Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu - Ảnh: Kremlin |
Có những câu hỏi chung giới quan sát Nga lẫn phương Tây đều đặt ra sau , đó là nên diễn dịch lời của ông Putin như thế nào, tác động của sự kiện này đối với cuộc nội chiến Syria ra sao.
“Tôi cho rằng các nhiệm vụ đặt ra đối với Bộ Quốc phòng nhìn chung đã hoàn thành. Vì thế tôi ra lệnh từ ngày 15-3, Nga sẽ bắt đầu rút các lực lượng quân sự chính ra khỏi Sryia” - truyền thông Nga dẫn lời ông Putin trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu và Ngoại trưởng Sergey Lavrov ngày 14-3.
Chuyên gia Nga: Matxcơva không muốn lặp lại kịch bản Afghanistan
Theo báo Expert.ru, nhà phân tích Petr Skorobogatyi cho rằng quân đội Nga rút lui vào lúc này là đúng thời điểm và Matxcơva không dại gì dính vào một cuộc xung đột kéo dài và lặp lại kịch bản Afghanistan như trước đây.
Có thể kể ra vài yếu tố thuận lợi: quân đội Syria đã được trang bị đầy đủ và đang trên đà tấn công IS; đàm phán hòa bình đang tiến triển; Nga vẫn giữ được các căn cứ tại Trung Đông; quân đội Nga đã chứng tỏ khả năng của mình cho thế giới thấy...
Theo ông Skorobogatyi, quyết định rút quân của Nga có thể bất ngờ đối với thế giới, chỉ trừ các đồng minh của Nga. Có vài kịch bản như sau:
1. Thay cho lực lượng mà Nga rút khỏi Syria sẽ có một lực lượng khác thay thế, có thể là Iran hoặc Trung Quốc.
2. Nga có thể đang lặp lại chiến lược đã từng thực hiện đối với Crimea: âm thầm chuẩn bị - đánh nhanh và dứt điểm - tuyên bố chiến thắng và chủ động lặp lại hòa bình - rút quân và chuyển sang quá trình “kiểm soát dân sự”.
3. Đây có thể là một thỏa thuận ngầm giữa Nga và Mỹ, “Syria đổi lấy Ukraine” theo như một số tin đồn gần đây.
4. Một kịch bản thỏa thuận khác với Mỹ: Nga sẽ trở lại Syria và lần này trong tư cách đồng minh của Washington trong cuộc chiến chống IS.
5. Nga tin tưởng vào kết quả của đàm phán hòa bình đang diễn ra và khả năng chấm dứt xung đột tại Syria.
6. Nga không muốn dây dưa và lún sâu hơn vào cuộc chiến với những quyết định gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Assad. Tuy rút quân, Matxcơva vẫn sẽ giúp đồng minh của mình.
7. Động thái rút quân của Nga là ứng phó trước tối hậu thư của Mỹ và đồng minh, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, rằng nếu quân đội Syria không ngừng bắn, họ sẽ mở chiến dịch tấn công Assad. Sau vụ khủng bố mới đây tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ hết trách nhiệm lên các phiến quân người Kurd và có khả năng đây sẽ là cái cớ cho họ tấn công sang lãnh thổ Syria.
Chuyên gia phương Tây: một cuộc rút lui chiến lược
Viết trên tờ Wall Street Journal, giáo sư Stephen Sestanovich từ ĐH Columbia (Mỹ) nhận định lời giải thích cho quyết định của ông Putin có thể rất đơn giản: Tổng thống Nga chưa bao giờ có ý định kéo dài chiến dịch quân sự tại Syria.
Đặt trường hợp ông Putin đã đạt được các mục đích của mình và thấy được việc Nga dính sâu vào cuộc nội chiến Syria không có lợi thì quyết định rút quân là hoàn toàn dễ hiểu.
Tuy nhiên, giáo sư Sestanovich cũng cho rằng có rất nhiều kịch bản có thể xảy ra tùy theo cách hiểu “rút quân” của ông Putin. Một số kịch bản và nguyên nhân của việc Nga rút quân khỏi Syria theo giáo sư Sestanovich:
1. Ông Putin sẽ không thực hiện đúng những gì mình nói. Nếu tốc độ rút quân của Nga quá chậm hoặc quân số rút đi quá ít ỏi thì tuyên bố của ông Putin trở nên không có ý nghĩa.
2. Chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad đang suy yếu và ông Putin đã đưa ra một lựa chọn trong lúc vẫn còn nhiều lợi thế.
3. Phương Tây bắt đầu hành động. Nếu hòa đàm Geneva không tiến triển, dòng người tị nạn tiếp tục đổ vào châu Âu, IS vẫn vững mạnh, chia rẽ ở Syria thêm sâu sắc… khó mà nói phương Tây sẽ ngồi yên mà không hành động.
Có thể thấy chỉ một quyết định của Tổng thống Nga có thể dẫn đến vô số suy đoán. Tóm lại có lẽ là nhận định của báo New York Times: ông Putin ít có gì để mất khi quyết định rút quân khỏi Syria. Nga có thể dễ dàng triển khai lại lực lượng từ các căn cứ tại Syria và vẫn tiếp tục hỗ trợ quân đội Syria cùng các đồng minh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận