06/10/2020 11:06 GMT+7

Vì sao trên 9 điểm mỗi môn vẫn rớt ngành báo chí?

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Ngành báo chí với tổ hợp C00 có điểm chuẩn lên đến 27,50 trở thành ngành học có điểm cao nhất trong mùa tuyển sinh năm nay của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay. Vì sao?

Vì sao trên 9 điểm mỗi môn vẫn rớt ngành báo chí? - Ảnh 1.

TS Phạm Tấn Hạ luôn dành nhiều thời gian trong các buổi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ để giải đáp cho các thí sinh quan tâm ngành báo chí - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Không phải học ngành báo chí mới ra làm báo được. Nhiều người học ngành học khác nhưng có năng khiếu, kiến thức tốt và có đam mê khi học một ngành khác vẫn hoàn toàn có thể làm báo được. Bên cạnh đó sinh viên các ngành khác của trường có kết quả học tập loại năm 1 khá trở lên, có thể học thêm ngành thứ 2 là báo chí

TS Phạm Tấn Hạ

Với mức điểm trên, không ít thí sinh đạt trên 9 điểm mỗi môn (thang điểm 10) trong tổ hợp C00 (văn - sử - địa) vẫn rớt ngành báo chí. Ngành báo chí tổ hợp D01, D14 có điểm trúng tuyển 26,15. Trong khi ngành báo chí (chương trình chất lượng cao) tổ hợp C00 điểm chuẩn 26,8; tổ hợp D01, D14 điểm chuẩn 25,4.

Việc ngành báo chí vươn lên vị trí cao nhất về mức điểm trúng tuyển vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong năm nay thật ra không quá bất ngờ với thí sinh. Lịch sử tuyển sinh của trường này trong suốt gần 20 năm qua, ngành báo chí luôn là ngành hot nhất với mức điểm chuẩn luôn cao chót vót, trong số các ngành có điểm cao nhất trường.

Trong mùa tuyển sinh năm 2017, tại trường này, ngành báo chí khối C00 cũng có điểm chuẩn 27,25, so với năm nay điểm ngành này tăng thêm 0,25. Vì sao ngành học này có sức hút thí sinh mạnh mẽ đến vậy?

Theo TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), thực tế cho thấy đa số thí sinh chọn các ngành hot của trường, đặc biệt là ngành báo chí đều có học lực giỏi trở lên, có điểm rất cao dẫn đến việc đẩy mức điểm chuẩn tăng cao.

"Nhiều năm qua cho thấy chất lượng thí sinh trúng tuyển vào ngành báo chí của trường đều rất giỏi. Dù tuyển khối C00 là chủ yếu nhưng thực tế điểm trung bình các môn học của những thí sinh này đều rất cao từ 8 trở lên, phản ánh đúng năng lực của họ", ông Hạ chia sẻ.

Năm 2020, trường dành 100 chỉ tiêu ngành báo chí (chương trình chuẩn), 60 chỉ tiêu (chương trình chất lượng cao và 60 chỉ tiêu ngành truyền thông đa phương tiện.

Lý giải về độ hot của ngành học này, TS Phạm Tấn Hạ cho rằng: "Hiện nay ở phía Nam hiện nay trường chúng tôi là nơi đào tạo ngành báo chí lớn và sớm nhất. Một số trường ở Huế và Đà Nẵng vài năm gần đây cũng có đào tạo ngành này nhưng thật ra môi trường để sinh viên ngành báo được ‘dụng võ’ ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường không đâu bằng TP.HCM - nơi tập trung đông nhất các cơ quan báo chí, truyền thông của cả nước. Do vậy, những bạn trẻ yêu thích ngành báo chí đều mong muốn được theo học ngành này tại trường chúng tôi".

Với mức độ cạnh tranh của ngành báo chí ngày càng tăng, vài năm gần đây nhà trường tách thành hai ngành: báo chí và truyền thông để thêm cơ hội cho các bạn trẻ yêu thích lĩnh vực truyền thông, đồng thời phần nào giúp "hạ nhiệt" điểm chuẩn ngành báo chí nhưng thực tế cả hai ngành này vẫn hot như thường với mức điểm luôn rất cao.

ThS Trần Nam - trưởng phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp nhà trường, nhận định: "Nhiều năm qua, các bạn trẻ nhận thấy cơ hội làm việc trong lĩnh vực báo chí truyền thông là rất lớn. Những sinh viên tốt nghiệp ngành này ra trường đều được làm việc đúng chuyên môn, thoả đam mê của họ.

Quan trọng hơn là sinh viên ngành này ra trường nếu không làm báo cũng có thể làm công việc chuyên môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan nhà nước…Do vậy, ngành báo chí luôn thu hút sự quan tâm rất lớn của thí sinh".

Nhìn ở góc độ thực tế hơn, TS Phạm Tấn Hạ còn cho biết thêm: "Một lý do khiến ngành báo chí hấp dẫn là thu nhập của sinh viên báo chí sau khi tốt nghiệp được xem là ổn định nhất so với các ngành còn lại. Thậm chí rất nhiều sinh viên báo chí có thu nhập khấm khá ngay từ khi còn đi học qua việc cộng tác với nhiều cơ quan báo chí truyền thông".

Điểm chuẩn ngành báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) 10 năm qua:

Năm 2010: 20 điểm (khối C, D1)

Năm 2011: 19,5 điểm (khối C, D1)

Năm 2012: 21,5 điểm (khối C, D1)

Năm 2013: 22 điểm (khối C); 21,5 điểm (khối D1)

Năm 2014: 22 điểm (khối C, D1)

Năm 2015: 25,75 điểm (khối C); 23,75 điểm (khối D1, D14)

Năm 2016: 25 điểm (khối C00); 22,25 điểm (khối D01, D14)

Năm 2017: 27,25 điểm (khối C00); 25,50 điểm (khối D1, D14)

Năm 2018: 24,6 điểm (khối C00); 22,6 điểm (khối D1, D14)

Năm 2019: 24,7 điểm (khối C00); 24,1 điểm (khối D1, D14)

Năm 2020: 27,50 điểm (khối C00); 26,15 điểm (khối D01, D14).

Điểm chuẩn ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: 10 ngành lấy từ 26 điểm Điểm chuẩn ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: 10 ngành lấy từ 26 điểm

TTO - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Mở TP.HCM vừa công bố điểm chuẩn.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp