Trước nay, người dân đi lại từ TP.HCM đến tỉnh Đồng Nai qua phà Cát Lái - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nghiên cứu so sánh ưu nhược từng vị trí
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn khẳng định trong tương lai, TP Thủ Đức sẽ là một đô thị quan trọng đóng vai trò kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành lân cận. Do vậy, từ nhiều năm nay, TP Thủ Đức đã được quy hoạch kết nối đồng bộ giao thông từ nhiều hướng đông - tây - bắc. Chỉ riêng hướng nam hạ tầng giao thông còn hạn chế, mà cầu Cát Lái là một điểm mấu chốt.
Hai cây cầu mới vừa được Sở Giao thông vận tải đề xuất kết nối TP.HCM - tỉnh Đồng Nai là phù hợp, song không thể sử dụng hai cây cầu đó thay thế cho cầu Cát Lái. Bởi nhìn từ góc độ quy hoạch đa ngành cho cả vùng đô thị Đông Nam Bộ gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu thì chỉ xây cầu Cát Lái mới đạt hiệu quả cao cho phát triển kinh tế - xã hội liên vùng.
Tuy nhiên, TS Võ Kim Cương - nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM - cho rằng phương án xây cầu Cát Lái cũ có hướng tuyến thẳng vào khu vực cảng e là sẽ ảnh hưởng tới hoạt động cảng và đi lại vào trung tâm đô thị Thủ Thiêm trong tương lai gặp khó khăn.
Việc đề xuất xây hai cầu mới tránh cảng để thay thế cầu Cát Lái là rất cần thiết, được xem xét để kết nối giữa TP.HCM và tỉnh Đồng Nai. Dù vậy, ông Cương nhấn mạnh các đơn vị không làm chủ quan mà phải có tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động kinh tế - xã hội đối với hai địa phương. Trong đó so sánh ưu điểm, nhược điểm của từng vị trí xây cầu.
Ông Cương cũng gợi ý, cầu kết nối từ quận 7 sang huyện Nhơn Trạch cũng là ý kiến hay, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực này, giảm tải cho khu vực Cát Lái và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ngoài ra, phía thượng nguồn (phía trên cảng Cát Lái) cũng nên nghiên cứu xây cầu kết nối để mang lại hiệu quả về kinh tế - giao thông.
Hướng tuyến cầu Cát Lái không khả thi
Phân tích về việc đề xuất xây dựng hai cầu mới thay thế cầu Cát Lái, một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết hướng tuyến xây dựng cầu Cát Lái tại vị trí phà Cát Lái hiện nay là không khả thi.
Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cùng các đơn vị liên quan cũng đã có những khảo sát, đánh giá nhất định về vị trí xây cầu Cát Lái theo quy hoạch trước đây. Từ đó nhận thấy xây dựng tại vị trí này thì cần điều chỉnh quy hoạch lộ giới đường Nguyễn Thị Định từ 60m lên 77m. Khi xây dựng có nguy cơ gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cảng Cát Lái.
Bên cạnh đó, hướng tuyến cầu Cát Lái theo phương án cũ, cách cầu cảng hiện hữu của cảng Cát Lái khoảng 100m. Nếu xây dựng cầu tại đây sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của cảng, không đảm bảo an toàn cho tàu container quay tàu khi ra vào cảng, hướng tuyến cầu còn vi phạm hành lang an toàn cầu.
Cũng theo vị này, hiện dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc dự án vành đai 3 TP.HCM khi được phê duyệt thì quy mô cầu có thể phải điều chỉnh giảm. Vì vậy, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất bổ sung quy hoạch hai vị trí cầu:
Vị trí thứ nhất là xây cầu nối từ đường trục Bắc - Nam (nối quận 7), vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu, Phú Đông, huyện Nhơn Trạch.
Cầu được xây dựng ở đây sẽ tạo một trục giao thông mới (song song với cầu Phú Mỹ 2), giúp chia sẻ áp lực giao thông cầu Phú Mỹ hiện hữu, tạo trục kết nối các tuyến đường trên cao 1 - 2 - 3. Tại nơi đây còn hình thành điểm kết nối hai sân bay lớn của hai địa phương là sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành.
Đặc biệt, đây là hướng tuyến thuận lợi cho giải phóng mặt bằng do một phần đường dẫn phía TP.HCM qua khu vực đất trống.
Còn vị trí thứ hai, kết nối từ TP Thủ Đức với xã Tam An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (theo hướng quy hoạch ĐT.777B). Đối với vị trí này, các đơn vị đang xem xét kết nối vào vành đai 3 tại vị trí nút giao Gò Công (giao với đường nhánh nối từ vành đai 3 ra xa lộ Hà Nội) thuộc phường Long Thạnh Mỹ hoặc kết nối vào D1 - Khu công nghệ cao.
Hiện nay, Sở Giao thông vận tải TP.HCM vẫn đang tổng hợp ý kiến góp ý của các sở, ngành, Sở Giao thông vận tải sẽ tham mưu UBND TP.HCM lấy ý kiến của Bộ Giao thông vận tải làm cơ sở chuẩn bị nội dung làm việc giữa hai địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận