Theo báo South China Morning Post (SCMP), việc ghế đại sứ bỏ trống ở Washington phản ánh tình trạng ảm đạm hiện nay trong quan hệ Mỹ - Trung và có khả năng báo hiệu Trung Quốc suy nghĩ lại nghiêm túc về quan hệ với Mỹ.
Trước đó, lần gần nhất vị trí này bị bỏ trống trong thời gian dài là vào tháng 6-1995, khi Trung Quốc triệu hồi đại sứ Lý Đạo Dự (Li Dao Yu) về nước trong hai tháng, sau khi Washington cho phép lãnh đạo đảo Đài Loan Lý Đăng Huy (Lee Teng Hui) đến thăm Mỹ.
Cuối năm ngoái, ông Tần Cương, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Trung Quốc thay ông Vương Nghị và đã quay về nước.
"Tôi nghĩ đang có cuộc đánh giá toàn diện ở Bắc Kinh về những gì diễn ra và họ đặt câu hỏi liệu có đáng để đầu tư vào mối quan hệ ngoại giao này (Mỹ - Trung) hay không" - ông Charles Freeman, học giả thỉnh giảng tại Đại học Brown và từng phiên dịch cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon trong chuyến đi mang tính bước ngoặt đến Bắc Kinh vào năm 1972, bình luận.
Đại sứ tiếp theo của Trung Quốc tại Mỹ được cho là ông Tạ Phong (Xie Feng), mặc dù Bắc Kinh chưa công bố bổ nhiệm ông. Ông Tạ Phong hiện là thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc, có nhiều kinh nghiệm liên quan tới Mỹ.
Quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã leo thang trong vài năm qua với việc Washington dưới thời tổng thống Donald Trump tung ra nhiều đòn thuế quan nhằm vào Bắc Kinh.
Gần đây hơn, chính quyền Tổng thống Joe Biden nhận định nước Mỹ đang trong một cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, và Washington đã hạn chế các doanh nghiệp Mỹ làm ăn với các đối tác Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn.
Mỹ cũng đang củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác để kiềm chế ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh, theo Đài CNN.
Bà Shannon Tiezzi, chuyên gia về Trung Quốc và hiện là tổng biên tập của tạp chí The Diplomat, nhận định trong bối cảnh Bắc Kinh thấy được con đường phát triển liên tục của họ đang đối diện với mối đe dọa ngày càng tăng, "dám đấu tranh" dường như đã trở thành khẩu hiệu mới, thay cho chủ trương "ẩn mình chờ thời" của cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.
Báo cáo của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội 20 vào tháng 10-2022 từng gây chú ý với cụm từ "dám đấu tranh, giỏi đấu tranh", được coi là nguyên tắc định hướng cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong "kỷ nguyên mới".
Một bài viết đăng trên Nhân Dân Nhật Báo sau Đại hội 20 đã mô tả khái niệm "dám đấu tranh" là thể hiện sự không sợ hãi. Theo tờ báo này, khi đối mặt với những rủi ro lớn và những đối thủ hùng mạnh, việc luôn muốn trải qua những ngày yên bình và không muốn đấu tranh là chuyện phi thực tế.
Tạp chí The Diplomat nhận định phần lớn cuộc đấu tranh nói trên sẽ nhằm vào nước Mỹ. Bởi vì như Ngoại trưởng Tần Cương đánh giá, Mỹ "muốn kiềm chế và chèn ép Trung Quốc trên mọi phương diện và khiến hai nước bị cuốn vào một trò chơi có tổng bằng không".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận