Vỉa hè đẹp trên đường Nguyễn Hữu Cảnh - Ảnh HỮU KHOA |
Sự kỳ vọng về một ngày được đi bộ trên vỉa hè thông thoáng, sạch đẹp được nhiều người chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng đây là cơ hội để quy hoạch lại vỉa hè Sài Gòn sao cho mọi người đều được hưởng quyền lợi và cùng chia sẻ trách nhiệm gìn giữ, làm đẹp vỉa hè.
Theo kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh, vỉa hè bị chiếm dụng suốt một thời gian dài là do sự quản lý lỏng lẻo và việc tổ chức giao thông có phần tùy tiện.
Khi vỉa hè bị mất đi chức năng dành cho người đi bộ, những hộ kinh doanh hai bên đường lại phải cơi nới và làm đủ mọi cách để tiếp cận, tạo sự thu hút của mình với người đi xe trên đường. Từ đó dẫn đến sự hỗn loạn khi vỉa hè phải “gồng gánh” những chức năng không phải của nó.
Vỉa hè mang lại bản sắc đô thị
Đó là chia sẻ của KTS Ngô Viết Nam Sơn. Bằng quan sát của mình, ông Sơn cho rằng văn hóa vỉa hè là không thể tách rời trong đời sống của người dân ở tất cả các đô thị nổi tiếng trên thế giới, như Tokyo, Paris, London hay New York. Vì thế, cần có thứ tự ưu tiên trong việc sắp xếp các chức năng của vỉa hè tại TP.HCM nói riêng và các đô thị VN nói chung.
Về ưu tiên, thứ nhất, mỗi vỉa hè phải dành không gian đủ rộng cho người đi bộ, tối thiểu từ 1m6 đến 2m. Những vỉa hè nào nhỏ hơn 2m thì không được phép tổ chức các hoạt động đường phố.
Bên cạnh đó, vỉa hè tại trụ sở của các đại sứ quán, bảo tàng, hay những nơi trang nghiêm, vỉa hè những con đường nội bộ trong các khu biệt thự ngoại giao hoặc cao cấp… cũng không được phép tổ chức sinh hoạt vỉa hè.
Với những tuyến đường có bề rộng lớn hơn 2m thì nên chủ động lấy ý kiến của các bên liên quan như chính quyền địa phương, người dân sinh sống, buôn bán hai bên đường, người đi bộ, khách du lịch… để có giải pháp phân khu chức năng hợp lý.
Một góc vỉa hè ở Pháp |
“Một số đại lộ đẹp nhất của Paris nước Pháp (ví dụ đại lộ Champs Elysées (Paris)) có đoạn cho phép sử dụng vỉa hè để ngồi uống cà phê, thưởng thức nghệ thuật đường phố… Điều quan trọng là người đi bộ có đủ chỗ để đi và những người kinh doanh cũng phải tuân thủ những quy định chặt chẽ. Nên tổ chức, hướng dẫn lại việc sử dụng vỉa hè sao cho hợp lý, để giữ gìn và phát triển bản sắc riêng cho đô thị chúng ta”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, ĐH Bách Khoa TP.HCM cho biết ở nhiều đô thị lớn trên thế giới, chính quyền địa phương cho phép kinh doanh trong khuôn khổ không xâm phạm lợi ích của người đi bộ, không gây mất vệ sinh, đảm bảo những điều kiện về đóng thuế, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Theo các chuyên gia, phải quy định rõ trách nhiệm của những người có liên quan được hưởng lợi ích từ việc sử dụng vỉa hè. Theo ông Sơn, không nên cho phép xây dựng bất kỳ công trình kiên cố nào lấn chiếm vỉa hè.
Khuyến khích xã hội hóa bãi đỗ xe
Về lâu dài, KTS Ngô Viết Nam Sơn khuyến nghị phải thay đổi thói quen đậu xe ngay trên vỉa hè của người dân bằng cách gắn trách nhiệm về việc tổ chức bãi để xe trong nhà với từng đơn vị kinh doanh.
Trong thiết kế xây dựng nhất thiết phải có phương án chỗ, bãi dành cho xe khách phù hợp với năng lực phục vụ của hàng quán, cơ sở kinh doanh đó. Nếu đơn vị kinh doanh không thể thực hiện bãi đỗ xe riêng thì phải đóng phí để địa phương hoặc các tổ chức xã hội hóa xây dựng.
“Tôi cho rằng nên khuyến khích xã hội hoá bãi đỗ xe và cho phép linh động giá giữ xe để người dân thu hồi vốn. Chúng ta thường nói về những người buôn bán hàng rong nhưng theo quan sát của tôi, vỉa hè thường bị chiếm dụng không do những người buôn hàng rong mà chủ yếu là để đỗ xe của khách hàng, quán kinh doanh".
"Nếu không giải quyết được vấn để bãi đỗ xe thì rất khó để thực hiện những phố đi bộ, những vỉa hè thông thoáng một cách bài bản, lâu dài”, KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Lưu Đức Hải, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng vấn đề quy hoạch vỉa hè phải song song với quy hoạch giao thông. Sự phủ khắp của các phương tiện giao thông công cộng và những bãi đỗ xe sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi bộ trên vỉa hè hoặc tiếp cận các hàng quán nằm hai bên đường.
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> KTS Trần Huy Ánh
>> PGS.TS Lưu Đức Hải
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận