Ấy là khu vườn với con đường hoa mai, với hàng cau, những dãy xà cừ, nhà rường Huế, nhà ngang Bắc bộ, nhà sàn Thái, Tày, không gian văn hóa thuần Việt. Hơn 30 năm đi đi về về để xây dựng khu vườn, xây dựng Trường doanh thương Trí Dũng, Công ty Minh Trân, các chương trình kết nối Nhật - Việt... lòng yêu nước của ông Dũng quả là có thể nhìn ngắm, có thể cầm nắm.
“Tôi mơ chứ không mộng, những giấc mơ của tôi và bạn bè tôi sẽ tựa vào văn hóa Việt Nam mà trở thành hiện thực tại Việt Nam”, nụ cười và lời nói có vẻ an nhiên, nhưng như khu vườn Minh Trân đã được xây dựng nên từng chút từ những đầm lầy, ao hồ, ông Dũng hẳn nhiên đã phải đụng chạm, lăn lộn với những chính sách trì trệ ở Việt Nam thời bao cấp và những bất cập, tiêu cực thời mở cửa.
“Hẳn nhiên là có lúc muốn buông bỏ, không phải một lần mà là nhiều lần. Nhưng không dễ mà bỏ được quê hương. Tôi không muốn ngồi chê trách bóng tối, tôi muốn thắp một ngọn lửa, một ngọn đèn cho sáng rồi tiếp tục làm việc...” - ông Dũng giải thích giản dị cho sự lăn xả đến kiên gan của mình.
Mỗi năm đi đi về về nửa vòng Trái đất tới năm, bảy lần cho những hoạt động xã hội, đối mặt với không ít lời ngăn cản, ông Nguyễn Bá Thông, Việt kiều Mỹ, chia sẻ: “Tôi không chờ mình giàu có thì mới cho đi, không chờ quá rảnh rang rồi mới giúp đỡ, cũng không chờ mọi việc tại Việt Nam thật tốt đẹp mới trở về. Vì lúc đó chắc đâu còn ai cần mình và lúc đó sự phát triển, tươi đẹp của đất nước đâu có phần đóng góp nào của mình”.
Mỉm cười thật hạnh phúc với bông mai vàng nở sớm trong vườn nhà, bà Nguyễn Lan Hương, Việt kiều Mỹ, nói: “Xa quê hơn 30 năm, tôi về nước lần này là lần thứ sáu. Một số người Việt ở Mỹ bảo tôi rằng không thích về Việt Nam, nhưng ngày tết đến, họ đi may áo dài, rủ nhau gói bánh chưng. Quê hương hẳn nhiên vẫn ở trong lòng họ. Khi mình xác định được lập trường của mình, việc về nước hay ở lại nước ngoài sẽ chính là lựa chọn của mình, không bị ảnh hưởng bởi những việc xung quanh nữa”.
Những lời chia sẻ thấm đẫm tình đất nước trong những ngày giáp tết cổ truyền này lại càng nặng tình quê hương. Họ đã đi xa trong vô vàn hoàn cảnh, đã có những cuộc đời rất khác và nay lại từ muôn nẻo trở về. Có người chỉ ăn tết với gia đình rồi đi, có người chia nửa thời gian trong năm để gắn bó ở lại, có người hân hoan với những giấc mơ dần thành hiện thực, có người vẫn còn mang trong lòng những điều chưa ưng ý.
“Nhưng rồi mọi việc sẽ qua hết, chỉ có tình con người với con người, tình của những đứa con với đất mẹ là sẽ còn lại. Ở đây, Việt Nam, có mưa bão, dông gió, nhưng mà cũng có cả nắng nữa” - đạo diễn Việt Linh đã nói với các khán giả, độc giả của chị như vậy.
“Ở đây có nắng”. Những người Việt Nam đang được sống ở Việt Nam, nói câu ấy với những Việt kiều có lẽ không nên chỉ bằng tâm tình quê hương xứ sở vốn đã sẵn có, mà phải bằng chính thực tâm muốn đoàn kết, muốn hòa hợp, muốn hợp tác của mình. Vì tương lai Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận