11/03/2023 07:59 GMT+7

Vì sao trên bàn ông Tập Cận Bình có hai tách trà?

Việc được bầu làm chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba đã đưa ông Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong nhiều thế hệ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện với ông Lý Cường, người dự kiến lên làm thủ tướng, tại kỳ họp Quốc hội khóa 14 ở Bắc Kinh ngày 10-3. Trước mặt ông Tập là hai tách trà, trong khi ông Lý chỉ có một tách - Ảnh: Reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện với ông Lý Cường, người dự kiến lên làm thủ tướng, tại kỳ họp Quốc hội khóa 14 ở Bắc Kinh ngày 10-3. Trước mặt ông Tập là hai tách trà, trong khi ông Lý chỉ có một tách - Ảnh: Reuters

Ngày 10-3, tại kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc), Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã được các đại biểu bầu lại làm chủ tịch nước và chủ tịch Quân ủy trung ương nhiệm kỳ thứ ba, đến năm 2028, với số phiếu tuyệt đối 2.952/2.952.

Một người, hai tách trà

Ông Tập - người bước sang tuổi 70 vào tháng 6 tới - tái đắc cử chủ tịch nước sau khi tiếp tục được bầu làm tổng bí thư tại Đại hội 20 vào tháng 10-2022.

Trong lễ tuyên thệ nhậm chức được phát trực tiếp trên truyền hình quốc gia, ông Tập giơ nắm tay phải lên và đặt tay trái lên bản sao Hiến pháp bìa bọc da màu đỏ, tuyên bố sẽ "xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa thịnh vượng, hùng mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp".

Việc được bầu làm chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba đã củng cố quyền lực của ông Tập.

Trước đây không có lãnh đạo Trung Quốc nào giữ vai trò nguyên thủ quốc gia trong hơn 10 năm, kể cả người sáng lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa - Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Theo Hãng tin AFP, như vậy ông Tập đã trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong nhiều thế hệ.

Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã đặt ra giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước (hai nhiệm kỳ) trong Hiến pháp Trung Quốc vào năm 1982.

Tuy nhiên, tháng 3-2018 Quốc hội Trung Quốc thông qua các nội dung sửa đổi Hiến pháp, trong đó bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước.

Tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm nay, giới quan sát nhận thấy một biểu tượng đặc biệt cho thấy quyền lực của ông Tập: trước mặt ông Tập là hai tách trà, trong khi những người khác chỉ có một tách trà.

Hai tách trà cũng từng xuất hiện trước mặt ông Tập tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc vào tháng 3-2021, nhưng lúc đó một số người nghĩ đó chỉ là biện pháp nào đó liên quan dịch COVID-19.

Ở Trung Quốc có thành ngữ "Người đi, trà nguội".

Mùa hè 2015, Nhân Dân Nhật Báo xuất bản bài viết mang tính biểu tượng khuyến khích "người đi, trà nguội" mà thực chất là kêu gọi những người lớn tuổi đã nghỉ hưu trong Đảng Cộng sản Trung Quốc nên rời chính trường thay vì níu giữ quyền lực, cố gắng "giữ cho tách trà của mình luôn nóng".

Tuy nhiên, với cảnh tượng hai tách trà trước mặt ông Tập vào năm 2021, tạp chí Nikkei từng cho rằng điều đó như muốn nói chẳng những trà của ông Tập không nguội, dù ông đã có một thập niên tại vị, mà còn có một tách trà nóng nữa đang chờ ông nhâm nhi.

Trung Quốc đã thay đổi phi thường

Báo The Guardian bình luận một thập niên qua, kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, Trung Quốc đã có "sự thay đổi phi thường".

Trong hơn 10 năm nắm quyền, ông Tập đã nỗ lực diệt trừ nạn tham nhũng thông qua chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi", tuyên bố đã loại bỏ nguy cơ tham nhũng tiềm ẩn nghiêm trọng bên trong Đảng, Nhà nước và quân đội.

Ông cũng đã đưa ra một loạt chính sách về kinh tế, quốc phòng, xã hội... thúc đẩy vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Ông đã tìm cách giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào xuất khẩu và tăng tiêu dùng nội địa, ra lệnh hiện đại hóa quân đội, đồng thời tuyên bố chiến thắng hoàn toàn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo tại đất nước 1,4 tỉ dân.

Giờ đây có thể nói ông Tập đã nắm chắc quyền lực, nhưng ông sẽ phải đối mặt với vô số thách thức cả trong và ngoài nước trong năm năm tới.

Trong nước, nền kinh tế Trung Quốc vật lộn với nhiều khó khăn để phục hồi sau ba năm áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt phòng COVID-19.

Tại kỳ họp Quốc hội lần này Trung Quốc chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế "khiêm tốn" khoảng 5% năm 2023. Ngoài ra, niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm và nguy cơ khủng hoảng nhân khẩu học khi quốc gia này ghi nhận dân số (năm 2022) giảm lần đầu tiên sau 60 năm.

Ngoài nước, Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt trở ngại ngoại giao từ Mỹ và các nước phương Tây khác, khi quan hệ giữa Trung Quốc và các nước này ngày càng căng thẳng trong những năm gần đây vì vấn đề quyền con người, hoạt động quân sự của Bắc Kinh, đại dịch COVID-19 và vì mối quan hệ đối tác trở nên thân thiết giữa Trung - Nga.

Đầu tuần này, ông Tập đã chỉ trích trực tiếp Mỹ. Trong những bình luận được coi là bất thường này, ông Tập cáo buộc Washington đang dẫn đầu chiến dịch chèn ép Trung Quốc.

"Các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã kiềm chế và chèn ép chúng ta một cách toàn diện. Điều này gây ra những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của chúng ta" - ông Tập nói với một nhóm cố vấn chính phủ đại diện cho các doanh nghiệp tư nhân bên lề kỳ họp Quốc hội.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 10-3 nhân dịp ông Tập Cận Bình được Quốc hội Trung Quốc bầu làm chủ tịch nước và chủ tịch Quân ủy trung ương nhiệm kỳ thứ ba, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Võ Văn Thưởng đã gửi điện mừng.
Ông Tập Cận Bình đắc cử Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ thứ baÔng Tập Cận Bình đắc cử Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba

Ngày 10-3, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) nhất trí bầu ông Tập Cận Bình giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp