24/08/2020 15:30 GMT+7

Vì sao Trung Quốc ngăn chặn mukbang - loại video ăn uống thừa thãi ê hề?

MI LY
MI LY

TTO - Trung Quốc 'tuýt còi' các video mukbang để chống lãng phí thực phẩm và bài trừ thói ăn uống kém lành mạnh khi một người ăn gấp chục lần bình thường.

Vì sao Trung Quốc ngăn chặn mukbang - loại video ăn uống thừa thãi ê hề? - Ảnh 1.

Video mukbang và ASMR thích mắt, đã tai nhưng đằng sau là khá nhiều hệ lụy - Ảnh: BOKYOUNG

Mukbang (vừa ăn vừa quay video) ra đời ở Hàn Quốc 10 năm trước, rất thịnh hành trong những năm qua. Những người làm video mukbang được ví von là "cô gái nhỏ có cái dạ dày khổng lồ", thường là các cô gái xinh đẹp ngồi sau một chiếc bàn ngập đồ ăn, dù không phải người làm mukbang nào cũng là nữ và thon thả.

Sau mukbang, một dạng video tương tự xuất hiện và gây sốt không kém là ASMR - nghe người khác ăn. ASMR là cụm từ chỉ phản ứng kích thích và đê mê do âm thanh chân thực gây ra, và ở video này là âm thanh tiếng nhai đồ ăn.

Ăn khách nhưng nhiều hệ lụy, dạng video này đang bị Trung Quốc ngăn chặn và bài bác.

Được ưa chuộng nhưng ngày càng biến tướng

Vì mukbang và ASMR được ưa chuộng trong nhiều năm qua, nhân vật trong các chuỗi video này cũng trở thành những "influencer" nổi tiếng và thu hút các nhãn hàng. Với khán giả Việt Nam, YouTuber mukbang nổi bật là Quỳnh Trần JP, người sở hữu kênh 3,35 triệu lượt theo dõi.

Còn ở Trung Quốc, Mi Zi Jun là một trong những vlogger nổi tiếng với 17 triệu người theo dõi qua Weibo. Cô có những bữa ăn bao gồm 4kg gạo, 8 bát mì và 80 chiếc bánh bao hấp - gấp hàng chục lần so với khẩu phần ăn của người bình thường.

Vì sao Trung Quốc ngăn chặn mukbang - loại video ăn uống thừa thãi ê hề? - Ảnh 2.

Mi Zi Jun nổi tiếng nhờ ăn hết tô cơm nấu từ 4kg gạo trong một cuộc thi - Ảnh: CHINA DAILY

Mini, một ngôi sao mukbang khác có 10 triệu lượt theo dõi, từng ăn 800 con tôm hùm đất trong một tiếng đồng hồ.

Dù có khẩu phần khổng lồ, nhiều vlogger mukbang có dáng người gầy khiến họ bị nghi dối trá, giả vờ ăn để lừa người xem. Đầu tháng 8, YouTuber Boki của Hàn Quốc bị lên án vì video có dấu hiệu cắt ghép. Khán giả nghi cô chỉ nhai thức ăn rồi nhả ra chứ không thực sự ăn hết "núi" thức ăn khổng lồ.

Nhưng giả dối không phải hệ lụy lớn nhất của video mukbang. Hình ảnh thức ăn "thừa thãi, ê hề" trong các video khiến người xem lấn cấn về nguy cơ lãng phí, nhất là khi có hiện tượng ăn giả, nhai rồi nhả ra.

Vì sao Trung Quốc ngăn chặn mukbang - loại video ăn uống thừa thãi ê hề? - Ảnh 3.

Những thử thách ăn uống của giới làm video mukbang - Ảnh: YOUTUBE

Bên cạnh đó, thói quen ăn uống xung quanh mukbang không hề lành mạnh, gây ảnh hưởng xấu đến người trẻ. Nhiều khán giả có thói quen vừa ăn vừa xem trong thời gian dài, gây rối loạn tiêu hóa.

Còn chính bản thân người làm mukbang cũng đối mặt với những nguy cơ về sức khỏe như chứng béo phì hay bệnh tim mạch.

Chiến dịch "Đĩa sạch": Hãy trân trọng đồ ăn

Theo BBC, tháng 8 này chính quyền Trung Quốc công bố chiến dịch "Đĩa sạch" nhằm kêu gọi chống lãng phí thực phẩm. Tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm ngày càng gia tăng tại Trung Quốc. Chiến dịch "Đĩa sạch" ra đời nhằm nâng cao nhận thức người dân về an ninh lương thực.

Do đó, các video mukbang thừa thãi đồ ăn bị coi là đi ngược lại chủ trương. Đài CCTV của Trung Quốc thực hiện nhiều bản tin, phóng sự phê phán người làm mukbang, kêu gọi thay đổi hành vi lãng phí thức ăn. Trên các trang web video xuất hiện thông điệp màu vàng cảnh báo người xem.

Vì sao Trung Quốc ngăn chặn mukbang - loại video ăn uống thừa thãi ê hề? - Ảnh 4.

Ngôi sao mukbang Mini bên núi đồ ăn - Ảnh: VCG

Trên các nền tảng phát video của Trung Quốc, các video ăn uống bị làm mờ khiến chúng kém thu hút đối với người xem. Về lâu dài, cách làm này có thể khiến các video mukbang sụt giảm lượt xem đáng kể, khán giả cũng giảm hứng thú.

Các công ty công nghệ vào cuộc. Khi khán giả tìm kiếm các từ khóa để xem mukbang như "chương trình ăn uống" hay "livestream ăn uống", họ gặp phải những ghi chú cảnh báo. Trên Tik Tok, một cửa sổ pop-up sẽ nhảy ra và khuyên người dùng: "Trân trọng thực phẩm, từ chối lãng phí, ăn uống đúng cách và sống lành mạnh".

Để "gỡ gạc" danh tiếng và hưởng ứng chiến dịch của chính quyền, các vlogger mukbang không thể quay lưng với lời kêu gọi. Vlogger Mini xuất hiện trong đoạn phim cổ động trên Guangming Daily, kêu gọi người xem không lãng phí đồ ăn. Trong một đoạn quảng cáo, cô này nói: "Đồ ăn hâm nóng cũng rất ngon".

mukbang 3

Mukbang bị coi là phản ánh lối sống của một thế hệ cô độc - Ảnh: BBC

Ăn trước màn hình máy tính: thói quen của người cô độc

Mukbang ra đời gắn với thói quen ăn một mình tại nhà của những người cô độc. Hầu hết khán giả của vlogger Muk Sna (Hàn Quốc) đến từ Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc.

Nói với BBC, cô lo lắng hàng chục ngàn khán giả của mình là những người cô độc, tìm kiếm cảm giác có người bầu bạn khi ăn tối trước màn hình máy tính hoặc điện thoại.

Nhưng đây không phải thói quen lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nên việc các video mukbang khuyến khích, dung dưỡng thói quen này cũng là điều không nên.

TikTok khác xa với âm nhạc YouTube TikTok khác xa với âm nhạc YouTube

TTO - Cũng là âm nhạc thời nghe nhìn nhưng âm nhạc TikTok khác xa với âm nhạc YouTube, về mọi khía cạnh.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp