Mô hình hồ chứa nước tại gia - tài liệu do Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM cung cấp |
Ý tưởng hồ chứa nước nhiều cấp để tạm giữ nước mưa giảm tải cho hệ thống thoát nước chung của Thành phố Hồ Chí Minh rất đáng được xem xét và mọi nhà có điều kiện nên hưởng ứng và cùng thực hiện, tuy nhiên cũng có nhiều vấn đề cần thận trọng và phải nghiên cứu kỹ. Xin góp thêm mấy vấn đề sau đây.
Ý tưởng này phù hợp cho nhiều vùng, khu vực thường xuyên bị ngập và hoàn toàn khả thi. Chỉ cần trong năm năm tới thực hiện được cộng đồng hóa việc chứa nước hoặc ngầm hay nổi trong hộ dân có điều kiện, kết hợp với công trình nhà nước tại các vùng đất công cộng đạt 10-20% diện tích bề mặt để chứa được thêm 50-70 % lượng nước trên bề mặt hiện hữu thời gian qua ở các khu vực thấp thường xuyên ngập trên mặt đường sau những đợt mưa hay triều cường, nhiều nơi sẽ giảm thấp hoặc không còn bị ngập như hiện nay.
Vì vừa qua không phải cứ mưa là ngập nặng, mà chỉ xảy ra vào những đợt mưa lớn dồn dập hay triều cường và chỉ ngập trong vài ba ngày do không thoát kịp, không ngăn được nước triều cường. Với chừng ấy khối lượng chứa thêm và ngăn tốt nước sông xâm nhập sẽ điều hòa được “lượng nước đột xuất” để hệ thống kịp tiêu thoát sau đó.
Ý tưởng hồ chứa nước nhiều cấp để tạm giữ nước mưa giảm tải cho hệ thống thoát nước chung của Thành phố Hồ Chí Minh rất đáng được xem xét và mọi nhà có điều kiện nên hưởng ứng và cùng thực hiện, tuy nhiên cũng có nhiều vấn đề cần thận trọng và phải nghiên cứu kỹ.
Hồ chỉ nên xây ở nơi công cộng
Các hồ chứa nước nhiều cấp đó phải có tính liên kết đơn hoặc thành hệ thống liên hoàn thống nhất và thỏa mãn yêu cầu tối quan trọng là: phải luôn có độ rỗng đủ sức tiếp nhận lượng nước mới cần thiết cho việc thực hiện chức năng điều tiết chống được ngập nhất định trong mùa mưa hay các đợt triều cường cao nước lỡ tràn thì mới có thể chứa nước, mới có tác dụng điều hòa chống ngập trên mặt đường.
Tức là phải thông liên hoàn với trạm bơm hoặc gần bờ sông rạch có biên độ nước lớn - ròng cao và có cửa van được thiết kế tự đóng - mở một chiều cho nước ra sông mà không trở vào hồ được.
Bởi nếu hồ đầy nước thì không tiếp nhận được nước mới, sẽ không còn tác dụng điều hòa, điều tiết nước chống ngập, khi đó không còn hiệu quả.
Có thể tận dụng vỉa hè rộng, công viên, khuôn viên cơ quan, nhà dân rộng có điều kiện diện tích rộng để làm hồ nổi, hoặc bán nổi chứa nước sạch dùng trong sinh hoạt hoặc hồ chìm chứa nước tham gia điều hòa chống ngập, và nên phát động xã hội hóa với sự hỗ trợ kinh phí, mẫu thiết kế và kỹ thuật thi công từ các ngành chức năng để thành phong trào rộng.
Có thể vận động ở đâu có điều kiện thì làm hồ chứa nước theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm cùng chống ngập, cùng tận dụng nước mưa sạch cho sinh hoạt và phòng chống cháy.
Thống nhất nên chọn nhiều kích cỡ hồ, thiết kế có nắp kín hay lộ thiên phù hợp từng nơi, sao cho an toàn với mọi người không để ai bị chết đuối trong hồ.
Làm ngầm trên vỉa hè, công viên, khuôn viên, trên đường đi bộ cũng phải có nắp đậy, chịu tải nhất định và độ bền an toàn cao. Nếu làm hồ lớn phía sau khu vườn, sau khu dân cư, hồ có diện tích hàng hecta thì phải lộ thiên, không bêtông hóa nền đáy nhưng cần có rào chắn an toàn và có phương án dự phòng phục vụ vét bùn đáy định kỳ, hợp lý.
Giải pháp thi công nên chọn phương án thi công lắp ghép công nghiệp để có thể làm nhanh và làm hàng loạt bằng các tấm bêtông chịu lực đúc sẵn ở nhà máy đúc các cấu kiện chuyên dùng.
Để tiện khi lắp ghép các tấm bêtông có chừa khớp nối âm - dương và dùng trụ đỡ bêtông như trụ làm cầu để tăng cường sức chịu lực cho khớp nối và những vách có khoảng cách rộng, chống thấm bằng nhiều loại công nghệ, phương án phù hợp tùy mục đích sử dụng nước sẽ tích chứa.
Không xây hồ trên mái nhà, ban công hay tầng thượng
Chuyện xây hồ hay dùng vật chứa nước trên sân thượng, trên mái nhà hay ban công đều không nên vì chẳng hứng được bao nhiêu nước mưa mà còn làm nặng tải thêm cho kết cấu, nền móng, đôi khi lại rất nguy hiểm.
Chỉ nên làm hồ nổi, bán nổi hoặc hồ ngầm có chống thấm tốt an toàn trong nhà, trong khuôn viên trống sân nhà để kết hợp thêm chứa nước mưa sạch dùng cho sinh hoạt và có nguồn nước dự phòng phòng chống cháy ban đầu là điều nên làm.
Chúng tôi đã xây hồ chứa nước mưa sạch để uống và dùng sinh hoạt từ nhiều năm qua rất có hiệu quả và tiết kiệm được nhiều tiền nước.
Nếu mỗi nhà có điều kiện mặt bằng, có được hồ chứa 5-7m3 hay nhiều hơn cũng tích được đáng kể lượng nước mưa sạch để chi dùng trong những cơn mưa vừa, mưa nhỏ, nhưng những đợt mưa lớn do áp thấp, do bão thì tác dụng điều hòa chống ngập không còn ý nghĩa mấy!
Lộ trình thực hiện là nơi nào ngập thì đầu tư kinh phí ngân sách làm trước, làm khẩn trương và làm lớn nhưng phải đảm bảo độ bền và tính an toàn mọi mặt.
Đồng thời thành phố phải có giải pháp ngăn chặn hiệu quả hiện tượng lấn chiếm, san lấp kênh rạch, cản trở đường thoát nước hay gây đọng nước mặt đường, nếu khu vực nào có điều kiện nên phục hồi dòng chảy ở những nơi bị lấn chiếm trả lại hiện trạng ban đầu cho kênh rạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận