Đội trưởng Ngô Thiện Khiết (trái) và chuyên gia Campuchia trong một lần phối hợp rà phá bom mìn tại Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị vào tháng 7-2015 - Ảnh: Lê Đức Dục |
Một đồng đội khác, anh Nguyễn Văn Hảo (43 tuổi), bị trọng thương, đang cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Sau 15 năm thành lập và đi vào hoạt động, đây là ngày buồn của các nhân viên dự án Renew khi thực hiện nhiệm vụ hồi sinh cho những vùng đất chết vì ảnh hưởng bom mìn hậu chiến ở Quảng Trị.
Giáp mặt thần chết: chuyện thường ngày
Đã nửa thế kỷ sống trên vùng đất Quảng Trị, chứng kiến những cái chết vì bom đạn hậu chiến như cơm bữa, nhưng hôm cùng các nhân viên Renew đi thực địa hiện trường, dù trải qua các khâu kiểm tra kỹ thuật gắt gao nhưng khi nhìn những quả bom bi, đạn cối được anh em tập kết tại điểm hủy nổ, chúng tôi cũng thấy gờn gợn chút âu lo.
Điều duy nhất gợi lên trong lòng tôi chút yên tâm là kể từ khi triển khai thực hiện dự án Renew đến nay đã 15 năm, may mắn chưa có một tai nạn đáng tiếc nào xảy ra với anh em nhân viên trong dự án.
Nhưng bây giờ điều đó đã xảy ra, và người ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ lại là Ngô Thiện Khiết, một trong số các đội trưởng giàu kinh nghiệm của dự án.
Tham gia đội ngũ các nhân viên của Renew từ năm 2008, anh Khiết với “kinh nghiệm trận mạc” và năng lực của mình từng giữ cương vị đội trưởng đội xử lý bom mìn lưu động - công việc trực tiếp hủy nổ các vật liệu vốn rất nguy hiểm trước khi chuyển sang làm đội trưởng đội khảo sát bom chùm.
Vài tuần trước, chúng tôi đã đề nghị với cán bộ của dự án Renew cho phép thực địa hiện trường của các đội khảo sát dấu vết bom chùm và đội xử lý bom mìn lưu động để viết bài nhân kỷ niệm 41 năm ngày thống nhất đất nước.
Theo bố trí, để thuận tiện cho lộ trình, thay vì đi về khu vực của đội trưởng Ngô Thiện Khiết - một trong 21 đội khảo sát dấu vết bom chùm của Renew, chúng tôi đi theo tuyến hiện trường khảo sát dấu vết bom chùm ở khu vực xã Hải Lâm của đội trưởng Nguyễn Quốc Bảo, để sau đó về Hải Thọ tham dự một cuộc hủy nổ của đội xử lý bom mìn lưu động số 1 thuộc dự án.
Từng nhiều lần ra hiện trường của các đội khảo sát bom mìn, chứng kiến sự cẩn trọng và an toàn là yếu tố hàng đầu, bởi nếu không tuân thủ có khi sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống.
Hôm đó, để vào hiện trường khảo sát bom chùm, chúng tôi đã trải qua nhiều thủ tục nghiêm ngặt mà ấn tượng nhất là điền các thông số về sức khỏe cá nhân, nhóm máu vào một bảng biểu của một nhân viên y tế trực tại hiện trường đưa ra.
Đó là nguyên tắc bắt buộc để phòng xa khi xảy ra sự cố.
Trên tấm bản đồ của khu vực khảo sát được chia thành những ô vuông, mỗi ô vuông tương ứng với 50mx50m trên thực địa. Các nhân viên sẽ dùng máy rà và khi máy phát tín hiệu, sẽ báo cho đội trưởng đến.
Khi vật liệu nổ được xác định sẽ phải để nguyên vị trí, những cọc tiêu được cắm đánh dấu và một dải ruyban màu đỏ trắng được thắt quanh các cọc tiêu để làm dấu. Công việc tiếp theo sẽ là của các nhân viên đội xử lý bom mìn lưu động.
Hôm kia, tại hiện trường của đội Ngô Thiện Khiết, công việc đã diễn ra đúng quy trình như thế.
Khi nhân viên báo cho đội trưởng Khiết biết việc phát hiện một vật nổ, trách nhiệm của đội trưởng là đến tiếp cận vị trí có vật nổ và đánh dấu theo quy chuẩn, vậy mà quả bom bi phát nổ bất ngờ đã cướp đi sinh mạng của Khiết, một trong số các đội trưởng giàu kinh nghiệm nhất của Renew.
Ba lần khóc con chết vì bom
Sáng 19-5, chúng tôi cùng các đồng nghiệp của anh Khiết ở dự án Renew vào viếng anh. Ngôi nhà khá cũ kỹ nằm sâu trong một con hẻm thuộc đường Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Trị vẫn không ngớt những tiếng khóc than đau xót.
Duy có một người đã không còn nước mắt để khóc. Đó là bà Trần Thị Cúc, mẹ anh Khiết. Lúc chúng tôi đến, bà Cúc ngồi trong gian phòng đặt quan tài của đứa con trai. Bà ngồi nhìn vào khoảng không như người mất hồn.
Chị Ngô Thị Đông, con gái bà Cúc, nói từ sáng hôm qua khi đưa anh Khiết về nhà đến giờ, bà Cúc đã ngồi trong trạng thái thất thần như thế. Bà tựa đầu vào chỗ con nằm. Bàn tay nhăn nheo, sần sùi của người mẹ già 88 tuổi cứ miết vào quan tài như an ủi con.
Bà Cúc không thể khóc nữa dù khóe mắt luôn ươn ướt bởi đây đã là lần thứ ba bà khóc tiễn con. Cay đắng thay, cả ba người con trai của bà đều chết vì bom đạn chiến tranh.
Bà Cúc có tất cả 12 người con. Con trai cả của bà là liệt sĩ Ngô Dũng. Liệt sĩ Dũng tham gia cách mạng từ những năm 1960. Một đêm vào năm 1967, người mẹ già nhận được tin con trai tối đó có công tác về đồng bằng và sẽ ghé về nhà thăm mẹ.
Người mẹ bắt gà làm thịt sẵn chờ con. Nhưng nhóm công tác của ông Dũng bị phục kích. Ông Dũng trúng bom hi sinh khi mới 19 tuổi.
Năm 1974, thời điểm đất Quảng Trị đang loạn lạc, cả gia đình bà Cúc đi tản cư ở vùng Cam Lộ, Quảng Trị thì người con trai thứ bảy của bà là Ngô Thoảng, khi đó mới 13 tuổi, vấp trúng bom bi cũng mất.
“Tưởng như rứa là hết, nhất là khi đất nước đã hòa bình. Ai ngờ mạ tui lại thêm một lần mất con bởi bom đạn” - chị Ngô Thị Đông xót xa kể.
Anh Khiết có vợ và hai con. Mọi chuyện xảy đến quá bất ngờ đối với gia đình nhỏ này.
Ông Ngô Thiện Thăng, anh trai của anh Khiết, cho biết vợ anh Khiết nhiều năm không có việc làm, mới đây có gánh đậu phụ về bán tại chợ thị xã Quảng Trị. Con trai đầu mới lập gia đình và cũng đang làm hợp đồng cho một đơn vị viễn thông gần nhà.
Gần mười năm kể từ khi anh Khiết vào lực lượng rà phá bom mìn, gần như cuộc sống cả gia đình do một tay anh gánh vác.
Và anh Ngô Thiện Khiết đã nằm lại trên cánh đồng quê hương sau tiếng nổ định mệnh. Để có những mùa vàng no ấm cho người dân, hơn 40 năm qua những tiếng nổ vẫn vang lên trên cánh đồng Quảng Trị.
Truy tặng giải thưởng “Bạn đồng hành quanh tôi” Để ghi nhận, chia sẻ với sự hy sinh - vì sự bình yên của đồng bào qua công việc của các anh, chiều qua 19-5, Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã quyết định truy tặng giải thưởng "Bạn đồng hành quanh tôi" cho anh Ngô Thiện Khiết và trao giải thưởng này cho anh Nguyễn Văn Hảo. "Hiểu được sự rủi ro trong cái nghề nguy hiểm này nhưng anh Khiết hay động viên anh em rằng mình đang làm công việc vì bình yên của người thân, của đồng bào nên dù thế nào cũng phải chấp nhận đối mặt với nguy hiểm” - nhiều đồng đội của anh Khiết nói như thế khi nhớ về người đội trưởng tận tụy của mình. |
“Khảo sát bom chùm” là gì? Nhiệm vụ của những nhân viên Renew như đội của Ngô Thiện Khiết đang làm là việc “khảo sát bom chùm”. Nguyên lý là một khi phát hiện được bom chùm (bom bi), có nghĩa là khu vực xung quanh vị trí phát hiện sẽ có nhiều quả khác bởi bom chùm được rải trên một diện tích rộng từ quả “bom mẹ”(với hàng trăm quả bom bi con được tung ra). Khu vực khảo sát sẽ được xác định, phân tích, lập cơ sở dữ liệu và bàn giao cho trung tâm điều phối, từ cơ sở dữ liệu này trung tâm điều phối sẽ cử các nhóm khác đến hiện trường để xử lý sau cùng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận