Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte được cho là có bắt tay và nói chuyện dăm điều với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị cấp cao ASEAN và đối tác ở Vientiane, Lào vào tháng 9 vừa qua - Ảnh: Reuters |
Không phải vô cớ khi Đài CNN, cơ quan truyền thông hàng đầu của Mỹ đăng tải bài viết với tựa đề "Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Rodrigo Duterte rời bỏ Mỹ?". Bài viết đăng ngày 6-10 của chuyên gia Mathew Davies, trưởng khoa Quan hệ quốc tế của Đại học quốc gia Úc.
Xét theo những diễn biến liên tục trong tuần này, thậm chí dài ra hơn một chút là trong 100 ngày cầm quyền của ông Duterte, sẽ thấy đó là một chuỗi những phát ngôn có chủ đích chứ không hẳn mang tính nóng giận nhất thời.
Từ những mạt sát đại diện ngoại giao Mỹ tại Philippines cho đến cả nhà lãnh đạo cao nhất của cường quốc hàng đầu thế giới, xen vào đó là những tuyên bố đuổi sĩ quan cố vấn Mỹ, không thèm tập trận thêm với Mỹ... cho thấy nhà lãnh đạo của Manila thực sự như chỉ chờ lên nắm quyền để giải quyết mối thâm thù với Mỹ.
Bài báo trên trang mạng của CNN ngày 6-10 |
"Giọt nước" vi phạm nhân quyền
Mới nhất, trong loạt ba bài phát biểu trong ngày 4-10, ông nói thẳng: "Tôi thà quỳ gối trước mặt Quốc vương Brunei hay Thái Lan còn hơn là quỳ gối trước Mỹ. Đó là cách hành xử từ trước đến nay của tôi".
Theo ông Duterte, lẽ ra Mỹ phải ủng hộ việc Philippines giải quyết triệt để vấn nạn ma túy tồn tại dai dẳng trong nước nhưng thay vì thế, Mỹ lại quay ra chỉ trích ông và Liên minh châu Âu (EU) cũng “hùa theo” Mỹ.
Ông Duterte tuôn ra luôn lời mạt sát "đúng chất Duterte": “Thay vì giúp đỡ chúng tôi, Bộ Ngoại giao Mỹ lại là bên “nổ phát súng” đầu tiên. Vì thế, ông hãy 'cút xuống địa ngục đi', ông Obama. Còn EU thì nên chọn vào Purgatory [Nơi chuộc tội - một trong những nơi mà các linh hồn phải trải qua nếu muốn được lên Thiên đường theo lời giáo huấn của Cơ đốc giáo La Mã] bởi Địa ngục đã kín chỗ rồi. Tại sao tôi phải sợ các ông nhỉ?”.
Tổng thống Philippines lý giải rằng ông cảm thấy giận dữ bởi Mỹ đã không còn là một người bạn của Manila kể từ sau cuộc bầu cử ở Philippines hồi tháng 5 vừa qua: “Họ dám chỉ trích một Tổng thống trước mặt cộng đồng quốc tế”.
“Khi bạn liên tục phải nhận những lời chỉ trích từ những người không biết kiểm soát bản thân, cách duy nhất bạn có thể làm là lăng mạ họ. Đó chính là đòn đáp trả của tôi”, ông Duterte giải thích về thái độ đầy tính chất gây hấn của mình.
Cảnh sát điều tra của Philippines xem xét hiện trường một nghi can ma túy bị bắn chết ở TP Quezon vào tháng 9-2016 - Ảnh: Reuters |
Ông thậm chí tỏ thái độ khiêu khích: "Dù Mỹ có thể đáp lại điều này như thế nào thì tôi vẫn không đánh đổi sự nghiệp, cuộc sống và cả chức vụ Tổng thống của mình lấy việc phải thay đổi cách hành xử của tôi. Nếu tôi chỉ được làm Tổng thống trong vòng 3 năm thì cũng không sao hết”.
Thậm chí ông đã dùng đến thuyết âm mưu để nêu khả năng bị đảo chính hoặc bị Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) tổ chức lật đổ. Trong bài phát biểu tại thành phố Davao mà ông từng giữ chức thị trưởng thời gian dài, tổng thống Duterte thách thức: "Muốn lật đổ tôi hả? Muốn dùng CIA làm chuyện đó à? Cứ làm đi!".
Có thể thấy chuyện Tổng thống Duterte tỏ ra tức giận trước những lời nhắc nhở, tố cáo vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến chống ma túy mà ông chủ xướng quyết liệt chỉ là bề mặt của tảng băng, là "giọt nước làm tràn ly".
"Hội chứng thực dân"
Sâu xa hơn, Tổng thống của Philippines dường như rất căm giận quá khứ thực dân của Mỹ tại Philippines. Ông cho rằng người Mỹ đã lấy đi quá nhiều tự do của người Philippines.
Philippines từng là thuộc địa của Mỹ từ năm 1898 đến 1946. Đến tận năm 1992, Philippinnes từng có đến 2 căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài trước khi Washington cho rút đi gần 10.000 binh sĩ. Manila và Washington từng gắn bó với nhau qua hiệp định hợp tác quân sự có từ năm 1951 và một thỏa thuận thăm viếng quân đội vào năm 1998.
Xuyên suốt quá trình đó cho đến nay, ông Duterte cho rằng người Philippines chỉ toàn bị Mỹ chèn ép, "định hướng" cho con đường phát triển của mình.
Ông nghi ngờ khả năng liệu Mỹ sẽ hi sinh lợi ích của họ cho Philippines. Ông dẫn ra những mặt tối của chiến tranh, mà ông tin rằng chỉ có người Mỹ được hưởng lợi.
Binh sĩ Mỹ (phải) trong lần huấn luyện cho binh sĩ Philippines tại Mindanao - Ảnh: US Army |
Thậm chí vị lãnh đạo Philippines hiện nay cho rằng những viện trợ quân sự của Mỹ cho Philippines chỉ là các loại vũ khí không phù hợp và do đó vô dụng cho quân đội nước này. "Tôi thực sự mất niềm tin vào người Mỹ", ông Duterte mới đây đã nói thẳng như thế.
Người Mỹ ở đây đã 50 năm. Họ có thứ hội chứng thực dân và nghĩ rằng chúng ta luôn nằm dưới quyền lực của họ" |
Tổng thống Rodrigo Duterte |
Trong bài phát biểu ngày 7-10, ông Duterte một lần nữa lại đả kích Mỹ khi tuyên bố đừng đối xử với Philippines "bù nhìn" và phải đối xử "tôn trọng" với nước này.
Trong bài phát biểu với những nông dân trồng chuối ở TP Davao ở miền Nam Philippines, ông vẫn nhắc đến chuyện quan hệ hai nước: "Chừng nào tôi còn ở vị trí lãnh đạo, thì đừng có đối xử với chúng tôi như bù nhìn, nếu không quí vị (người Mỹ) sẽ hối tiếc".
Ông cũng nói rõ là không muốn chống lại người Mỹ nhưng Washington "phải tôn trọng chúng ta".
Vì theo ông, "người Mỹ quí vị cứ tự cân nhắc đi vì nếu không quí vị sẽ mất Philippines".
Ngay cả với Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) mà Tòa án tối cao Philippines đã chuẩn thuận về tính hợp pháp vào tháng 7 vừa qua, Tổng thống Duterte cũng muốn xổ toẹt.
"Tôi muốn nhắc với người Mỹ rằng cái thỏa thuận ấy là một tài liệu chính thức nhưng không có chữ ký của Benigno Aquino III (Tổng thống Philippines từ tháng 6-2010 đến tháng 6-2016). Quí vị cứ suy nghĩ đi vì tôi có thể yêu cầu quí vị rời khỏi đất nước này vì không có thỏa thuận gì cả", tổng thống Duterte từng cảnh báo mới đây.
Sau những phát ngôn đầu tiên về chuyện này, người ta cho rằng ông Duterte chỉ dám nói. Giờ đây ông đã làm...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận