Sĩ quan Michael Slager còng tay nạn nhân Walter Scott dù ông đã bị bắn ngã gục - Ảnh: Reuters |
Video bí mật tố cảnh sát Mỹ giết người da đen |
Theo báo The Post & Courier, vụ việc xảy ra tại thành phố North Charleston ở bang South Carolina hôm 4-4. Sĩ quan da trắng Michael Slager, 33 tuổi, chặn chiếc xe Mercedes-Benz bị vỡ đèn hậu của người đàn ông da đen Walter Scott, 55 tuổi.
Sau đó, ông Scott bị bắn chết. Slager khai báo rằng ông Scott giằng khẩu súng điện từ người anh ta, “đe dọa tính mạng” buộc anh ta rút súng tự vệ. Sở Cảnh sát North Charleston (NCPD) cũng ra tuyên bố ủng hộ Slager.
Tuy nhiên, một nhân chứng bí mật đã gửi gia đình nạn nhân Scott một đoạn video quay lại toàn bộ diễn biến vụ án.
Luật sư của gia đình Scott đã chuyển video này tới báo New York Times. Và đến hôm 7-4 (ngày 8-4 giờ Việt Nam), thị trưởng North Charleston Keith Summey và cảnh sát trưởng Eddie Driggers cùng thông báo sĩ quan Slager sẽ bị truy tố vì tội giết người. Nếu bị kết án, Slager có thể đối mặt với án tù chung thân hoặc án tử hình.
Giết người tàn nhẫn
Đoạn video không quay cảnh sĩ quan Slager chặn xe của ông Scott mà bắt đầu từ cảnh hai người đứng sát nhau rồi bất thần ông Scott quay lưng bỏ chạy. Slager hoàn toàn không đối mặt với bất kỳ nguy hiểm nào.
Khi đó, sĩ quan này rất điềm tĩnh giương súng lên xả bảy phát đạn, ngừng lại rồi bắn tiếp viên thứ tám. Ông Scott đổ gục xuống, mặt úp vào bãi cỏ.
Slager thông báo qua bộ đàm: “Tôi xả súng và đối tượng đã ngã. Hắn cướp súng điện của tôi”.
Sau đó, Slager bước tới nơi ông Scott nằm, hét lên: “Để hai tay lên đầu”.
Dù ông Scott hoàn toàn bất động, Slager vẫn lấy còng khóa tay ông. Rồi sĩ quan này chạy lại vị trí cũ, nhặt một vật gì đó và đi tới vứt bên cạnh thi thể ông Scott.
Các báo Mỹ nghiên cứu đoạn video và khẳng định đó chính là khẩu súng điện mà Slager nói rằng ông Scott giật từ người anh ta. Và những gì Slager làm là hành vi ngụy tạo bằng chứng tại hiện trường.
Báo cáo của NCPD khẳng định sau khi ông Scott trúng đạn, một số sĩ quan có mặt tại hiện trường đã hô hấp nhân tạo để cứu tính mạng ông.
Nhưng đoạn video cho thấy hoàn toàn không có sĩ quan nào làm điều đó cả, chỉ có duy nhất một người khám thi thể ông.
Không rõ ông Scott chết ngay tại hiện trường hay qua đời trong bệnh viện.
Sau khi đoạn video được tung lên mạng, Cơ quan thực thi pháp luật South Carolina, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Tư pháp đều tuyên bố mở cuộc điều tra vụ án.
Slager bị bắt giữ và bị truy tố về tội giết người. Luật sư David Aylor trước đó đại diện cho Slager và nhiều lần tuyên bố hùng hồn rằng sĩ quan “bị đe dọa và chỉ tự vệ”, cũng quyết định bỏ rơi thân chủ của mình.
“Tôi chẳng còn liên quan gì đến vụ án này nữa” - luật sư Aylor tuyên bố.
“Chúng ta đã biết sự thật”
Trong cuộc họp báo hôm 7-4, thị trưởng North Charleston Summey khẳng định: “Sai là sai. Nếu anh thực hiện một quyết định tồi tệ thì dù anh là thường dân hay có phù hiệu cảnh sát thì anh cũng sẽ phải chịu trách nhiệm với quyết định đó”.
Thống đốc South Carolina Nikki Haley mô tả vụ xả súng của Slager là “không thể chấp nhận được”.
Các bài báo về vụ án Slager thu hút hàng chục nghìn bình luận của giới độc giả Mỹ. Nhiều người nhận định nếu không có đoạn video, chắc chắn Slager sẽ thoát tội giống như các sĩ quan cảnh sát Mỹ từng xả súng bắn chết người da đen trước đây.
Ông Athony Scott, em trai của nạn nhân, khẳng định: “Nếu không có đoạn video thì liệu chúng ta có biết sự thật không? Hay là chúng ta phải chấp nhận thông tin mà cảnh sát đưa ra? Nhưng giờ chúng ta đã biết sự thật”.
Trong thời gian qua, ở Mỹ đã xảy ra hàng loạt vụ cảnh sát da trắng bắn chết người da đen không có vũ khí. Nhiều cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc đã bùng lên.
Giống như thành phố Ferguson nơi thanh niên 18 tuổi Michael Brown bị bắn chết, North Charleston là thành phố có 47% người dân là da đen nhưng 80% nhân sự NCPD là người da trắng.
Luật sư Chris Stewart, người đại diện gia đình nạn nhân Scott, cho rằng hành vi của Slager thể hiện tâm lý bá quyền.
“Gã cảnh sát đó nghĩ rằng hắn có thể giết người và thoát tội dễ dàng giống như nhiều vụ việc trong thời gian qua” - luật sư Stewart nhấn mạnh. Các nhà hoạt động vì nhân quyền Mỹ đã kêu gọi người dân North Charleston kiềm chế.
Tuy nhiên công chúng đã kêu gọi mở cuộc biểu tình phản đối cảnh sát. Bạo lực sắc tộc ở Mỹ lại có nguy cơ bùng lên.
Các vụ giết người da đen gây phẫn nộ Tháng 12-2014, Jerame Reid (36 tuổi), bị bắn chết ở South Carolina khi bị cảnh sát chặn xe trên đường. Cảnh sát cáo buộc Reid rút súng nhưng video an ninh cho thấy nạn nhân chỉ muốn bước ra khỏi xe. Tháng 11-2014, cậu bé Tamir Rice (12 tuổi) bị cảnh sát bắn chết ở Cleveland khi chơi súng nhựa. Tháng 8-2014, sĩ quan Darren Wilson bắn thanh niên Michael Brown ở Ferguson, dẫn tới hàng loạt cuộc biểu tình. Tháng 7-2014, người bán hàng rong Eric Garner ở New York bị cảnh sát khóa cổ, ngạt thở và thiệt mạng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận