Ngày 13-9, Triều Tiên lần đầu tiên công bố hình ảnh về cơ sở làm giàu uranium của nước này, theo Hãng tin AFP và Reuters.
Theo đó, bản tin của truyền thông Triều Tiên về chuyến thăm của ông Kim Jong Un tới Viện Vũ khí hạt nhân và một cơ sở sản xuất vật liệu hạt nhân cấp vũ khí của nước này có đăng kèm những bức ảnh đầu tiên về các máy ly tâm, cung cấp cái nhìn hiếm hoi về chương trình hạt nhân của Triều Tiên - chương trình vốn bị cấm theo nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Các bức ảnh cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đi giữa những hàng dài máy ly tâm kim loại - những máy làm giàu uranium. Không rõ chuyến thị sát diễn ra vào thời gian nào cũng như địa điểm cụ thể của cơ sở trên.
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), ông Kim "nhấn mạnh nhu cầu tăng thêm số lượng máy ly tâm để tăng gấp bội vũ khí hạt nhân phục vụ mục đích tự vệ".
Ông Kim kêu gọi sản xuất thêm vật liệu cho vũ khí hạt nhân chiến thuật, nói rằng kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đóng vai trò quan trọng để đối phó với các mối đe dọa từ Mỹ và đồng minh của Washington.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho rằng "mối đe dọa hạt nhân chống lại CHDCND Triều Tiên" từ "các lực lượng do Mỹ dẫn đầu" đã vượt qua lằn ranh đỏ.
Những cơ sở như trên sản xuất uranium có độ giàu cao - thứ cần thiết để sản xuất đầu đạn hạt nhân - bằng cách quay vật liệu ban đầu trong máy ly tâm ở tốc độ cao.
Theo Reuters, Triều Tiên được cho là có vài địa điểm làm giàu uranium. Các nhà phân tích nói rằng hình ảnh vệ tinh thương mại đã cho thấy hoạt động xây dựng trong những năm gần đây tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên, gồm cả nhà máy làm giàu uranium, cho thấy khả năng mở rộng.
Triều Tiên gửi thông điệp tới Mỹ?
Theo Hãng tin AFP, các chuyên gia cho rằng việc Triều Tiên đột ngột công bố những hình ảnh đầu tiên về cơ sở làm giàu uranium có thể nhằm mục đích tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Nhà phân tích Hong Min tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc nhận định những hình ảnh nói trên là "thông điệp gửi tới chính quyền tiếp theo của Mỹ rằng việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên là điều không thể".
"Đây cũng là thông điệp yêu cầu các nước khác thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân" - ông Hong Min nói thêm.
Tuy nhiên, nhà phân tích này lưu ý khó có khả năng vụ tiết lộ này sẽ nhanh chóng được tiếp nối bằng một vụ thử hạt nhân khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận