16/01/2017 14:36 GMT+7

Vì sức khỏe cộng đồng

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Hàng ngàn thầy thuốc trẻ (TTT) đã nhiệt tình tham gia chương trình “Tình nguyện mùa đông”. Hàng loạt các câu lạc bộ TTT đã hình thành, rồi Hội TTT Việt Nam ra đời, với chung mục đích: tình nguyện vì sức khỏe người dân...

Bác sĩ Hà mổ mắt cho người dân nghèo Hà Giang - Ảnh nhân vật cung cấp
Bác sĩ Hà mổ mắt cho người dân nghèo Hà Giang - Ảnh nhân vật cung cấp

Các y, bác sĩ trẻ chúng tôi tham gia những hoạt động tình nguyện chỉ với một mục tiêu duy nhất: vì sức khỏe cộng đồng

Bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh

Mắt sáng nhờ bác sĩ tình nguyện

Cụ ông Nguyễn Đức Thống (82 tuổi, nhà số 8 đường Lâm Đồng, TP Hà Giang) cùng vợ là bà Dinh Thị Váy (80 tuổi, dân tộc Mông) không thể tin đến lúc này đã ngoài 80 tuổi nhưng ông bà vẫn nhìn rõ mọi vật, “có thể đọc báo, nhìn đọc biển số ôtô chạy qua nhà”.

Ông Thống cho biết ông từ Phú Thọ lên Hà Giang từ năm 1953, công tác trong ngành ngân hàng ở huyện Mèo Vạc đến năm 1983 thì nghỉ hưu. Khi nghỉ hưu cũng là lúc đôi mắt ông cứ mờ dần, và đến khoảng năm 2005 thì “bà nhà tôi đứng cách một sải tay, xòe bàn tay mà tôi không thể đếm được bao nhiêu ngón”.

Đi khám ở bệnh viện tỉnh thì các bác sĩ kết luận ông bị đục thủy tinh thể. Muốn mắt sáng phải về Hà Nội để mổ, chi phí mổ khoảng chục triệu đồng/mắt, chưa kể tiền đi lại, thời gian nằm viện...

“Lúc đấy các con tôi cũng còn khó khăn, nghĩ bỏ ra cả chục triệu để làm sáng mắt một ông già sắp xuống lỗ cũng chẳng để làm gì nên cứ nấn ná, chấp nhận mù dở” - ông Thống kể.

Nhưng rồi rất may, mấy năm sau, Câu lạc bộ TTT tỉnh Hà Giang ra đời do TS.BS nhãn khoa Vũ Mạnh Hà làm chủ nhiệm và chính bác sĩ Hà đã khám cho ông Thống, và cũng khi đó câu lạc bộ vận động để có thể mổ miễn phí một mắt bên trái cho ông Thống.

Đến năm 2012, nhóm bác sĩ Hà lại xin được kinh phí và ông Thống đã được mổ thay thủy tinh thể ở mắt còn lại.

“Mắt mổ xong, nhìn rõ mọi thứ và lại được mổ miễn phí thì còn gì bằng. Bác sĩ Hà như đã tặng tôi cả bầu trời” - ông Thống xúc động nói.

Không chỉ ông Thống, bà Váy (vợ ông) năm 2012 cũng được bác sĩ Hà mổ đục thủy tinh thể miễn phí, và cũng như chồng, giờ bà Váy hằng ngày vẫn thoăn thoắt đi chợ mà chẳng cần ai phải đưa, dắt.

Bà Váy cho biết chị dâu Sùng Thị Ly (86 tuổi, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn) của bà đã mờ mắt gần 10 năm cũng được bác sĩ Hà mổ mắt miễn phí. Bà Ly được mổ đầu năm 2016 và nay hằng ngày bà tự ra vườn hái rau, lên nương thu hoạch quả.

TS.BS Vũ Mạnh Hà, hiện là bí thư Tỉnh đoàn kiêm chủ tịch Hội TTT tỉnh Hà Giang, cho biết từ năm 2009 đến nay, Hội TTT Hà Giang đã giúp đỡ, vận dụng các dự án, các chương trình để mổ mắt miễn phí cho khoảng 3.000 người bị đục thủy tinh thể, giúp các bệnh nhân, hầu hết là người già, người nghèo sáng mắt trở lại.

Những người dân nghèo vùng cao được mổ mắt và tặng quà từ Hội Thầy thuốc trẻ - Ảnh: Tỉnh đoàn Hà Giang cung cấp
Những người dân nghèo vùng cao được mổ mắt và tặng quà từ Hội Thầy thuốc trẻ - Ảnh: Tỉnh đoàn Hà Giang cung cấp

Thầy thuốc trẻ đi chợ

Không chỉ chăm sóc sức khỏe, các TTT còn sẵn sàng tham gia mọi công việc miễn là có ích cho dân như câu chuyện mà anh Nguyễn Bá Tĩnh, phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hội TTT Việt Nam, kể lại về mùa đông năm 2010.

“Năm đó, miền Trung, đặc biệt là Hà Tĩnh, Quảng Bình bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Tôi khi đó là phó ban công tác thanh niên của Tổng cục Hậu cần Bộ Công an, lại là một bác sĩ trẻ nên được giao phụ trách đoàn y, bác sĩ trẻ tham gia chương trình “Tình nguyện mùa đông”.

Tôi nhớ năm đó còn có thêm 4-5 đoàn y, bác sĩ khác của Hà Nội cùng tham gia. Mục tiêu là khắc phục hậu quả mưa lũ, hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe cho cả người và vật nuôi sau lũ, phát thuốc miễn phí...”.

Gần 100 TTT tham gia chương trình khi đó rất háo hức và cả hồi hộp. Háo hức vì được đến vùng lũ để sớm chia sẻ với khó khăn của đồng bào. Còn hồi hộp là không biết ngoài khám phát thuốc, tư vấn sức khỏe thì mình sẽ giúp gì thêm cho dân theo đúng chuyên ngành của mình.

Trước ngày lên đường, các đoàn bàn tính: mưa lũ dài ngày, nhiều người dân dầm mình trong lũ, ngoài việc tham gia tẩy rửa môi trường, thì khâu khám bệnh, tư vấn cần tập trung vào các bệnh da liễu, tiêu hóa, phụ khoa và hướng dẫn người dân cách phòng chống, chăm sóc sức khỏe tốt nhất trong điều kiện lũ vừa rút.

Bên cạnh đó, đoàn cũng vận động, quyên góp được một khoản tiền kha khá, nhưng khi đó không biết sẽ dùng để mua gì tặng bà con.

Có ý kiến nêu dân vùng lũ chắc chắn là thiếu lương thực, nước uống nhưng sẽ có nhiều đoàn khác mua rồi. Lũ lụt, hoa màu chết hết thì chắc chắn người dân thiếu rau xanh, các loại củ quả.

Chính vì thế, các nhóm TTT quyết định sẽ dồn hết tiền mua các loại củ quả. Nhưng mua củ quả gì để dân có thể giữ được lâu, thậm chí có thể ăn luôn không cần chế biến. Chỉ có su hào, củ đậu và bầu bí.

“Nửa đêm về sáng, cả trăm y, bác sĩ trẻ phân nhau về khắp các chợ đầu mối nông sản lớn của Hà Nội để thu mua su hào, củ đậu, rau xanh. Với phương châm phải chọn những củ lành, không bị giập để kéo dài thời gian sử dụng, các y, bác sĩ trẻ cứ bới cả đống hàng để lựa chọn.

Các tiểu thương thấy vậy phát cáu, dọa không bán nữa, nhưng khi nghe giải thích là y, bác sĩ trẻ mua hàng để đem vào vùng lũ cho đồng bào nghèo, phải chọn hàng ngon, lành lặn để không mang tiếng là đồ từ thiện thì các tiểu thương cảm động quá, các bà, các chị bỏ cả bán hàng, cùng xúm vào lựa chọn, ưu tiên bán hàng tốt nhất” - anh Tĩnh nhớ lại.

Một tổ chức vì cộng đồng

“Các y, bác sĩ trẻ chúng tôi tham gia các hoạt động tình nguyện chỉ với một mục tiêu duy nhất: vì sức khỏe cộng đồng, và nay Hội TTT đã qua ba kỳ đại hội rồi thì đó vẫn là phương châm hành động chính của hội” - anh Nguyễn Bá Tĩnh nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Tĩnh, trước sự lớn mạnh không ngừng của các câu lạc bộ TTT, với nhiều nội dung hoạt động phong phú, thiết thực chỉ chăm lo cho sức khỏe cộng đồng, ngày 28-6-2009, đại hội lần thứ nhất Hội TTT Việt Nam đã được tổ chức, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức, mà xuất phát điểm là từ việc tham gia các hoạt động của chương trình “Tình nguyện mùa đông”.

Đến nay, Hội TTT Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với 63/63 tỉnh, thành phố đã có tổ chức hội, câu lạc bộ TTT cấp tỉnh, trong đó có 28 tỉnh, thành phố đã thành lập được Hội TTT cấp tỉnh với hơn 80.000 hội viên.

Cuối tháng 1-2016, ở Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) tuyết rơi trắng xóa, chứng kiến hàng trăm người dân của mình được nhận quà, nhận thuốc, được khám bệnh miễn phí, ông Ly Gờ Có, bí thư Đảng ủy xã, đã rất xúc động.

Ông tâm sự: “Đồng bào biên giới nghèo, làm lụng vất vả, ăn uống kham khổ, mùa rét dân lại có thói quen uống rượu để... chống rét nên cũng sinh nhiều bệnh tật.

Có các đoàn y, bác sĩ trẻ tình nguyện lên với bà con, đồng bào mình mới được khám bệnh, mới biết được cách phòng chống các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa...”.

_______________________________

Kỳ tới: Những ngôi trường nhân ái

>> Kỳ 1:
ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp