dung dịch rửa tay sát khuẩn tại nhà

D. KIM THOA thực hiện
D. KIM THOA thực hiện

TTO - Tuổi Trẻ Online đã mời các chuyên gia hướng dẫn cụ thể cách pha chế dung dịch cồn rửa tay tại nhà cũng như cách sử dụng nó hiệu quả, hợp lý.

Video hướng dẫn pha chế dung dịch rửa tay sát khuẩn tại nhà - Ảnh 1.

Học sinh được hướng dẫn rửa tay bằng dung dịch rửa tay khô - Ảnh: DOÃN HÒA

Những ngày qua, nhiều người than thở vì không thể mua được cồn rửa tay/dung dịch rửa tay sát khuẩn để phòng ngừa virus corona. Để hỗ trợ bạn đọc, Tuổi Trẻ Online đã mời các chuyên gia hướng dẫn cụ thể cách pha chế dung dịch cồn rửa tay tại nhà cũng như cách sử dụng nó hiệu quả, hợp lý.

Nội dung tư vấn này do hai dược sĩ Phạm Phương Hạnh và Phạm Trần Thu Trang (hiện đang công tác tại Canada) chia sẻ và đã được bác sĩ, tiến sĩ Phạm Nguyên Quý (tổng biên tập trang web Y học cộng đồng, hiện đang công tác tại bệnh viện trung ương Kyoto Miniren, Nhật Bản) thẩm định.

Theo đó, về mặt công thức, dung dịch thường được pha chế từ cồn Ethanol, nước oxy già, glyxerin và nước cất hoặc nước sôi để nguội, để ra nồng độ cuối cùng như sau:

• Ethanol 80% (tỉ lệ theo thể tích)

• Nước oxy già 1,45% (tỉ lệ theo thể tích)

• Glyxerin 0,125%

Về cách pha chế dung dịch rửa tay tại nhà, độc giả có thể xem video dưới đây. Trong đó hai dược sĩ Thu Trang và Phương Hạnh giải thích dễ hiểu cách pha chế 270ml với dụng cụ tiện dụng hơn.

Hai dược sĩ Phạm Phương Hạnh (phải) và Phạm Trần Thu Trang hiện đang công tác tại Canada chia sẻ cách pha chế dung dịch cồn tại nhà - Video: YouTube Y Học Cộng Đồng

Ngoài ra còn có một công thức khác sử dụng cồn Isopropyl thay cho ethanol nhưng không thông dụng ở Việt Nam nên xin không nói tới trong bài này.

Lưu ý gì để đảm bảo an toàn, hiệu quả khi pha chế?

Đảm bảo đúng tỉ lệ cồn và các nguyên liệu khác. Nồng độ cồn thấp sẽ không đảm bảo hiệu quả, nồng độ cao quá dễ bay hơi, khô da và dễ cháy.

Nồng độ cồn cần đạt là 80% (cho phép sai số ±5%, tức 75-85%) và không nên tự ý thay đổi nguyên liệu nếu không có kiến thức bào chế. Chẳng hạn, có nơi đề xuất dùng vitamin E thay glycerine để dưỡng da nhưng đây lại là chất tan trong dầu và vì thế không nên dùng.

Nếu cần thay thế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên chọn nguyên liệu giữ ẩm thỏa tiêu chí: không độc hại, không kích ứng, không ảnh hưởng hiệu quả sát khuẩn, dễ kiếm, rẻ tiền. Gel lô hội hoặc mật ong là hai chất giữ ẩm phổ biến thỏa mãn các tiêu chí trên.

Pha chế nơi thoáng mát, tránh nguồn nhiệt và tĩnh điện dễ bắt cháy, nổ. Nên pha chế nhanh và đậy kín ngay để tránh bay hơi làm giảm nồng độ cồn.

Sau 72 giờ mới sử dụng để đảm bảo các mầm vi khuẩn (nếu có) trong dung dịch được tiêu diệt hết.

Về dụng cụ đong, mọi người có thể dùng ống xilanh 10ml tiện lợi. Với glycerine, có thể mua loại ống bơm glycerine nguyên chất vốn dùng trong đặt hậu môn điều trị táo bón, với giá tầm 3.000-5.000 đồng/ống ở hầu hết các nhà thuốc.

Nếu không có cồn, có thể dùng dung dịch rửa tay khác?

Trên thị trường đang có một số sản phẩm nước rửa tay không cồn được cho là thân thiện hơn với da tay. Tuy nhiên, hiệu quả khử trùng không được bảo đảm và các tổ chức chính thống về phòng chống bệnh truyền nhiễm như WHO, CDC không khuyến khích sử dụng.

Nếu tay bị dính bẩn không thể rửa sạch ngay, chúng ta không nên hoảng hốt mà trước tiên cần lưu ý không dùng tay quẹt lên mắt/mũi/miệng và không chạm tay vào người khác.

Còn tùy vào loại bẩn dính trên tay, nhưng tốt nhất là không sử dụng tay để chạm tiếp các vật khác nếu bạn nghĩ có thể dính virus corona (như vừa chạm vào dịch mũi của người bệnh). Cách tốt nhất là tìm ngay nguồn nước gần đó để đi rửa.

* Cồn rửa tay, xịt sát khuẩn có tác dụng khử trùng trong khoảng bao lâu, bao lâu sau thì phải xịt lại?

Thật ra không có con số cố định, chính xác về thời gian khử trùng của dung dịch rửa tay vì còn tùy thuộc nhiều yếu tố như tay bẩn nhiều hay ít, tay dính mầm bệnh loại nào, kèm theo những chất bám dính nào khác và tay… bị dơ lại sau bao lâu.

Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng dưới vòi nước vẫn là cách tốt nhất. Việc dùng dung dịch rửa tay có cồn chỉ là cách "chữa cháy", trong những tình huống khó tiếp cận với nguồn nước/xà phòng.

Vì thế, hãy rửa tay bằng dung dịch này SAU mỗi lần đụng vào những vật dụng/người có khả năng dính mầm bệnh, TRƯỚC khi chạm vào người khác nếu bạn nghĩ tay mình có thể mang mầm bệnh và RỬA TAY NGAY khi có thể.

Cần lưu ý rằng rửa tay bằng dung dịch chứa cồn này KHÔNG LOẠI TRỪ hết tất cả các tác nhân gây bệnh trên tay. Khi tay dính dầu hoặc có những vết bẩn nhìn thấy như đất, nước dãi, máu… chúng ta nên rửa bằng xà phòng với nước.

Vì sao nên rửa tay thường xuyên?

Rửa tay hay vệ sinh tay thường xuyên có thể giúp hạn chế lây nhiễm rất nhiều bệnh hô hấp và đường ruột, không chỉ bệnh do virus corona.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), rửa tay sẽ giúp:

. Giảm 23-40% số người mắc bệnh tiêu chảy.

. Giảm 58% bệnh tiêu chảy ở những người có hệ miễn dịch yếu.

. Giảm 16-21% các bệnh về đường hô hấp.

. Giảm 29-57% tỉ lệ trẻ em phải nghỉ học do các bệnh về đường tiêu hóa.

Rửa tay còn có thể làm giảm tỉ lệ kháng kháng sinh.

Chưa có thuốc chữa, bệnh nhân nhiễm virus corona khỏi bệnh nhờ đâu? Chưa có thuốc chữa, bệnh nhân nhiễm virus corona khỏi bệnh nhờ đâu?

TTO - Hiện chưa có thuốc chữa bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV) chủng mới, vậy những người nhiễm virus đã khỏi bệnh thế nào? Virus này có thể 'sống' bao lâu trên tay nắm cửa và các vật dụng khác?

D. KIM THOA thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp