Phóng to |
Một vị khách nước ngoài chụp lại hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại triển lãm mừng sinh nhật 100 của ông - Ảnh: Nguyễn Á |
Đó là một trong những vần thơ được thêu trên những bức trướng trong căn phòng lưu niệm của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có hàng trăm bức trướng và hàng ngàn câu thơ như thế. Cùng với thơ là những bức tượng chân dung bằng đồng, bằng đá, bằng thạch cao, là những bức tranh ghép gỗ, khảm xà cừ, sơn dầu, sơn mài, cát...
Những câu thơ không thể nói là kiệt tác, tinh tế, tài hoa; những bức tượng cũng chưa thật giống thần thái của đại tướng... nhưng nó gói ghém bao nhiêu tình cảm yêu quý và ngưỡng mộ. Những người làm thơ, thêu trướng, tạc tượng... và thành kính đem tặng là Hội Cựu chiến binh phường Bạch Đằng, là ban liên lạc chiến sĩ Việt Nam giải phóng quân, là vợ chồng bác sĩ Kiều Xuân Cư ở Nha Trang, là đơn vị C222 Cao Bằng, là hội đồng hương làng An Xá của đại tướng tại Hà Nội, là đại tá cựu chiến binh Nguyễn Trần Thiết...
Trung tá Lê Văn Hải, người đã có 25 năm làm việc ở văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cho biết: “Không thể thống kê được những món quà ấy, có người đến xin gửi tặng rồi về ngay. Hằng năm cứ đến ngày 7-5 và ngày sinh nhật đại tướng là cả ngôi nhà tràn ngập trong hoa và những món quà mộc mạc như thế này”.
Ông Võ Hồng Nam, con trai út của đại tướng, chia sẻ: “Ba tôi bảo ở đời quý nhất là cái tình, chính vì thế mà ngôi nhà của chúng tôi không bao giờ đóng cửa, nhất là với đồng bào vùng chiến khu xưa và các chiến sĩ. Trừ những khi quá mệt, bác sĩ không cho phép, chứ ba tôi không bao giờ từ chối tiếp các đoàn cựu chiến binh và đồng bào. Vào những ngày sinh nhật ba, gia đình chúng tôi hay được đồng bào Thái Nguyên gửi gà và đồng bào Điện Biên gửi gạo nương xuống cho. Ba tôi thích ăn gạo Điện Biên nhất”.
Đã có quá nhiều lời ngợi ca, hàng ngàn bài báo và hàng trăm cuốn sách trong và ngoài nước viết về vị đại tướng kiệt xuất của dân tộc, nhưng có lẽ không lời nào tả hết được ánh mắt và trái tim của những cụ già, những em bé ở cánh rừng Mường Phăng, ở thung lũng Mường Thanh khi đội mưa đi đón đại tướng mỗi lần ông về lại Điện Biên; không ai có thể tả hết niềm vui của người lính vô danh khi anh rụt rè đẩy cánh cổng ngôi nhà số 30 đường Hoàng Diệu và xin được gặp mặt để chụp chung với vị đại tướng huyền thoại một tấm ảnh; không ai có thể đo được tình yêu thương và sự kính trọng một mực với vị tổng chỉ huy trong lòng những người sĩ quan dạn dày trận mạc và đầy ưu tư với thời cuộc như Lê Hữu Đức, Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Văn Hiếu, Lê Trọng Nghĩa...
Có rất nhiều những cuộc triển lãm về ông, nhưng lần nào cũng thế, luôn được đón nhận như thể là lần đầu. Như trong những ngày này, nhà triển lãm Hàng Bài lúc nào cũng có người - ta có, Tây có - đến với triển lãm ảnh nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 của đại tướng.
Ông Võ Hồng Nam kể: “Ba tôi lúc nào cũng canh cánh vì đã lâu chưa trở lại thăm đồng bào ở các vùng chiến khu xưa, vùng Tây Bắc - Việt Bắc đã nuôi ba và đồng đội suốt chín năm kháng chiến. Ông luôn nhắc lại cho chúng tôi câu chuyện về một người chiến sĩ ở Bắc Kạn tên là Hiệu, giặc bắt được bắn bị thương, lúc sắp chết vẫn dặn vợ nhà còn lạng cao hổ cốt nhớ mang cho ba bồi dưỡng vì ba đang ốm nặng. Ba nói với chúng tôi rằng chúng ta chiến thắng vì có những người dân tốt như thế”.
Trong buổi gặp mặt kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đại tướng, GS Phan Huy Lê đã phát biểu: “Trong 10 thiên tài quân sự của thế kỷ và trong 50 thiên tài quân sự của cả lịch sử thế giới được công nhận, ông là vị tướng duy nhất không được đào tạo bài bản qua một trường quân sự chính quy nào, kiến thức quân sự của ông hoàn toàn là tự học, tự đào tạo”. Nhưng chắc chắn ông là vị tướng hạnh phúc nhất, vì ông hiểu được chiến thắng chỉ có nhờ những người dân tốt và tin yêu ông như thế, và ông đã giữ được tình yêu của những người dân ấy suốt đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận