Tràn ngập thép nhập, sản xuất trong nước "khóc ròng"
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 9-2024 Việt Nam đã nhập khẩu 1,2 triệu tấn thép HRC, tăng 34% so với tháng 8 và gấp 2,2 lần sản lượng sản xuất trong nước. Điều này đang gây ra sự mất cân bằng nghiêm trọng, tạo áp lực lên các doanh nghiệp thép nội địa như Hòa Phát, Tôn Hoa Sen và Tôn Đông Á.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu gần 8,8 triệu tấn HRC, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc chiếm 72% tổng lượng thép HRC nhập khẩu vào Việt Nam, với giá thấp hơn từ 30-70 USD/tấn so với các thị trường khác. Lý do chính là Trung Quốc đang đối mặt với khủng hoảng dư thừa thép, buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu với giá rẻ nhằm giảm lượng hàng tồn kho.
Sự tràn ngập của thép giá rẻ từ Trung Quốc đã khiến các doanh nghiệp thép Việt Nam gặp khó khăn trong việc cạnh tranh, đẩy họ vào tình thế có nguy cơ thu hẹp sản xuất.
Nói với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Hoàng Ngọc Thuận (Đại học Ngoại thương) cho rằng nếu tình trạng này kéo dài, sản xuất trong nước sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào hàng nhập khẩu, gây nguy hại cho nền kinh tế.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thép là ngành công nghiệp nền tảng. Nếu không có các biện pháp bảo vệ thị trường nội địa, ngành thép Việt Nam sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.
Dù Việt Nam đã có năng lực sản xuất thép đạt 29-30 triệu tấn/năm, vượt nhu cầu trong nước, nhưng thép nhập khẩu giá rẻ vẫn chiếm ưu thế, khiến thị phần của doanh nghiệp nội địa suy giảm.
Cần đẩy mạnh hơn biện pháp phòng vệ thương mại
Trước tình hình nhập khẩu ồ ạt, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra chống bán phá giá với một số sản phẩm HRC từ Trung Quốc và Ấn Độ vào ngày 26-7-2024. Tuy nhiên, quá trình điều tra có thể kéo dài đến một năm, trong khi đó thép nhập khẩu vẫn tiếp tục tràn vào thị trường, gia tăng áp lực lên các doanh nghiệp nội địa.
Tại diễn đàn Phòng vệ thương mại ngày 11-10-2024 ở TP.HCM, ông Đinh Quốc Thái, phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhấn mạnh rằng từ năm 2013-2017, ngành thép Việt Nam từng đối mặt với nguy cơ phá sản do lượng thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Nhờ các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng từ năm 2020, các doanh nghiệp thép trong nước đã phục hồi và cải thiện doanh thu. Tuy nhiên, tình trạng nhập khẩu hiện nay đang khiến các doanh nghiệp này một lần nữa đối mặt với nguy cơ mất thị trường nội địa.
Để bảo vệ ngành thép Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần phải đẩy nhanh quá trình điều tra chống bán phá giá và áp dụng các biện pháp tạm thời như tăng cường kiểm tra và giám sát nhập khẩu.
Đồng thời việc đầu tư vào sản xuất thép HRC trong nước cũng cần được khuyến khích với các chính sách hỗ trợ, để giúp doanh nghiệp cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ.
Theo các chuyên gia kinh tế, ngành thép Việt Nam hiện đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng. Nếu không có những biện pháp phòng vệ thương mại mạnh mẽ, thép giá rẻ từ nước ngoài sẽ tiếp tục làm suy yếu sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến hàng ngàn lao động và tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp thép trong tương lai.
Thái Lan và Indonesia áp thuế với thép HRC Trung Quốc
Nhiều quốc gia đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá để bảo vệ ngành thép HRC. Thái Lan, từ năm 2021, đã áp thuế chống bán phá giá 30,91% đối với thép HRC không hợp kim từ Trung Quốc, và mới đây đã mở rộng mức thuế này sang thép HRC hợp kim.
Ngoài ra, Thái Lan còn sử dụng thuế tối huệ quốc (MFN) cùng các hàng rào kỹ thuật để kiểm soát nhập khẩu và bảo vệ sản xuất trong nước. Mặc dù chỉ đáp ứng 43% nhu cầu tiêu thụ nội địa, Thái Lan vẫn quyết liệt bảo vệ ngành thép.
Tại Việt Nam, Formosa và Hòa Phát đang tham gia cuộc đua sản xuất thép HRC, đáp ứng 70% nhu cầu của thị trường nội địa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận