15/04/2020 12:19 GMT+7

Vì sao xét nghiệm ca nhiễm corona lúc dương tính, lúc âm tính?

QUỐC NAM - NHẬT LINH - LAN ANH - HOÀNG LỘC
QUỐC NAM - NHẬT LINH - LAN ANH - HOÀNG LỘC

TTO - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết các phương pháp xét nghiệm chỉ đảm bảo chính xác 95%. Kết quả xét nghiệm còn phụ thuộc vào thời điểm lấy bệnh phẩm, phương pháp và kỹ thuật lấy mẫu.

Vì sao xét nghiệm ca nhiễm corona lúc dương tính, lúc âm tính? - Ảnh 1.

Hệ thống xét nghiệm COVID-19 mà Bệnh viện Trung ương Huế đang sử dụng - Ảnh: NHẬT LINH

Cách đây vài ngày, người dân Quảng Trị đã có một phen hốt hoảng sau kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 của hai người từ Lào vừa trở về nước. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, mẫu bệnh phẩm của hai người này lại được Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm và kết luận âm tính.

Kết quả dương tính được hệ thống xét nghiệm của Bệnh viện Trung ương Huế đưa ra. Vậy chuyện gì đã xảy ra với mẫu bệnh phẩm của hai người này khi cho ra hai kết quả trái ngược nhau ở hai trung tâm xét nghiệm cùng được Bộ Y tế cấp phép?

Dương, âm, dương...

Ông Hoàng Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh Quảng Trị - xác nhận việc có kết quả xét nghiệm dương tính từ Huế. Ông Nam nói sau đó lãnh đạo tỉnh lập tức huy động nhiều chuyến xe chạy lên khu cách ly ở Đakrông và Hướng Hóa để đưa tất cả những người có tiếp xúc hai người này về khu cách ly đặc biệt tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh. Tất cả những phương án chống dịch lây lan ngay lập tức được kích hoạt.

Ngay sau đó, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị gửi thêm hai mẫu bệnh phẩm của hai trường hợp nói trên vào Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm. Trong ngày 7-4, kết quả của hai mẫu bệnh phẩm này đã được Viện Pasteur Nha Trang công bố... âm tính. 

Để chắc chắn, ngày 8-4 tỉnh Quảng Trị gửi tiếp vào Nha Trang mẫu huyết thanh của hai trường hợp này. Kết quả của hai mẫu huyết thanh cũng âm tính. Phải đến lúc đó, lãnh đạo và người dân Quảng Trị mới nhẹ nhõm.

Bệnh nhân 22 (quốc tịch Anh) đã có kết quả dương tính sau 3 lần xét nghiệm âm tính. Đây là một trường hợp đặc biệt ở Việt Nam. Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng trường hợp giống như ca bệnh 22 không hiếm, vừa qua thế giới có báo cáo nhiều trường hợp tương tự dù trước đó được cách ly, điều trị đúng quy trình. 

Trong khi đó, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết đến thời điểm hiện tại chưa thể đánh giá được nguyên nhân của việc người bệnh sau 3 lần âm tính lại dương tính trở lại. "Cần phải có nhiều bằng chứng khoa học để đánh giá" - vị này nói.

Liên quan bệnh nhân người Anh dương tính sau khi 3 lần xét nghiệm âm tính, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết đang giao Cục Quản lý khám chữa bệnh và Cục Y tế dự phòng xem lại trường hợp được coi là cá biệt này. 

"Từ ca cá biệt này liệu có ra được khuyến cáo gì hay không cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng" - ông Sơn phát biểu.

Dương tính giả do lỗi phòng xét nghiệm?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Phạm Như Hiệp, giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết có hai khả năng dẫn đến kết quả xét nghiệm hai người từ Lào trở về nước dương tính. 

Khả năng thứ nhất là trong mẫu xét nghiệm của hai người này có chứa ARN của virus corona chung. Theo ông Hiệp, chủng virus corona có 7 loại thường gây bệnh trên người. Trong đó chỉ có loại SARS-CoV-2 là gây bệnh suy hô hấp cấp, tức đại dịch COVID-19 hiện nay. 

Theo quy trình của WHO (Tổ chức Y tế thế giới), bệnh viện sẽ thực hiện xét nghiệm ARN của chủng virus corona. Sau khi kết quả cho dương tính, bệnh viện sẽ thực hiện xét nghiệm lần 2 để phân loại xem có phải loại virus này thuộc loại SARS-CoV-2 hay không. Kết quả xét nghiệm lần 2 cho dương tính khi mẫu xét nghiệm có gen RdRp trong mẫu.

Khả năng thứ hai cho kết quả dương tính giả khi trong mẫu xét nghiệm bị nhiễm ARN của virus corona. GS Hiệp nói sự cố này có thể do thao tác kỹ thuật của nhân viên trong phòng xét nghiệm, khi để mẫu bệnh phẩm bị nhiễm ARN của virus từ mẫu xét nghiệm bệnh nhân dương tính khác trước đó hoặc ARN từ mẫu bất hoạt (trong mẫu chứng dương của bộ kit dùng để xét nghiệm COVID-19) không có khả năng gây bệnh.

Đối với trường hợp hai mẫu bệnh phẩm từ Quảng Trị nói trên, ông Hiệp cho rằng nhiều khả năng xuất hiện dương tính giả là do lỗi ở phòng xét nghiệm. 

"Bộ Y tế đã cho phép Bệnh viện Trung ương Huế kết luận xác định kết quả xét nghiệm COVID-19 để kịp thời phục vụ công tác phòng chống dịch theo quy định. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, chúng tôi vẫn gửi mẫu đi Viện Pasteur Nha Trang để cùng đối chứng kết quả giữa các trung tâm", ông Hiệp nói thêm.

Các phương pháp xét nghiệm chỉ đảm bảo chính xác 95%

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết các phương pháp xét nghiệm chỉ đảm bảo chính xác 95%. Theo ông Tuyên, vừa qua nhân việc tại Quảng Ninh ghi nhận 2 ca bệnh đã xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính và lại âm tính, Bộ Y tế đã họp với các viện đầu ngành.

Các phương pháp xét nghiệm cho đến nay không có phương pháp nào cho kết quả chính xác 100%, mà 95% tối đa nhất, 5% là không chính xác, có thể mẫu đó rơi vào khoảng này.

Kết quả xét nghiệm còn phụ thuộc vào thời điểm lấy bệnh phẩm, phương pháp và kỹ thuật lấy mẫu.

Thực tế chống dịch đến nay có trường hợp kết quả xét nghiệm là dương tính giả ngay ở viện đầu ngành, nhưng viện thấy chưa ổn đã xét nghiệm lại và cho kết quả âm tính. Xét nghiệm nhanh có 38 trường hợp dương tính sau âm tính. Vì thế quy định là 3-5 ngày xét nghiệm lại một lần, không phải dương tính là điều trị và cách ly luôn.

4 bệnh nhân COVID-19 âm tính rồi dương tính lại, vì sao? 4 bệnh nhân COVID-19 âm tính rồi dương tính lại, vì sao?

TTO - Đã có 4 ca bệnh COVID-19 có kết quả xét nghiệm âm tính rồi dương tính lại, thậm chí bệnh nhân 22 sau điều trị tại Đà Nẵng đã khỏi bệnh, được ra viện, sau đó xét nghiệm lại dương tính, vì sao?

QUỐC NAM - NHẬT LINH - LAN ANH - HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp