05/11/2018 10:10 GMT+7

Vị thế tiếng Việt thời hội nhập

N.HUY - NGỌC HÀ
N.HUY - NGỌC HÀ

TTO - Vị trí và vai trò của tiếng Việt ngày càng được đánh giá cao hơn và là một cầu nối quan trọng có tính quyết định trong giao lưu giữa Việt Nam với thế giới.

Vị thế tiếng Việt thời hội nhập - Ảnh 1.

Sinh viên nước ngoài tại khoa Việt Nam học và tiếng Việt - Ảnh: NGỌC TÙNG

"Việc đánh giá vị thế của nói riêng, ngành Việt Nam học nói chung là một trong những vấn đề trọng yếu đối với các nhà Việt Nam học trong nước và quốc tế, và đang có xu thế trở thành mối quan tâm của cộng đồng khoa học quốc tế".

Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Thiện Nam - trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo "Nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học trong các trường ĐH" diễn ra tại Hà Nội ngày 3-11, PGS.TS Nguyễn Thiện Nam khẳng định: "Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.

Theo đó, vị trí và vai trò của tiếng Việt cũng ngày càng được đánh giá cao hơn và là một cầu nối quan trọng có tính quyết định trong giao lưu giữa Việt Nam với thế giới.

Việc tiếng Việt được đưa vào giảng dạy ở những ĐH nổi tiếng nhất của thế giới và khu vực, được công nhận là môn thi ĐH ở Hàn Quốc, được coi là một "chuyên ngữ" trong một số trường phổ thông chuyên ngữ ở Nhật Bản, được coi là ngoại ngữ tự chọn trong trường phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 ở Đài Loan... là những minh chứng hùng hồn cho điều đó".

* Trong phát biểu tổng kết hội thảo, ông có nói một trong những mục tiêu lớn lao của hội thảo là góp phần kết nối một cộng đồng khoa học nghiên cứu về Việt Nam trên khắp thế giới. Cộng đồng này hiện như thế nào, ông có thể cho một vài phác họa?

- Hiện nay, việc giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học trong các trường ĐH ở Việt Nam và trên thế giới đang phát triển rộng khắp, có thể nói ở những mức độ khác nhau, không có châu lục nào không có việc giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.

Khoa Việt Nam học và tiếng Việt có hợp tác liên kết với hầu hết các ĐH này dưới các hình thức trao đổi sinh viên, trao đổi giáo viên, phối hợp trong các chương trình nghiên cứu. Trong đó phổ biến nhất là chương trình ngắn hạn, các ĐH này gửi sinh viên sang Việt Nam thực tập tiếng Việt và trải nghiệm văn hóa Việt Nam.

Vị thế tiếng Việt thời hội nhập - Ảnh 2.

PGS TS Nguyễn Thiện Nam - Ảnh: N.T.

* Ông cũng dẫn những con số biết nói của hội thảo: 14 báo cáo tổng quan về tình hình giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học tại các trường ĐH Việt Nam và thế giới, 35 báo cáo về chủ đề Việt ngữ học và phương pháp dạy tiếng, 14 báo cáo nghiên cứu về nguồn lực văn hóa, cấu trúc văn hóa của các vùng miền tiêu biểu ở Việt Nam... Những con số này cho thấy niềm tin về khả năng khai thác Việt Nam học như một ngành khoa học cơ bản là có cơ sở. Theo ông, cần làm gì để "niềm tin" đó trở thành hiện thực?

- Việt Nam học trên thực tế đã được ghi nhận là 1 trong số 7 ngành khoa học cơ bản của Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội). Chúng tôi nói đến "niềm tin" ở đây có nghĩa là nói đến sự "bền vững" của thành tựu mà Việt Nam học đã đạt được, là lý do bên trong, là nội lực cho mọi sự phát triển tiếp theo của ngành khoa học này.

Niềm tin đó đã thực sự trở thành hiện thực rồi, vấn đề còn lại là con đường ấy có tiếp tục mở rộng và tạo ra những cột mốc mới hay không.

Chính sách phát triển giáo dục, khả năng kết nối cộng đồng khoa học thế giới về tiếng Việt và Việt Nam học, tạo thêm luận chứng khu vực học cho Việt Nam học, xây dựng đội ngũ chuyên ngành có hệ thống, xây dựng môi trường học thuật tạo điều kiện cho những nghiên cứu Việt Nam học đi vào chiều sâu, theo tôi, đó là các yếu tố nhất thiết cần có để Việt Nam học giữ vững vai trò khoa học cơ bản.

Học tiếng Việt bằng tình yêu Việt Nam

Nhiều đại biểu, học viên, cựu học viên nước ngoài từng theo học tiếng Việt đã chia sẻ như vậy tại hội thảo khoa học quốc tế "Nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học trong các trường ĐH".

Là người nước ngoài nổi tiếng với khả năng nói tiếng Việt điêu luyện, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam Saadi Salama - cựu học viên của trường - chia sẻ đã có rất nhiều người hỏi ông về "bí quyết học tiếng Việt, nói tiếng Việt như một người Việt Nam".

"Để học được tiếng Việt cần sự say mê văn hóa, phong tục và những truyền thống lâu đời cùng những trang lịch sử của Việt Nam. Để trở thành người nói tiếng Việt giỏi thì mỗi người nước ngoài cần có tâm hồn Việt Nam, có tư duy một phần giống với người Việt Nam. Tiếng Việt là một ngôn ngữ khó, nhưng khi đã có tình yêu thì không có việc gì khó" - ông Saadi Salama nhấn mạnh.

Trong khi đó, đứng ở vị trí của một cơ sở đào tạo hàng đầu về tiếng Việt và Việt Nam học, GS Phạm Quang Minh - hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội - khẳng định tiếng Việt là cầu nối quan trọng cho bất cứ người nước ngoài nào bước vào lãnh địa nghiên cứu Việt Nam và muốn cảm nhận Việt Nam thật sự. Tiếng Việt cũng chính là cầu nối quan trọng trong giao lưu giữa Việt Nam với thế giới và thế giới với Việt Nam.

15 cựu học sinh là đại sứ

Sinh viên quốc tế bắt đầu theo học tiếng Việt ở Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, tiền thân của ĐH KHXH&NV từ năm 1956. Tới năm 1968, Bộ Giáo dục ra quyết định thành lập khoa tiếng Việt.

Đến năm 2008, khoa được đổi tên thành khoa Việt Nam học và tiếng Việt, chức năng và nhiệm vụ được mở rộng hơn và bắt đầu tuyển sinh viên Việt Nam cho chương trình cử nhân Việt Nam học từ năm 2010.

Trong 50 năm qua, hơn 10.000 người nước ngoài đã được đào tạo tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tại khoa, trong số đó có nhiều người trở thành những nhà Việt Nam học nổi tiếng thế giới, nhiều nhà ngoại giao, chính khách cao cấp, 15 cựu sinh viên là đại sứ các nước tại Việt Nam...

Sẽ có chương trình tiếng Việt mới cho người Việt ở nước ngoài

TTO - Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa công bố Dự thảo Thông tư ban hành chương trình tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

N.HUY - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp