29/10/2020 16:58 GMT+7

Vì sao sạt lở liên tục ở vùng núi miền Trung?

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Sạt lở liên tục ở miền Trung gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Nguyên nhân do đâu? Tuổi Trẻ Online có cuộc trao đổi với tiến sĩ TRẦN TÂN VĂN, viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản.

Vì sao sạt lở liên tục ở vùng núi miền Trung? - Ảnh 1.

Một điểm sạt lở trên đường vào hiện trường vụ sạt lở ở Trà Leng (ảnh chụp sáng 29-10) - Ảnh: MINH HÒA

* Thưa ông, miền Trung thời gian qua liên tục sạt lở đất ở miền núi, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

- Với những người làm công tác nghiên cứu địa chất, việc sạt lở đất ở miền Trung tăng đột biến trong thời gian này là không bất ngờ. Nguyên nhân chính vẫn là sự thay đổi đột ngột của thời tiết, cộng với những thay đổi khi những sườn đồi này bị tác động bởi bàn tay con người.

* Ông có thể nói rõ hơn về việc sạt lở ở các sườn dốc miền núi các tỉnh miền Trung đã và đang xảy ra?

- Đối với các sườn dốc, nước là kẻ thù số 1. Mưa to dài ngày như ở miền Trung tháng 10 vừa rồi làm cho các sườn dốc giữ nước. Nước khiến cho các sườn dốc nặng hơn rất nhiều. Chính nước làm yếu đi tính chất cơ lý của đất đá. Tính kháng trượt của sườn dốc yếu đi rất nhiều. Hai yếu tố cộng hưởng cùng lúc là nguyên nhân gây ra sạt lở liên tục ở miền Trung.

* Trong nhiều năm qua, mỗi đợt mưa lớn nhưng sạt lở không nhiều như năm nay. Nếu nói mưa là yếu tố chính, vậy tại sao những năm trước lượng mưa cũng lớn nhưng sạt lở không lớn như năm nay?

- Mưa lớn là nguyên nhân chính nhưng kết hợp với sự kiện thời tiết của năm trước. Năm 2019, hiện tượng thời tiết El Nino dẫn đến khô hạn kéo dài, miền Trung cả năm chỉ hứng vài trận mưa nhỏ, đất đá "há mồm" vì hạn. El Nino cũng khiến cho cấu trúc đất đá thay đổi, độ rỗng trong lòng đất lớn hơn. 

Năm nay xuất hiện hiện tượng La Nina, mưa bão liên tục đổ vào miền Trung. Những trận mưa lịch sử trút xuống liên tục. Miền Trung như một túi nước, khu vực miền núi lượng nước cực lớn ứ lại trong kết cấu rỗng của lòng đất. Chỉ cần có trận mưa lớn lập tức xảy ra sạt lở. 

Như chúng ta thấy khi xuất hiện sạt lở, lập tức có hiện tượng lũ bùn, lũ ống quét mạnh. Những đợt cứu hộ vừa rồi, lượng đất đổ xuống lại trở thành bùn nhão, đá và đất không kết dính với nhau mà tạo thành hai khối riêng biệt. Hiện tượng thời tiết La Nina được các chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo từ đầu năm.

Vì sao sạt lở liên tục ở vùng núi miền Trung? - Ảnh 2.

Tiến sĩ Trần Tân Văn (phải) - Ảnh: TRẦN MAI

* Hiện tại khu vực miền núi nào của miền Trung nằm trong nhóm nguy cơ sạt lở cao?

- Như các chuyên gia khí tượng thủy văn đã cảnh báo, hiện tượng La Nina sẽ còn gây mưa lớn cho cả miền Trung. Năm ngoái El Nino cũng khiến cả miền Trung khô hạn. Cho nên không loại trừ bất kỳ khu vực nào, mà hiện tại với kết cấu đất đá của miền Trung, nhất là các sườn đồi, sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

Chỉ cần thêm những trận mưa lớn, nước ứ đọng trong đất đá sẽ tạo áp lực dẫn đến sự thay đổi đột ngột, lực kháng trượt không còn, mà lực gây trượt tăng lên gây sạt lở. 

Tôi đánh giá toàn bộ khu vực miền núi của miền Trung nằm trong nhóm nguy cơ sạt lở cao. Nhất là các sườn đồi có hoạt động dân sinh tác động trực tiếp.

* Nhiều quả đồi có rừng và nhiều quả đồi không có rừng cũng bị sạt lở. Vậy theo ông, rừng có gia cố, chống sạt lở ở sườn đồi vùng núi miền Trung?

- Rừng có tác dụng hai chiều, một mặt bộ rễ làm cho sườn dốc khỏe hơn, ổn định hơn. Mặc khác hệ thống thân, lá làm cho sườn dốc gánh sức nặng nhiều hơn. Nên rừng quan trọng nhất là thảm phủ thực vật nguyên sinh nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều chủng loại, khi đó tác dụng thẩm thấu tốt hơn, giúp cho đất đá có thời gian liên kết, hay nói đơn giản là sự kết dính trong lòng đất. 

Còn rừng trồng, rừng sản xuất phía dưới không còn thảm thực vật nào khác, tác dụng thẩm thấu từ từ không còn. Mưa xuống, trong lòng đất là túi nước, và còn gánh thêm sức nặng của thân lá, thì rừng sản xuất vô tình trở thành gánh nặng, chứ không giúp giảm sạt lở.

Đã đến lúc trả lại cho thiên nhiên. Trong thời gian qua, việc tập trung phát triển kinh tế lấn sân vào tự nhiên quá nhiều.

* Sự tác động của con người vào thiên nhiên, những hiện tượng thời tiết cực đoan có phải cục bộ ở miền Trung không?

- Không, hoàn toàn không phải đặc hữu hay cực đoan đối với Việt Nam mà trên thế giới đã đúc kết từ lâu. Chúng ta có thể thấy toàn thế giới thiên tai ngày càng nhiều hơn cả về cường độ lẫn tần suất, thiệt hại cũng nhiều và lớn hơn. 

Trong khi đó vai trò của các hoạt động dân sinh ngày một tăng lên. Nhiều nước trên thế giới đã nhìn nhận thẳng vấn đề sự tác động của con người là nguyên nhân chủ yếu gây ra thiên tai. 

Những vụ việc rất đau lòng do sạt lở núi, nhưng chúng ta cần nhìn thẳng rằng thời tiết cực đoan, kết cấu đất thay đổi là thiên tai hay nhân tai khi chúng ta đã khai thác thiên nhiên quá nhiều để phục vụ cho sự phát triển.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp