15/11/2017 14:39 GMT+7

Victor Vũ: không phải vì quá nhiều phim ngoại mà mình bị ép trên sân nhà!

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Trở lại với bộ phim 'Lôi Báo", đạo diễn Việt Kiều tiết lộ hình tượng nhân vật được xây dựng từ chính câu chuyện của anh.

Victor Vũ chia sẻ về dựng phim - Video: NAM TRẦN

Buổi showcase (khoe phim) của Lôi Báo chiều 13-11 rất xôm tụ, ít nhất là lâu rồi người ta mới được gặp lại Victor Vũ ngoài đờ vì anh vốn là người kiệm lời, "không giỏi nói chuyện với truyền thông". 

Nhưng Victor đã chia sẻ thật, từ những câu chuyện còn đang nóng hổi như việc livestream phim rạp cho đến những chuyện xa hơn của điện ảnh Việt bây giờ và sau này.

* Dù chất lượng phim Việt hiện nay rất hạn chế, nhiều người vẫn đổ tiền làm phim. Theo anh đây là một tín hiệu tốt hay không tốt của thị trường điện ảnh?

- Với một thị trường đang phát triển, đó là điều cần thiết, vì là giai đoạn phải trải qua của bất cứ thị trường nào. Có thể tôi hơi lạc quan, nhưng điều này cho thấy thị trường phim của chúng ta đang vận động. 

Mỗi cuối tuần đều có phim Việt mới ra rạp, đó là điều rất tốt, rất đáng mừng. Có những bộ phim Việt đã trở thành một "hiện tượng phòng vé" trong năm nay, vượt qua tất cả phim bom tấn khác. 

Điều này chứng minh một điều: người Việt rất thích xem phim Việt, và khao khát được xem những bộ phim có đề tài thú vị, thông qua ngôn ngữ, cái nhìn và văn hóa của mình.

Còn chuyện phim ra rạp nhiều nhưng số lượng phim hay ít ỏi là chuyện mà thị trường điện ảnh nào cũng gặp phải, không phải chỉ riêng Việt Nam.

Mọi người cần hiểu là những bộ phim nước ngoài đến thị trường Việt Nam đều đã được chọn lọc kĩ lưỡng rồi. Tôi xem phim rất nhiều khi còn ở Mỹ, nên biết số lượng phim dở của họ cũng rất nhiều. Tuy nhiên đó là một thị trường rộng, nên đương nhiên tỉ lệ phim không tốt của họ cũng sẽ ít đi.

Nghe Victor Vũ tâm sự về điện ảnh Việt - Video: NAM TRẦN

* Về Việt Nam làm phim cũng khá lâu rồi, với quan sát của riêng anh, thị trường điện ảnh Việt còn thiếu gì để trở nên thực sự chuyên nghiệp?

- Có thể nói là còn thiếu rất nhiều. Từ khi tôi về nước, điều dễ dàng nhận ra là thị trường điện ảnh của mình phát triển nhanh, nhanh hơn rất nhiều so với các thị trường khác. 

Nhưng tôi nghĩ, còn có nhiều thứ chúng ta có thể làm tốt hơn. Nhân sự để làm phim, ê-kipthực hiện… còn rất nhiều hạn chế. Quan trọng nhất vẫn là khâu kịch bản, vì tất cả đều bắt đầu từ đây.

Điều thứ hai, tôi thấy dường như không được coi trọng lắm, nhưng người dựng phim tốt là điều chúng ta cũng rất thiếu. 

Người dựng phim giống như một người biên kịch lần thứ 2 cho bộ phim vậy. Họ có thể kể lại một câu chuyện khác với kịch bản ban đầu, có thể làm cho bộ phim hay hơn, hoặc xử lí được những vấn đề mà khi quay mình không thấy.

Điều đáng mừng là mọi thứ đang phần nào thay đổi.

Victor Vũ: không phải vì quá nhiều phim ngoại mà mình bị ép trên sân nhà! - Ảnh 3.

Victor Vũ sẽ mang đến cho khán giả bộ phim Lôi Báo - một món lạ của mùa Giáng sinh năm nay - Ảnh: NAM TRẦN

* Doanh nghiệp phát hành phim Việt Nam cho rằng họ bị chèn ép trên chính sân nhà, khi các doanh nghiệp nước ngoài nắm đến quá nửa thị phần phát hành phim. Theo anh điều này sẽ tác động như thế nào đến việc sản xuất, phát hành phim trong nước?

Cạnh tranh là điều bình thường ở các thị trường.

Quan trọng là chúng ta đang thiếu những bộ phim chạm vào được cảm xúc của khán giả, chứ không phải vì quá nhiều phim ngoại mà mình bị ép trên sân nhà.

- Tôi tin ngoài phim có đề tài trẻ trung, hấp dẫn thị hiếu người trẻ thì những phim có yếu tố văn hóa, lịch sử, về con người Việt Nam sẽ thu hút người Việt Nam. 

Một vài ví dụ như Tấm Cám chuyện chưa kể, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô gái đến từ hôm qua… 

Đây có thể chưa phải là những bộ phim đạt được doanh thu khủng như Em chưa 18 - một bộ phim dành cho giới trẻ, vốn cũng là đối tượng chính của thị trường phim Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận sức hút của nó dành cho khán giả. 

Việc phim Kong: Skull Island quay ở Việt Nam cũng là lí do mà nhiều người Việt đi xem phim. Qua đây có thể thấy tinh thần dân tộc của chúng ta rất lớn, quyết định nhiều đến chọn lựa xem phim của khán giả.

Victor Vũ: không phải vì quá nhiều phim ngoại mà mình bị ép trên sân nhà! - Ảnh 5.

Lôi Báo là bộ phim thu hút bởi đề tài tâm lý kết hợp hành động pha chút khoa học viễn tưởng, với vai chính được giao cho diễn viên trẻ Cường Seven - Ảnh: ĐPCC

* Sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Victor Vũ làm liên tục ba dự án phim lớn, mỗi phim đều rất khác nhau: Lôi Báo, Người bất tử và Sơn Tinh Thuỷ Tinh. Tại sao anh làm phim dồn dập như vậy khi vốn rất kĩ càng và tỉ mỉ?

- Nhiều phim ra mắt không có nghĩa thời gian làm phim ngắn lại.

Người Bất Tử đã ngốn của tôi 6 năm thai nghén, đến nay tôi mới có cơ hội thực hiện. 

Với Lôi Báo, tôi chủ động dời lịch chiếu trễ hơn 3 tháng so với dự kiến, vì muốn làm hậu kì kỹ thêm, trau chuốt cho phim tốt nhất có thể, đến nay vẫn chưa xong

Còn Sơn Tinh Thuỷ Tinh chỉ đang ở giai đoạn khởi động. Tôi muốn kể câu chuyện hào hùng này của người Việt với sự chăm chút, kĩ lưỡng về mọi mặt. Làm vội vàng sẽ uổng phí một đề tài lớn, rất đặc sắc của văn hóa dân gian.

Victor Vũ: không phải vì quá nhiều phim ngoại mà mình bị ép trên sân nhà! - Ảnh 6.

Nhã Phương tiếp tục hợp tác với Victor Vũ trong "Lôi Báo".

* Lôi Báo trong phim là họa sĩ vẽ truyện tranh. Điều này có liên quan hay được gợi cảm hứng từ em trai của Victor hay không?

- Thực ra hình tượng họa sĩ trong Lôi Báo là chính tôi. Tôi có thói quen kể lại câu chuyện của chính mình trên phim, bằng góc nhìn của tác giả hoặc nhân vật. 

Thỉnh thoảng bạn sẽ thấy hình ảnh của những anh chàng ngô nghê, bộc lộ thói xấu bản năng, thiếu chín chắn. Đó là những lần tôi tự mang mình ra trào phúng. Tôi thích như thế, đàn ông thật trẻ con, họ già nhưng chưa chắc đã lớn.

Tôi yêu vẽ từ trước khi biết đến phim. Mẹ tôi kể năm lên 2 tuổi, tôi đã biết cầm bút chì, ngồi trong góc phòng hí hoáy cả ngày không chán.

Suốt thời tiểu học, tôi chẳng nghịch phá gì, chỉ thích chạy về nhà để vẽ các tập truyện về người hùng không gian, siêu nhân ngoài trái đất. 

Lên 9 tuổi, tôi nhận được học bổng khóa năng khiếu hội họa dành cho người lớn. Mẹ nói: "Lúc đó nhìn vào lớp, mẹ chẳng thấy con đâu cả, vì con bé tí như ốc sên ngồi lọt thỏm giữa những người già".

Mê vẽ, nên tôi cũng mê truyện. Có lẽ nhờ thói quen vẽ truyện tranh lúc nhỏ, sau này tôi hình dung khá nhanh những góc quay và cảnh phim trong đầu. Truyện tranh siêu anh hùng là văn hóa Mỹ, là mơ ước của bất cứ bé trai nào lớn lên tại Mỹ như tôi. 

Vì vậy, làm Lôi Báo tôi phần nào được nhắc nhớ những hồi ức thơ trẻ.

Victor Vũ: không phải vì quá nhiều phim ngoại mà mình bị ép trên sân nhà! - Ảnh 7.

Đạo diễn Victor Vũ trên phim trường của "Lôi Báo".

* Có vẻ như dù ở bộ phim nào, góc độ nào thì tình cảm gia đình vẫn thấm đẫm, nhất là tình anh em, và được anh kín đáo đưa phim?

- Vì nó đúng là con người tôi nhất. Chuyện phim Lôi Báo được kể dưới góc nhìn của chàng hoạ sĩ, người chồng, người cha trẻ đang loay hoay tìm hoài bão, và muốn trở thành người hùng giống như những người anh hùng trong truyện tranh cậu vẽ.

* Có thông tin bên lề cho rằng bộ phim dời lại lịch chiếu nhiều lần vì kinh phí dội lên quá cao so với dự tính ban đầu?

- Vì lịch quay phim Người Bất Tử cần tiến hành sớm để tránh mùa bão ở Bắc Trung Bộ, chúng tôi đành hoãn lịch hậu kỳ Lôi Báo sau vài tháng, chờ Người Bất Tử quay xong. Dời lịch chiếu cũng là quyết định đúng đắn để có đủ thời gian làm hậu kỳ thật kỹ lưỡng cho Lôi Báo.

Kinh phí cao hay thấp phụ thuộc số ngày quay nhiều hay ít. Kế hoạch quay một bộ phim của tôi thông thường không dưới 5 tuần. 

Để ra được một tác phẩm chỉn chu, tôi cần quay đủ góc, trau chuốt từng phân cảnh. Bất cứ nhà làm phim nào cũng hiểu chuyện phát sinh kinh phí và số ngày quay hầu hết là do sự cố thời tiết.

* Những ngày vừa qua, vấn nạn livestream ở rạp chiếu lại trở lại với một bộ phim Việt vừa mới ra rạp. Anh có lo lắng cho bộ phim của mình?

- Đó thực sự là ác mộng của nhà làm phim! Làm phim rất khổ sở, mất 1-2 năm, sống chết với nó, chờ ngày phim ra rạp, cùng mọi người ngồi trong phòng tối, tập trung vô ánh sáng, thưởng thức hình ảnh, âm thanh… Vậy mà trải nghiệm đó lại bị cướp đi, tung phim lên mạng.

Khi xem trên mạng, chất lượng phim xuống một bậc, vì hình ảnh không rõ, không khí xem phim không có, và khán giả sẽ ghét bộ phim. 

Rất vô lí khi người quay trộm lí giải rằng họ làm vậy là để giúp cho người không có điều kiện xem phim. 

Victor Vũ: không phải vì quá nhiều phim ngoại mà mình bị ép trên sân nhà! - Ảnh 8.

Nhã Phương và Cường Seven là một cặp vợ chồng phải trải qua rất nhiều sóng gió trong Lôi Báo

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp